loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Nói đến nhà thơ Hoài Vũ, có thể ít người biết, nhưng nói đến bài hát Vàm Cỏ Đông thì ngược lại. Vàm Cỏ Đông là bài hát mà nhạc sĩ Trương Quang Lục phổ bài thơ cùng tên của Hoài Vũ. Bài hát với lời thơ của Hoài Vũ đã đi vào lòng người yêu nhạc nhiều thế hệ…
Thạch là đá, Quỳ là tên một ngọn núi ở vùng Nghệ Tĩnh, Thạch Quỳ là bút danh của một “ông đồ” Nghệ gàn nổi tiếng, gàn thứ thiệt nhưng dễ thương, chứ không gàn diễn. Ông đồ Thạch Quỳ người nhỏ thó, xù xì, góc cạnh như đá núi, nhưng thơ trong sách giáo khoa thì lại đẹp, mềm mại, rực rỡ.
1. Bài thơ Vàm Cỏ Đông của Hoài Vũ được trích đưa vào sách giáo khoa Tiếng Việt 3, tập 1, in ở trang 106:
“Ở tận sông Hồng, em có biết/ Quê hương anh cũng có dòng sông/ Anh mãi gọi với lòng tha thiết/ Vàm Cỏ Đông! Ơi Vàm Cỏ Đông// Đây con sông xuôi dòng nước chảy/ Bốn mùa soi từng mảnh mây trời/ Từng ngọn dừa gió đưa phe phẩy/ Bóng lồng trên sóng nước chơi vơi// Đây con sông như dòng sữa mẹ/ Nước về xanh ruộng lúa, vườn cây/ Và ăm ắp như lòng người mẹ/ Chở tình thương trang trải đêm ngày”.
Chỉ 3 khổ thơ với 84 chữ, nhưng dạy cho hay 84 chữ này với học sinh lớp 3 cũng không dễ. Hầu như không có nhà thơ nào dùng điệu thất ngôn để làm thơ cho thiếu nhi, nên thất ngôn lạ tai và không thuận miệng với học sinh lớp 3.
Thầy cô nên hướng dẫn các em đọc tự nhiên, như kể một câu chuyện có vần, đừng băn khoăn vì sao là thất ngôn mà không “nhất tam ngũ bất luận/ nhị tứ lục phân minh”, đừng bắt đứa trẻ ngâm theo nhịp xưa 2/2/3… 2/2/3 rồi thành các ông, các bà cụ non đi lạc khỏi tinh thần bình dị của bài thơ mang hơi hướng các điệu hát chèo đò trên sông nước đồng bằng Nam Bộ. Nhịp chèo đò rõ nhất, khỏe nhất, 3/1/3 lại nằm ở dòng thơ trữ tình nhất, nhưng cũng hiện thực nhất Vàm Cỏ Đông /ơ / Vàm Cỏ Đông!
Một cái khó khác cần được xử lý là tỉ số 84 chữ trích, trên 308 chữ của tác phẩm nguyên bản, cái tỉ số 3/11 khổ thơ nguyên bản. Với tỉ số này người soạn sách giáo khoa chỉ muốn giới thiệu cái đẹp của dòng sông Vàm Cỏ, của đồng đất Nam Bộ, chưa nói tới cái hùng. Nếu không tỉnh với trang sách giáo khoa ở trang 106 này mà mê với ca từ của đĩa nhạc Vàm Cỏ Đông của nhạc sĩ Trương Quang Lục phổ tức thời bài thơ thời chiến, viết tại trận của Hoài Vũ, được đưa vào lớp như một đồ dùng dạy học theo hướng tích hợp, thầy trò dễ lạc từ cái đẹp sang cái hùng!
2. Như là sự lai tạo, chiết ghép, một cách tích cực vẫn diễn ra liên tục trong nông nghiệp, những hạt thơ Hoài Vũ theo dòng lịch sử đã sinh thêm bông, thêm lượm… tác phẩm mới. Đã có tân nhạc Vàm Cỏ Đông Trương Quang Lục phổ thơ, đứng vào hàng “bài ca đi cùng năm tháng”, “giai điệu tự hào” lại có “tân cổ giao duyên” Dòng sông quê em của Huyền Nhung chảy ngọt ngào bằng giọng ca của nhưng “chuông vàng vọng cổ”.
Dưới góc độ học thuật, nhìn vào sự phái sinh từ thơ Hoài Vũ, những ai có trách nhiệm chăm sóc, quản lý đời sống văn hóa, có thể chắt lọc được những kinh nghiệm. Soạn giả Huyền Nhung kể trên báo Long An ngày 17/08/2017: “Năm 1974, chị được cử ra Bắc học Trường Lý luận Nghiệp vụ Văn hóa (Hà Nội). Trong những ngày tháng miệt mài đèn sách, chị vẫn đau đáu nỗi nhớ quê nhà, nhất là khi nghe tin chiến thắng từ miền Nam. Một lần nghe bài hát Vàm Cỏ Đông (thơ Hoài Vũ, nhạc Trương Quang Lục), chị bồi hồi nhớ những khoảnh khắc bên đồng đội ngày còn phục vụ chiến sĩ, đồng bào. Tất cả đều được góp nhặt thành những cảm xúc đặc biệt để chị “nung nấu” thành tác phẩm Dòng sông quê em chỉ trong vòng 2 đêm là hoàn chỉnh”.
Vẫn xét từ góc độ học thuật, từ các trang giáo khoa, thì về văn bản học, rất nên tham chiếu bài ký Thư Tân Sơn Nhất của Hoài Vũ khi luận bàn, phân tích, giảng giải bài thơ Dáng đứng Việt Nam của Lê Anh Xuân (từng được dạy ở lớp 9 phổ thông).
Chính tác giả Hoài Vũ, mới hôm qua có kể cho người viết bài: “Tôi tham gia chiến dịch Mậu Thân 1968 ngay đợt 1, dịp Tết Nguyên Đán, có trận đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất. Tôi cùng anh em trong đơn vị được biết tính huống, đồng đội Lê Văn Mẹo hy sinh trong trong tư thế đứng, vẫn cầm súng, tựa lưng vào xác xe tăng địch. Tôi đã kể chuyện này trong bài ký Thư Tân Sơn Nhất in trên báo Văn nghệ Giải phóng. Đài phát thanh Giải phóng đọc, phát sóng ngay khi báo ra. Ít ngay sau, từ Sài Gòn rút quân lên cứ, tôi gặp Lê Anh Xuân, nhà thơ vui mừng nói với tôi, anh đã đọc bài ký và viết được thơ Dáng đứng Việt Nam (lúc đầu bài thơ có tên là Anh giải phóng quân). Vậy là trong chiến tranh nhân dân, ngoài hợp đồng chiến đấu của quân và dân, của các binh chủng, còn hợp đồng sáng tạo của các văn nghệ sĩ. Những người tay bút tay súng đã cùng nhau tạo ra dáng đứng Việt Nam theo nghĩ chung nhất và đẹp nhất!
3. Hoài Vũ từ ngày còn ra trận đã đau đáu về một miền xanh thanh bình cho đất nước mình. Ông gửi vào bộ sách 7 tập Một thề kỷ văn học yêu nước, cách mạng TP Hồ Chí Minh 1900 - 2000 (NXB Văn hóa Văn nghệ, 2016) 5 bài thơ thì có tới 4 bài nhấn vào chữ “xanh”.
Đón một người đẹp Sài Gòn theo giải phóng “Qua cầu tre nghiêng nghiêng…” vào cứ, ông hỏi:
“Nước có tương tư, khi nước chảy qua cầu
Mà xanh lắm, ngày Sài Gòn đứng dậy”.
Nhìn “Những chiếc xe hoa qua cầu…” nơi anh linh liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi như cùng nhìn, ông tự động viên mình lạc quan vượt khó:
“Ta chọn nơi này lầy lội có nhau
Như đám rau xanh chân cầu Công Lý”.
Ngày hòa bình, ông “Trở về Thái Mỹ thăm em” thì vui nhất là:
“Căn hầm ngày ấy che anh
Bây giờ xanh một vườn chanh trái đầy”.
Một buổi “Chiều trên biển Cần Giờ”, “bơ vơ” như bị ai bỏ rơi, thì nỗi sợ của người cô đơn Hoài Vũ, là sợ:
“Sóng lang thang và gió lang thang
Vườn đang xanh cũng xao xác lá vàng”
Ngay ở bài thứ 5 bài Tâm tình trước ngã ba sông không có chữ xanh, thì thiên nhiên vẫn đến từ thứ hoa rất đặc trưng Nam Bộ, quyến rũ ông:
“Lục bình trôi muốn trôi chung chùm hoa tím
Không nỡ phân thân nửa bên ấy, bên này”
Từ ngày còn cầm súng, dòng thơ Hoài Vũ đã trôi lục bình như thế, theo dòng Vàm Cỏ Đông, “Nước xanh biêng biếc chẳng thay dòng” đã “đi trong hương tràm” hướng về miền đề tài xanh mà ông “mãi gọi”!
Vài nét về Hoài Vũ
Nhà thơ - dịch giả Hoài Vũ sinh 1935 tại Quảng Ngãi. Từ 1958 học Khoa Ngữ văn Đại học Bắc Kinh. Từ 1963 hoạt động trong văn học giải phóng miền Nam, là ủy viên Tiểu ban Văn nghệ khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Ðịnh, ủy viên thường trực Hội Văn nghệ giải phóng miền Nam, Tổng biên tập báo Văn nghệ giải phóng.
Từ sau 1975 ÔNG là ủy viên Ban biên tập Tuần báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam), Phó giám đốc Nhà xuất bản Tác phẩm mới (Hội Nhà văn Việt Nam), ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn TP.HCM, Chủ tịch Hội đồng Văn học dịch (Hội Nhà văn TP.HCM), Phó Tổng biên tập báo Sài Gòn giải phóng…
|
Lê Kim Hoàng
loading...