A+ A A- Kiểu đọc sách

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa (kỳ 12): Nhà thơ Nguyễn Sư Giao - Thơ là động lực sống

19:07 17/06/2020
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Nguyễn Sư Giao bị thương trên đường hành quân ở Huế năm 1972, khiến bị mù, cụt bàn tay phải và bàn chân phải. Năm nay 85 tuổi (sinh 1935), ông có 8 người con, mất 3 còn 5, với muôn vàn khó khăn sau chiến tranh, nhưng chính thơ đã là động lực sống của ông và gia đình. Trong SGK Tiếng Việt 1 (tập 1), bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, thật tình cờ, bài thơ Nắng xuân hồng của ông in ở trang 179, còn trích đoạn bài thơ Hoa giấy của con trai Nguyễn Lãm Thắng in ở trang 180 - 2 mặt của một tờ giấy.

 Nhà thơ Cao Xuân Sơn - Muốn thêm kiếp nữa để nhọc nhằn với thơ

Nhà thơ Cao Xuân Sơn - Muốn thêm kiếp nữa để nhọc nhằn với thơ

Trong sách "Tiếng Việt 1" (tập 2), thuộc bộ sách giáo khoa Cánh diều của NXB Đại học Sư phạm TP.HCM - bắt đầu được sử dụng từ năm học 2020-2021 - nhà thơ Cao Xuân Sơn có bài thơ "Cả nhà đi học". Nhưng bài thơ này khá quen thuộc với học sinh tiểu học từ hơn 20 năm qua, khi từ lâu nó đã được đưa sách "Tiếng Việt 3" (tập 2) của NXB Giáo dục.

Bài thơ Nắng xuân hồng vốn nằm trong tuyển tập Dòng sông trăng (NXB Văn học, 2013) của Nguyễn Sư Giao, ban biên soạn SGK đã tiếp cận tuyển thơ này để chọn bài. Tuyển thơ Dòng sông trăng gồm có 3 tập thơ thiếu nhi, 2 tập thơ trữ tình, 1 truyện thơ lục bát dài 3.456 câu, 34 bài thơ dịch… Gần 50 năm đui mù, chỉ quẩn quanh ở làng Tịnh Đông Tây (xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam), với khó khăn trăm bề, tưởng thơ ông sẽ bi lụy, sầu đời, nhưng không, rất sáng sủa và ấm áp.

Bạn của trẻ nhỏ

Đọc các tập thơ thiếu nhi như Bé thích vành khuyên, Hoa điểm mười, Vầng trăng của bé (hơn 160 bài), ta thấy rõ ràng Nguyễn Sư Giao dành cho trẻ nhỏ một địa vị rất quan trọng trong trái tim và ngòi bút.

Bây giờ giải trí đã khác, chứ trước khi Internet và điện thoại di động phổ biến, trẻ nhỏ ở làng Tịnh Đông Tây thường qua nhà ông Tụ Vinh - bút hiệu của Nguyễn Sư Giao - nghe kể chuyện đời xưa, nghe đọc thơ. Vô số bài thơ mà ông ứng khẩu là từ các cuộc trò chuyện vô tư này, nhưng không được ghi chép, nên phần còn lại ngày nay là rất ít. Một số bài trong tập Dòng sông trăng là do con cháu, các em nhỏ chép rồi lưu giữ, chứ không thì cũng chẳng còn. Ở khía cạnh này, Nguyễn Sư Giao giống như những nhà thơ dân gian, những người kể chuyện thời xưa.

Chú thích ảnh
Nhà thơ Nguyễn Sư Giao và người bạn đời thời còn trẻ

Nguyễn Sư Giao cho biết, ông viết bài thơ đầu tiên cho trẻ nhỏ từ khi còn sáng mắt, từ khi còn chưa nghĩ mình đang làm thơ. Sau này, ông cũng thường tự gọi mình là ông nông dân ở làng quê thích thơ ca, chứ cũng không muốn gọi mình là nhà thơ.

Nhà thơ là cách mà người đọc gọi, vì nhận ra chất thơ dạt dào, ấm áp của ông ngay trong đời sống, ngay trong các vở kịch và cải lương. “Chơi với trẻ nhỏ rất an lành, vô tư, nên tự dưng mình có cảm xúc muốn viết. Sau này bị đui mù, thường ngồi ở nhà, người lớn đi làm hết, trẻ nhỏ đến nhà chơi, nghe chuyện của chúng kể, thơ từ đó mà ra. Những năm tháng sau chiến tranh, khi sức khỏe mình còn, mà tay chân mắt mũi thì quá bất tiện, dễ nghĩ quẫn lắm. Nói làm sang thì mình là bạn của trẻ nhỏ, còn nói thiệt ra thì mình còn chút may mắn khi được trẻ nhỏ đến chơi, chịu xem mình là bạn” - Nguyễn Sư Giao chia sẻ.

Chú thích ảnh
Bài thơ “Nắng Xuân hồng” của Nguyễn Sư Giao trong SGK Tiếng Việt 1 (tập 1)- trang 179

Ông kể mình viết bài thơ Nghe chuyện người mù cũng từ một câu chuyện với trẻ nhỏ như vậy. Chúng kể lại bài đọc trong SGK, rồi hỏi ông này kia. Bài thơ như sau: “Từ nghe cô kể chuyện/ Năm người mù xem voi/ Các bạn cười ròn rã/ Chỉ riêng em nghĩ hoài/ Lòng em buồn tự hỏi/ Vì sao... tại vì sao?/ Trước bao lòng ước ao/ Không giải bày sáng tỏ/ Lại đặt điều méo mó/ Để chế giễu cay chua/ Ôi sao nỡ cười đùa/ Quên niềm đau bất hạnh”.

“Điều bất hạnh đã không vùi dập nổi một trái tim khát khao được tồn tại, được hiến dâng, được chia sẻ. Những câu thơ cứ thầm lặng viết ra. Những câu thơ của Tụ Vinh đã đến, giản dị như chính cuộc đời không chút khoa trương, thấp thoáng những hạnh phúc không ngờ” - nhà thơ Lê Thiếu Nhơn viết.

Chú thích ảnh
Trích đoạn bài thơ "Hoa giấy" của Nguyễn Lãm Thắng, con trai Nguyễn Sư Giao, in ở trang 180

Thuyền trăng trên bến mơ

Tên cũ của làng ông là Tịnh Yên, thuộc tổng Đại An, Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, uốn mình bên dòng sông Vu Gia thơ mộng. Ông ghép tên làng và tên sông làm bút hiệu, “nói lái” hai chữ Tịnh Vu thành Tụ Vinh, như một hy vọng. Gần nửa thế kỷ sống trong cảnh tối tăm do đui mù, ký ức làng của ông là những hình ảnh ngày xưa và lời cập nhật sau này. Ông tâm sự: “Làng chắc nhiều thay đổi lắm, tôi nghe tiếng còi xe, tiếng máy hát khắp nơi. Hồi mới có điện, nghe con cháu kể lại, đêm đầu tiên cả làng sáng trưng hơn trăng rằm, lời bàn tán xôn xao. Mùi làng cũng thay đổi nhiều, ngày trước là hương lúa, hương cau, hương bưởi, bây giờ là mùi mỹ phẩm, dầu thơm… Cuộc sống mà, mình có muốn hay không, nó vẫn thay đổi thôi”.

“Ông mãi sống với thế giới riêng của mình, một người tật nguyền bất chợt, mỗi gò đất, mỗi ao đầm, núi cao, sông sâu, vườn rau, ngọn nắng đều trĩu nặng ơn phước “những mùa mưa trước”. Đã cho “xanh tươi bắp bãi, nở nang lúa đồng” và rồi dưới nắng mai, trong vườn xanh, con chim chích bắt sâu giùm cho mẹ… Mỗi liên tưởng có gì khập khiễng, nhưng đọc những dòng viết về ông ta nhớ đến mấy câu thơ mà Thanh Tâm Tuyền gởi Quách Thoại: Xin dâng thi sĩ vòng hoa tặng/ Chúng ta đã thắng giữa cuộc đời. Trường hợp này, với Nguyễn Sư Giao, chưa chắc thi ca đã thắng, nhưng thi sĩ cầm chắc đã thắng, đã nhân định thắng thiên” - nhà thơ Phùng Tấn Đông nhận định.

Còn với nhà thơ Luân Nguyễn: “Thơ Nguyễn Sư Giao có sự dung hợp tinh tế cả thơ cổ điển, thơ lãng mạn và ca dao dân gian. Mỗi bài, theo tôi, có giá trị giống bức khảm trai, đọc, có thể dò về nguồn cội với thơ Nôm cổ điển của Ức Trai, với khúc Chinh phụ, với Kiều, ít ra ở 3 yếu tố: Thể loại, ý vị, tình cảm. Thơ ông không giàu cách tân, cái mới mẻ nằm ở chính những đường dẫn liên văn bản. Bằng cách đó, ông ám ảnh, gợi dẫn và gợi mở người đọc”.

Bài thơ Bến mơ, ông viết: “Bến Xuân lặng đắm trong mơ/ Hàng tre xõa tóc cài tơ nắng vàng/ La đà trên sóng Vu giang/ Đôi con chim sáo gọi đàn sang sông/ Mênh mông, trời nước mênh mông/ Hồn thơ theo ngọn gió bồng lên khơi/ Cố lên... lên đỉnh tuyệt vời/ Đến dòng suối Ngọc, đến nơi động Đào/ Để thơ ta lén tìm vào/ Trộm nguồn siêu thoát về khao nhân quần”.

Chú thích ảnh
Tuyển thơ “Dòng sông trăng” của Nguyễn Sư Giao

Xét mảng thơ trữ tình, 2 chủ đề ám ảnh Nguyễn Sư Giao nhiều nhất là trăng và bến mơ. Tập thơ Dưới trăng gồm 126 bài, tập Bến mơ gồm 110 bài. Ông dùng hàng trăm ý và từ để diễn đạt 2 chủ đề này, trở đi trở lại trong nhiều tứ thơ. Mà ngay trong mảng thơ thiếu nhi, trăng và sự mộng mơ cũng xuất hiện với tầng suất khá dày.

“Đó là 2 hình ảnh đẹp, gắn với cả tuổi thơ, từ những câu chuyện kể, từ buổi đầu không ngủ ra bến sông ngắm trăng, từ những thổn thức yêu thương. Trong những giấc mơ sau này, có lúc tôi thấy mình chèo thuyền chở đầy trăng qua bến mơ, gặp lại những hình ảnh cũ, những người cũ. Trong thơ, trăng và mơ cũng dễ cho mình cảm xúc, sự gởi gắm, nó mát dịu, ấm áp, an lành” - Nguyễn Sư Giao cho biết.

Tuyển thơ Dòng sông trăng gần 700 trang khổ lớn, nhưng chưa phải là tất cả trước tác của Nguyễn Sư Giao. Nếu có đủ điều kiện in ấn, ông còn các tập xướng họa thơ Đường, tuyển kịch, cải lương và dân ca, tuyển dịch Đường thi và cổ thi Việt Nam…

Nắng Xuân hồng

Qua rét lạnh mùa Đông

Xuân lại ấm nắng hồng

Ngàn cây vui hớn hở

Đua hé nhụy khoe bông

Chim gọi bầy xây tổ

Rộn rã dậy từng không

Lúa non ngời lá biếc

Nắng lung linh cầu vồng

Trên đường đi đến lớp

Hồn em vui mênh mông.

(Còn nữa)

Văn Bảy

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...