Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Ngân Vịnh - người lính có băng đạn, túi thơ
(Thethaovanhoa.vn) - Nhà thơ Ngân Vịnh viết nhiều cho độc giả tuổi khăn đỏ. Năm 1995 bài Cánh cam lạc mẹ trong tập thơ Ếch con và hoa sen của ông được tuyển vào bộ tổng tập Văn học Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám (NXB Văn học) ở phần Văn học cho thiếu nhi. Năm 2006 Cánh cam lạc mẹ thành bài chính tả trong sách Tiếng Việt 5 tập 2, bộ hiện hành.
Các nhà biên soạn giáo khoa mới cho chương trình giáo dục phổ thông 2018, tiếp tục đưa Cánh cam lạc mẹ vào Tiếng Việt 1(tập 2 ) bộ Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục và Tiếng Việt 2 (tập 2) bộ Kết nối tri thức với cuộc sống:
“Cánh cam đi lạc mẹ/ Gió xô vào vườn hoang/ Giữa bao nhiêu gai góc/ Lũ ve sầu kêu ran// Chiều nhạt nắng trắng sương/ Trời rộng xanh như bể/ Tiếng cánh cam gọi mẹ/ Khản đặc trên lối mòn// Bọ dừa dừng nấu cơm/ Cào cào ngưng giã gạo/ Xén tóc thôi cắt áo/ Đều bảo nhau đi tìm// Khu vườn hoang lặng im/ Bỗng râm ran khắp lối/ Có điều ai cũng nói/ - Cánh cam về nhà tôi”.
Mỗi trang thơ như cánh cửa mở ra thiên nhiên
Câu chuyện được kể bằng thơ với biện pháp nhân hóa, nhất khí trong cả bài. Ngay từ câu nhập chuyện, cao trào đã xuất hiện, đầy khẩn cấp và ngụy kịch - một đứa bé lạc lối giữa “vườn hoang” “gai góc” khi ngày đang chuyển về đêm! Chuyển thật nhanh trong một khắc vần thật bất ngờ “nhạt nắng trắng sương”.
Khẩn, nguy tới mức ve sầu đồng thanh báo động! Báo động kịp thời khi đứa con lạc mẹ, đã “khản đặc” lời kêu cứu, để cư dân làng quê ấy, vội đồng loạt “ngừng”, “dừng”, “thôi” những việc thường nhật của mỗi mái ấm gia đình - giã gạo, nấu cơm, may quần áo… cùng “đi tìm” đưa bé vừa đánh mất mái ấm của mình.
Xin lưu ý, chuyện đang xảy ra trong đêm tối, người kể chuyện Ngân Vịnh - xây dựng một hình tượng thính giác, nằm ở ngay câu cuối bài, giúp người đọc không nhìn thấy thì nghe ra kết thúc rất sáng, rất vui, rất có hậu của câu chuyện thơ chỉ gồm 20 âm tiết này. Đứa bé cánh cam đã được tìm thấy! Ai cũng mời “Cánh cam về nhà tôi” để được rộng lòng, được mở cửa biến thành mẹ một đêm của bé “cánh cam lạc mẹ”!
Các thầy cô giáo cũng nên biết thêm, khi bài thơ này in lần đầu tiên, nó có tiêu đề Cánh cam đi lạc. Với tên gọi mới xuất hiện chữ “mẹ” câu chuyện không cần thay đổi, mà chất thơ tăng lên rất nhiều, đứa bé lạc lối kia hốt hoảng kêu khóc như thế, là vì không còn được vòng tay của tình mẫu tử chở che.
Mỗi trang thơ thiếu nhi của Ngân Vịnh như một cánh cửa mở ra thiên nhiên để độc giả nhí chơi với chim muông hoa lá, cùng vạn vật hòa sắc, chơi chữ, biến tiếng gà vang thành màu vàng cánh bướm:
“Đống rơm vàng tiếng gà/ Chiếu xôn xao xóm nhỏ/ Gió đuổi nhau ngoài ngõ/ Con bướm vàng bay theo” (Chiều xóm nhỏ).
Thiên nhiên trong thơ Ngân Vịnh thật khoáng đạt, bổng bềnh, thơm thảo, mộng mơ… ở đó, nghĩa cử hy sinh cũng cất thành tiếng nhạc:
“Nỉ non khúc nhạc đồng quê/ Âm thanh trong vắt bốn bế không gian/ Chùm sao con vịt mơ màng/ Thơm thơm hương cỏ trong màn sương rơi/ Vườn khuya ve đã ngủ rồi/ Tiếng đàn dế vẫn chơi vơi, tỏ mờ” (Tiếng đàn của dế).
Nhà thơ mặc áo lính
Ngân Vịnh thuộc thế hệ các nhà thơ chiến sĩ chống Mỹ cứu nước. Ông nhập ngũ năm 1963 từ sân trường phổ thông trung học, tham gia chiến đấu tại chiến trường Khu 5. Chính khói lửa chiến tranh tôi luyện ngòi bút văn chương của người lính Ngân Vịnh, giúp ông ngày càng chuyên nghiệp hơn trong văn đàn.
Năm 1967, ông được điều về Cục Chính trị Quân khu 5 làm phóng viên và biên tập viên tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng Trung Trung Bộ. Tháng 4/1978, nhà thơ Ngân Vịnh, tay súng, tay bút tham gia chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia với vai trò Trợ lý tuyên huấn Sư đoàn 309.
Chính cuộc chiến bảo vệ biên giới, giữ toàn vẹn lãnh thổ giúp tên tuổi Ngân Vịnh, ngân vang hơn, với giải thưởng văn học các nước Đông Nam Á. Tập thơ Sương đẫm lá khộp khô viết về quân tình nguyện Việt Nam, giải phóng nhân dân Campuchia khỏi nạn diệt chủng đã đưa tới cho Ngân Vịnh giải thưởng văn học sông Mê Kông lần 5 được trao tại Siem Reap, Campuchia vào tháng 4/2014.
Là người tham chiến, thơ đánh giặc của Ngân Vinh ngùn ngụt, mịt mù, cay đắng… những chi tiết của hiện thực máu lửa:
“Anh nằm ở đâu với cơn khát dày vò/ Miệng cạp vào những cây cỏ nát/ Xương thịt mỏi rời, mặt mày sưng húp/ Đôi bàn tay cào đất tóe máu tươi...” (Tôi đi tìm anh) để rồi thấy, đất nước Campuchia lưu giữ, trân trọng hy sinh của những người lính Việt Nam: “…dưới những lá khộp khô đẫm sương/ lặng lẽ/ dấu chân người lính”. Sương đẫm lá khộp khô không chỉ là một tiêu đề mà còn là hình tượng bao trùm cả tập thơ! Giọt sương rơi như nước mắt rưng rưng…
Bước vào chiến trường từ sân trường, bên băng đạn, người lính Ngân Vịnh còn túi thơ, người lính có học ấy, tìm được tứ thơ khiến mình lớn vụt lên, có thể “Chạm vào ngọn những tòa tháp” nơi “…Còn nguyên quyền lực đá/ Sau thời gian mười thế kỷ đi qua/ Trong đêm tối không xê dịch/ Vẫn như thời tiền sử nắng mưa”. Và người lính tự đốn ngộ, trân trọng một nền văn hóa:“… Tôi ngước mắt lên trong tiếng nói rì rầm/ Một ngày như thêm luồng ánh sáng/ Nụ cười Bayon/ Đã qua ngàn năm”, tin tưởng một ngày mới sẽ nối vào vững chãi nghìn năm kia: "Những giây phút hòa bình mong mỏi/ Campuchia sẽ đến một ngày/ Bóng áo nghệ vàng nhà sư đi khất thực/ Nhẹ nhõm con đường/ Lặng lẽ sớm mai" (Nhà sư đi khất thực).
Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu, Trưởng ban thơ báo Văn nghệ, nhận xét về tập thơ này, khi nó được giải A, Giải thưởng Bộ Quốc phòng về văn học nghệ thuật, báo chí 5 năm (2009-2014), theo ông, trong văn Việt: "…cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng thì chưa được đề cập nhiều. Một tập thơ giàu tâm huyết, đề tài mới mẻ là đóng góp lớn nhất của tập thơ Sương đẫm lá khộp khô…”.
Một tình yêu có không gian, kích tấc khác lạ
Cho tới hôm nay sức bút Ngân Vịnh còn rất trẻ. Trong tâp thơ mới Những ngọn gió khuya (NXB Văn Học 2020), Ngân Vịnh vẫn say sưa sáng tạo từ ngữ mới, hình ảnh mới.
Ngân Vịnh “nối điêu” phát triển ca dao, “Cỏ may bám chặt bờ đê/ Tôi đi rau cải, tôi về rau răm”,vịnh các danh tác hội họa, các nhân vật văn học kinh điển: “Khố điều quấn chặt ngang lưng/ Mở trò chú Tễu tự xưng tên mình/ Chẳng cần chức tước công danh/ Tôi anh đẽo thới, tôi anh thợ cày”.
Và đặc biệt, nhân vật trữ tình Ngân Vịnh, anh thanh niên tóc bạch kim Ngân Vịnh như trẻ lại trong vai một người tình chung thủy, người tình có không gian, kích tấc tình ái thật lớn!Người ông yêu ở đất mũi Cà Mau, là đất mũi Cà Mau! Ông viết, khi “Ta đến được Cà Mau” thì “...mây trắng đã xa/ Hỏi nắng - nắng ỡm ờ/ Hỏi mưa - mưa không biết/ Sông chảy thì chằng chịt / Ta mắc nợ người ở chỗ nào đâu?”.
Lớn tới mức 2 người tình nói với nhau: “Hãy ngoảnh lại nhìn núi/ Để thấy mình cao bao nhiêu/ Giây phút giữa đời người mưa gió […] Hãy ngoảnh lại nhìn sông thác đổ/ Để thấy sức vóc những con thuyền băng băng/ Tình yêu đắng cay bao lần/ Mà anh và em/ Vẫn hồn nhiên cười thanh thản”.
- Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Bút Ngữ - 'Chẳng mưa từ chín tầng mây…'
- Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Prekimalamak - Một thi sĩ khiêm nhường
- Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Bể rộng sông dài trong thơ Trần Ninh Hồ
Người tình thi sĩ cả gan, ghen tới ông trời: “Trời buồn trời đổ mưa sa/ Ta buồn ta chỉ mình ta âm thầm” nhưng cũng khiêm nhường cúi mình sát đất như cỏ nội, để xanh tươi mãi cùng thiên nhiên “… Ngày ngày bỏ vào chiếc túi thời gian/ Những viên sỏi trắng đỏ xanh/ Và hồn nhiên quàng vào cổ/ Từng cơn gió núi mơn man […] Chiếc túi sẽ đến ngày đầy/ Và tiếng cười tôi/ Lúc ấy/Lặng lẽ thuộc về cỏ dưới chân”.
Tập thơ Những ngọn gió khuya bắt đầu bằng lời kết thân của thiên nhiên “…Những hạt gạo/ Vợ tôi cúng đất cúng trời/Lũ chim sẻ chiều hôm sớm mai/ Âm thầm nhặt nhạnh” để rồi “Dưới mái hiên/ Tiếng chim non kêu chiêm chiếp” làm quen. Nhưng trang cuối tập, “Cất tiếng gọi bạn đồng xa” lại như vang ra từ… “một hũ rượu ngâm bìm bịp” đầy ám ảnh.
Dụng công tạo ra ám ảnh kia cũng là một thành công của nhà thơ Ngân Vịnh.
Vài nét về nhà thơ Ngân Vịnh Nhà thơ Ngân Vịnh sinh 1942 tại Thạch Đà, Mê Linh, Hà Nội. Vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 1986. Ông là tác giả của 12 tập thơ, từng nhận Giải B cuộc thi thơ tạp chí Văn nghệ Quân đội 1984; Giải nhì cuộc thi thơ báo Phụ nữ Việt Nam (1994); Giải thưởng văn học Quảng Nam - Đà Nẵng 10 năm lần thứ nhất (1975-1985), lần thứ hai (1985-1995), Giải Ba tác phẩm văn học 5 năm lần thứ nhất tỉnh Vĩnh Phúc (1995-2000); Giải A giải thưởng Bộ Quốc phòng về văn học nghệ thuật, báo chí 5 năm (2009-2014); Giải thưởng văn học sông Mê Kông lần 5 năm 2014…và nhiều giải thưởng khác. Hiện ông sống tại TP Đà Nẵng. |
(Còn tiếp)
Trần Quốc Toàn