Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Võ Diệu Thanh - Hiền hòa và dữ dội
(Thethaovanhoa.vn) - Là cô giáo tiểu học dạy môn mỹ thuật ở trường làng quê mình, đất Nam Bộ, nhưng Võ Diệu Thanh cũng là tác giả của hơn 20 tác phẩm đã xuất bản và 8 giải thưởng dành cho số tác phẩm ấy, đến từ cấp tỉnh, cấp miền, cấp quốc gia!
Xem toàn bộ chuyên đề Gặp lại các tác giả được đưa vào SGK TẠI ĐÂY
Khi Võ Diệu Thanh được tới 2 giải thưởng trong một cuộc thi (thi truyện ngắn Đồng bằng sông Cửu Long năm 2011) ông chánh chủ khảo, nhận xét: “Giải Nhì thuộc về Võ Diệu Thanh, cây bút nữ với những truyện ngắn vừa hiền hòa vừa dữ dội…Võ Diệu Thanh còn góp với cuộc thi truyện ngắn thứ 2, Mười bảy cây số đường ma, đoạt giải Khuyến khích.
Đây cũng là một truyện đổi mới, nhưng về hình thức. Trong văn chương, hình thức chính là nội dung. Chúng ta đã có quá nhiều kiểu viết “hiện thực” xưa cũ, cần tìm cách viết mới, làm sinh động thêm diện mạo văn học vùng đồng bằng”.
Tích cực làm mới văn học thiếu nhi
Võ Diệu Thanh làm mới các trang mình viết cho thiếu nhi bằng cách đưa vào những nội dung, mà thời trước ít khi được đưa vào. Thời ấy, người viết cho thiếu nhi chỉ đề cao chức năng giáo dục, khuyến khích bạn đọc theo cha ông, sống hết mình cho cộng đồng, hướng các em tới cái hùng, kiêng kị cái bi, cái hài.
Trong 2 tập truyện dài Siêu nhân cua của Võ Diệu Thanh (chị viết và vẽ minh họa) có cái bi. Khi nhân vật bé Mai nghỉ học 2 ngày liền, cô giáo tên Thanh cùng nhóm nhân vật Nam, Hưng, Quý tìm đến thì thấy: “Con Mai ngủ dưới đất thật. Nó còn ăn cơm nguội, còn bị trói và ngủ ở nhà một mình. Nó không có ti-vi coi nên nó không biết con ma ra làm sao. Nó chỉ vẽ con ma theo giấc mơ của nó. Chắc là nó bị con cua dưới mương bò lên cắn nó là thật. Thằng Nam đứng nhìn cô Thanh rồi nhìn con Mai. Nó thấy cô Thanh khóc…”.
Bi thương quá đi! Nhưng là sự thật, Võ Diệu Thanh vẫn viết lên trang, chị viết bằng nước mắt.
Và thật may mắn, cái hài nhiều hơn cái bi. Hài tới phì cười cùng nhân vật, khi tác giả để Nam đóng kịch câm, tạo hiệu ứng nhà cười, biến mặt mình thành mặt bạn Hưng “bành”: “Nó diễn tả bằng cách kéo 2 gò má nó bành ra, xệ xuống. Nhìn kiểu diễn tả của nó, con Mai cũng hí con mắt lại mà cười...”.
Cái hài mủm mỉm khi chơi chữ “anh hùng” trong dòng tâm lý ấu thơ, mộc mạc của nhân vật, giúp người đọc hiểu hơn tựa đề Siêu nhân cua: “Trên đường về nhà tôi thấy mình thật vui. Hình như tôi là một người tốt. Tôi có thể giúp con Mai bắt cua để nó hết sợ. Tôi là một anh hùng như siêu nhân Gao. Siêu nhân bắt con cua”.
Võ Diệu Thanh còn làm mới trang thiếu nhi bằng cách đẩy truyện chữ gần với truyện tranh. Có nhiều trang, truyện chỉ là đối thoại, không kể lể diễn biến, càng không mô tả tâm lý:
“- Phải chi cái xe lăn của nội bay lên được. Nội ngồi trên xe bay lên vườn su su - Vậy mình gắn quạt lên một cái ghế thiệt nhẹ cho nội ngồi lên đó rồi bay
- Ừa, cái ghế làm bằng ống hút chẳng hạn. Nhẹ hều luôn!
-Phải có mái che tránh trời nắng
- Máy phải tự động bay được khi mình bất ngờ trượt chân té xuống. Như vậy mới an toàn
- Phải bay được khắp núi Cấm, bay qua núi Tà Lơn”.
Cô giáo phổ thông trung học Đồng Thị Huyền Trân, người làm khóa luận tốt nghiệp đại học “Nghệ thuật trần thuật trong Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ của Nguyễn Nhật Ánh và Siêu nhân cua của Võ Diệu Thanh” nhận định: “Thiếu nhi Việt Nam chấp nhận, yêu mến Nguyễn Nhật Ánh và Võ Diệu Thanh vì 2 nhà văn hiểu chúng, kể về chúng và những chuyện xảy ra quanh chúng… Nguyễn Nhật Ánh và Võ Diệu Thanh không chỉ kể chuyện cho thiếu nhi, kể chuyện về thiếu nhi mà họ còn là người kể chuyện của thiếu nhi”.
Ngoài Siêu nhân cua danh mục sách viết cho thiếu nhi của Võ Diệu Thanh còn: Tiền của thần cây, Bảng đỏ cho xứ Bìm Bìm, Bí mật bên khóm hoa quỳnh, Chú ong bé bỏng, Khu vườn trong mơ, Quà tặng ngày mai. Trong số đó, có tới 3 cuốn truyện tranh được NXB Phụ nữ in khổ A0 khổng lồ, và ngày 20/3/2021 tại TP.HCM, lễ ra mắt Quà tặng ngày mai là một sự kiện đặc biệt! Trên sân khấu, các nhân vật văn học “bước ra” từ truyện ký này, chơi nhạc tài tử góp vui! Vì sách của Võ Diệu Thanh viết về 3 anh chị em “thần đồng đàn sến” Khánh Hưng. Tiểu thuyết hóa người thật việc thật - “biệt tài tí hon” Khánh Hưng, cũng là một cách làm mới văn học thiếu nhi của Võ Diệu Thanh.
Truyện bật lên những thông điệp sinh thái
Với thành tựu văn học thiếu nhi như thế, các nhà biên soạn sách giáo khoa mới Tiếng Việt 3 bộ Chân trời sáng tạo mời Võ Diệu Thanh viết bài tập đọc Hoa cỏ sân trường (tr. 36 - 37, tập 1).
Trong bài tập đọc này, nhỏ như hạt bụi, con kiến, hay vô hình như “cơn gió tràn qua” ở một sân trường vùng sâu, cũng được người viết quan tâm, vì tác giả là người của văn học xanh. Những trang viết của Võ Diệu Thanh về sinh thái đủ chất liệu để Trường Đại học Sài Gòn, trong những tháng đầu năm 2019 đã tổ chức để nghiên cứu sinh Đinh Thị Thu Phấn bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ Tư tưởng sinh thái trong truyện ngắn của Võ Diệu Thanh. Theo thạc sĩ Thu Phấn: “Truyện của nhà văn bật lên những thông điệp sinh thái, kêu gọi con người nhận thức lại mối quan hệ, vị trí và vai trò của tự nhiên đối với đời sống con người và ngược lại. Nếu con người nhận thức được điều đó, tự nhiên sẽ luôn là người bạn đồng hành hậu thuẫn cho con người”.
Trong tham luận gửi tới hội thảo quốc tế Đông Á, những vấn đề nghiên cứu và giáo dục ngữ văn tổ chức tại TP.HCM ngày 3/8/2019, PGS-TS Bùi Thành Truyền, có nhận xét trong tham luận Tinh thần sinh thái của Phật giáo trong truyện Việt Nam sau 1986 viết về loài vật - Võ Diệu Thanh đã để “Mại (nhân vật trong truyện Trở lại với người)…bạn bầu cùng nghĩa khuyển. Nhân vật tìm đến với loài vật như truy tầm căn tính tốt đẹp của tự nhiên, nhờ tự nhiên cứu chữa vết thương lòng… Truyện như một lời cảnh tỉnh về sự cạn kiệt của nhân tính, sự cô đơn của con người hôm nay”.
Trở lại với người kể chuyện thầy giáo tiếng Anh tên Mại, căm thù 1 người tình bội bạc tới mức ác cảm với cả loài người. Anh ta cố tình xa lánh đồng loại tới mức yêu mến thái quá 1 con chó mẹ và đàn con, cố tình xa lánh con người để rồi lạc nhân tính, ngày càng chìm sâu vào thú tính. Nhân vật chị Ba, người được Mại thuê làm vú nuôi chó, tố khổ: “Bữa tôi cho con Trắng ăn, nó bị ỉa. Cậu bắt tôi ăn chén thức ăn thừa của nó”. Chưa hết, có lần “…chị Ba đang châm nước sôi vào bình thì con Trắng cắn vô chân chị… Con Trắng đang giỡn với đám con của nó. Chị chới với làm đổ vài giọt nước lên lưng con Trắng. Chiều đó về Mại “lẳng lặng đi vào bếp cầm bình nước sôi chế lên chân chị…”.
Một thiếu phụ (nhân vật Đẫm) vì cần tiền nuôi chồng học nghề máy tính, sẵn sàng tới làm ô-sin cho Mại dù phải gọi con chó chủ nhà là “mợ”, dù mắt nhìn thấy “Con Trắng khôn thấu trời. Khi Mại bị ai đó làm cho quạu, nó tới gần, không liếm láp, không dựa dẫm, chỉ nằm kế đó nhìn ông chủ, như biểu “nói đi, nghe nè”. Vậy là Mại kể cho nó nghe đủ chuyện. Đẫm đoán là anh ta than thở gì đó, giọng hạ thấp... Nhưng thật sự Đẫm không hiểu anh ta nói gì, xí xô xí xào tiếng nước nào lạ quơ. Kể một hồi hết buồn, ôm nó liếm. Đẫm ụa mắc chết. Đẫm tự hỏi. Có phải cái khôn của con chó có được là do Mại với nó… Không dám nghĩ nữa. Nhất là khi nghĩ tới bầy chó con”.
- Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Nguyễn Liên Châu vừa làm sách vừa 'chơi thơ'
- Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Nhà văn Vũ Hùng - Chủ nghĩa nhân đạo thấm nhuần mỗi trang viết
- Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Ngân Vịnh - người lính có băng đạn, túi thơ
Truyện nát vụn bởi nhiều chấm lửng như trên, truyện dấm dẳng, cộc cằn với nhưng câu thoại khó nghe, tạo ra một “khí quyển văn chương” u ám, theo chủ quan người viết, khi nhân vật cục súc đã quên tao nhã để được xa loài người! Ấy vậy mà Đẫm vẫn lấp lánh vẻ đẹp vị tha, dẫn Mại “trở lại với người” để giữ cân bằng sinh thái tinh thần.
Không giữ được cân bằng nội tâm, biết đủ và dừng lại, con người dễ vụ lợi, khai thác kiệt quệ thiên nhiên, để rồi sống “Trên hàm ếch” như nhân vật Thiện và Nhàn trong câu chuyện đầy ma mị này. 2 tay “cát tặc” chính danh, có xà lan bự với điện thoại thông minh cầm tay, vẫn nghe thấy tiếng mà không thể tìm gặp trong xóm nhỏ Cây Dương! Vì chính họ hút cát làm xói lở bến bãi, đường sá, nhấn chìm nhà cửa, vườn tược, làm méo mó mặt đất. Không gian nghệ thuật trong truyện đang ở dương thế,nhưng nhân vật Thiện, cứ như gặp phải những người cõi âm trở về cảnh báo về một sụp đổ! Một anh xe ôm đang thao thao bỗng biến mất, một cụ ông như con ma nói, kể từ chuyện “… 3 xác nhà đã qua. Nhưng tao nghĩ là 5, 7 xác nhà cũng không nhằm nhè gì” tới chuyện, “Tụi Miên Đỏ thụt u bích bên Đa Phước qua. Tao với ông nội về thì bà nội bây chỉ còn cái xác đầy máu”.
Cho tới dòng cuối cùng, nhân vật Thiện với cái điện thoại thông minh đã thành vô minh trong tay, vẫn bị bỏ rơi, nằm chịu trận giữa trời như nằm chờ quả báo của một thiên nhiên đang nổi giận.
Vài nét về Võ Diệu Thanh Võ Diệu Thanh sinh 1975 tại An Giang, đoạt giải Nhì cuộc thi sáng tác Văn học tuổi 20 lần thứ 4 do Hội Nhà văn TP.HCM, báo Tuổi trẻ và NXB Trẻ đồng tổ chức; giải C Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội VHNT năm 2008 và nhiều giải thưởng khác. Chị vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 2012. Võ Diệu Thanhhiện sống tại An Giang. |
(Còn tiếp)
Trần Quốc Toàn