Giải Thơ, Văn xuôi Hội Nhà văn HN: Chọn trung bình để trao giải
Về chất lượng giải Thơ và giải Văn xuôi này, nhà nghiên cứu/dịch giả Cao Việt Dũng đã có bài viết đánh giá. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc:
1. Giống thông cáo báo chí về Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 2010 dùng đến từ “băn khoăn” để miêu tả trạng thái tinh thần của Hội đồng chung khảo, tôi cũng thấy băn khoăn về giải thưởng năm nay của Hội.
Không mấy được chú ý, ngoài dăm bài báo phỏng vấn lẻ tẻ trên vài tờ báo vốn được tiếng là kiên trì phủ sóng tình hình văn nghệ trong nước, cũng không đóng vai trò gì nổi bật trong việc thúc đẩy người đọc mua sách, hay nói văn hoa hơn là thúc đẩy “văn hóa đọc”, các giải thưởng văn học ngày càng trở nên giống hơn với tình trạng của bản thân các Hội: chủ yếu là nơi tập hợp các nhà văn thích giao du và là bệ đỡ thúc đẩy cho ra đời hằng năm vô số tác phẩm trung bình.
2. Năm nay, Hội Nhà văn Hà Nội trao giải cho tập thơ Cởi gió của Nguyễn Phan Quế Mai và tiểu thuyết Nhân gian của Thùy Dương. Cả hai tác phẩm đều nhận được lời nhận xét nhìn chung là dè dặt của các hội đồng trao giải. Sự dè dặt này không có gì là đáng ngạc nhiên, vì cả tập thơ Cởi gió lẫn tiểu thuyết Nhân gian đều không thể gọi là những tác phẩm văn chương xuất sắc.
Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai nói về cuộc sống, về tình yêu, về các địa danh, về nhiều thứ, bằng hình ảnh và câu từ không có gì mới mẻ và đặc biệt, những hình ảnh và câu từ thể hiện rõ một tâm hồn phụ nữ lãng mạn, dịu dàng, nhìn mọi thứ đều trong trẻo, đôi khi thử màu mè một chút: Mặt trời khóa môi với chân trời (Cõi sen), nhưng thường thì vô cùng thật thà: Thăng Long sắp nghìn năm tuổi/Ta già phố trẻ (Chạm môi lên Thăng Long). Cả tập thơ Nguyễn Phan Quế Mai không mấy chú ý tới vần điệu, khi muốn làm ra vần thì như thế này: Ta chạy thênh thang đồng lộng lộng gió/Châu chấu cào cào hoa vàng hoa đỏ/Ta ôm nhau ngủ cùng trăng cùng sao/Hoa vàng hoa đỏ châu chấu cào cào (Nói cùng con), hay táo bạo hơn một chút: Nghìn chồi thơ nảy lộc/Em - con thuyền độc mộc trôi trên dòng sông xiết chảy hương hoa (Gửi người yêu dấu). Đọc lên phảng phất nồng nàn ríu rít, nhưng cũng nhiều yếu tố làm ta muốn mỉm cười.
Đề tài của Nhân gian thì rất cổ điển: người của hiện tại quay trở lại quá khứ chiến tranh để tìm kiếm cả những thứ hữu hình lẫn một số ý nghĩa. Điều đáng nói là câu chuyện được viết bằng một bút pháp mà ngay chính Hội đồng chung khảo của Hội Nhà văn Hà Nội cũng nhanh chóng nhìn ra nhiều khiếm khuyết: “sa vào những chuyện kể”, “lựa chọn không hẳn đắc địa”. Cuốn tiểu thuyết không có gì nổi bật, nhưng cũng giống tập Cởi gió, nó rất thật thà. Có lẽ đặc điểm này chính là điều thuyết phục các hội đồng của Hội Nhà văn Hà Nội luôn được miêu tả là làm việc nhiệt tình và công tâm?
Nếu đã trao giải cho các tác phẩm thơ và văn xuôi có chất lượng trung bình như vậy, không hiểu tại sao năm nay Hội Nhà văn Hà Nội lại phải ngại ngần trong việc trao giải dịch thuật và lý luận phê bình?