loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Dương Kỳ Anh viết thơ cho thiếu nhi từ những năm 1960, khi ông đang học trường làng. Khi ấy thơ của cậu bé khăn quàng đỏ Dương Kỳ Anh đã in báo Thiếu niên Tiền phong, đã vào tuyển tập Bông hồng đỏ của NXB Kim Đồng. Vậy thì cũng là muộn khi mãi năm học 2021 - 2022 tới đây, thơ thiếu nhi của Dương Kỳ Anh mới chính thức vào sách giáo khoa Tiếng Việt bậc tiểu học.
"Vầng trăng của ngoại" là tên truyện ngắn của nhà văn nữ Lê Thanh Nga ở trang 107 sách Tiếng Việt 2 (tập 1), bộ SGK "Cánh Diều". Truyện được dạy ở bài 13 theo chủ điểm “yêu kính ông bà”.
“Tiếng ve bay ra/ Từ hoa loa kèn/ Nhạc trưởng ve kim/ Mở màn mùa Hạ// Tiếng chim tu hú/ Tiếng nhị, tiếng hồ/ Tiếng chim cúc cu/ Cung trầm, cung bổng// Véo von, lồng lộng/ Sáo sậu lưng trời/ Cào cào giã gạo/ Nhịp chày sóng đôi// Khép cánh màn nhung/ Đỏ trời hoa phượng/ Ve là nhạc trưởng/ Dàn nhạc mùa Hè”.
Trong và động cho thiếu nhi, hướng tâm cho mình
Đó là bài Dàn nhạc mùa Hè ở trang 34 - 35 sách Tiếng việt 2 (tập 2) thuộc bộ Chân trời sáng tạo. Trong tập Văn học cho thiếu nhi thuộc tổng tập Văn học Việt Nam sau cách mạng tháng Tám (NXB Văn học, 1995) bài này tên là Dàn nhạc ve. Nhưng, tên gọi như sách giáo khoa mới - Dàn nhạc mùa Hè - khớp hơn với hình tượng thơ, thể hiện rõ tứ thơ. Đây là thơ về một mùa, chứ không phải về một loài.
Ngay từ dòng đầu tiên, tiếng ve đã được chỉnh âm để không lảnh lót, mà hòa nhã, khiến lời côn trùng lẫn vào hình hoa lá, để bạn đọc thiếu nhi có thể nhìn được tiếng ve kia, để qua phép màu thơ ca tiếng ve như có hương thơm. Cách nhập đề theo định hướng vạn vật giao hòa, tạo đà để sự giao hòa ngày càng mở rộng hơn trong các khổ thơ sau.
Tiếng chim tu hú, chim cúc cu đã mang âm sắc đàn nhị, đàn hồ, những nhạc cụ của con người, lại còn được con người ký âm, với “cung trầm”, “cung bổng”. Giao hòa trong nội dung dẫn đến giao hòa ngôn ngữ thể loại. Khổ thơ thứ 3 như một khuôn hình điện ảnh, có cận cảnh “cào cào giã gạo” nối vào toàn cảnh “lồng lộng” “lưng trời”; trong khuôn hình ấy, cào cào múa nhịp đôi trong tiếng ca sáo sậu, đưa bài thơ tới màn kết thúc bằng màu đỏ hoa phượng, màu đặc trưng cho mùa Hè của tuổi thơ Việt Nam.
Thơ viết cho thiếu nhi của Dương Kỳ Anh thường động và trong như thế. Có thể đưa thêm dẫn chứng từ bài Xiếc, một thứ xiếc rất truyền thống của loài người - đi dây, do ông Trời thực hiện: “Hạt mưa đuổi nhau/ Chạy trên dây thép…/ Hạt mưa làm xiếc/ Chỉ bé biết thôi/ Hạt mưa làm xiếc/ Đánh đu giữa trời”.
Bài báo đầu tiên của nhà báo Dương Kỳ Anh là một… bài thơ - bài Tiếng thoi - viết về Nhà máy Dệt Nam Định. Nói vậy để biết, từ tuổi khăn quàng đỏ ngày ấy ở quê nhà Kỳ Anh, Hà Tĩnh, tới hôm nay “trời cho một chốn điền viên” bên Sóc Sơn, Hà Nội, lúc nào Dương Kỳ Anh cũng làm thơ. Đường nét thơ ca có chuốt, có sắc hơn cũng là dễ hiểu.
Trên trang mạng của Dương Kỳ Anh, người viết bài đọc được những câu lục bát nối điệu Nguyễn Du, thác lời nhân vật mà “trả thù” văn chương một cách công khai: “Thằng bán tơ ở nơi nào?/ Chàng Kim Trọng, có cắm sào đợi ta.../ Tầng mười khách sạn đêm qua/ Gái Hàng Châu đã mát-xa cho mình”; những câu lục bát hướng tâm sâu tới mức nhìn ra gót lãng tử trong những ngón tay hành lễ: “Chắp tay mà lạy đời sau/ Bốn phương, tám hướng, bể dâu khó lường/ Lòng trần đã bén mùi hương/ Thì theo tràng hạt lần đường mà đi”; những câu thất ngôn lối cổ mà rất thời sự, vẽ được dáng “lãn ông” (không viết hoa) thời nay: “Thôi mặc dại khôn mùa vải chín/ Người ta đi họp nhận phong bì/ Mình kê cao gối xem bóng đá/ Mặc con tu hú gọi ngoài kia ...”.
Bọn đầu gấu múa dao phay đến tìm
Dương Kỳ Anh có 21 năm làm Tổng biên tập báo Tiền phong. Ông gửi cho tôi bản thảo bài Từ chống tiêu cực, thi hoa hậu, đến học… làm giàu ông viết tháng 9/2017, kể chuyện làm báo của mình. Làm tờ báo thuộc Trung ương Đoàn, nhưng chuyện gay cấn nhất, căng thẳng nhất của nghề này lại xảy ra trong căn hộ 10,5m2 của nhà ông: “Một hôm, cả nhà vừa ăn cơm tối xong đang ngồi uống nước thì có tiếng đập cửa thình thình. Như một sự linh cảm chẳng lành, vợ tôi ôm chặt 2 đứa con. Năm đó cháu Dương Thái Hà lên 6 tuổi, còn cháu Dương Anh Xuân mới lên 4. Tôi chạy ra mở cửa. Vừa rút chốt cửa, một toán người mặt mày dữ tợn xông vào. Chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra, tên cầm đầu đã múa con dao phay sáng loáng trước mặt tôi. Sau phút giây ớn lạnh, tôi cố lấy lại bình tĩnh, dang hai tay đứng chặn trước đám người hung dữ: Có việc gì ta nói chuyện với nhau, không được làm hại vợ con tôi - tôi dằn giọng và đưa mắt về phía vợ, vợ tôi hiểu, 2 tay cặp nách 2 đứa nhỏ lách cửa chạy ra ngoài.
Thì ra, nguyên nhân chính là do một bài báo chống tiêu cực đăng trên báo Tiền phong.
Chống tiêu cực, chống tham nhũng, đấu tranh vì sự tiến bộ, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người dân, cho những người trẻ tuổi cũng là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của tờ báo nên dù biết sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức, thậm chí nguy hiểm chúng tôi vẫn làm, thậm chí còn làm mạnh hơn, quyết liệt hơn. Như bài phóng sự Ba ngàn ngày oan trái nhằm minh oan cho một cán bộ giảng dạy đại học trẻ ở Trường Đại học Tây Nguyên. Anh Nguyễn Sỹ Lý bị tù do kết tội giết người, bị kết án sai, cả 3 cấp đều y án. Bài phóng sự đã gây một tiếng vang lớn trong xã hội, các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra lại và kết quả là đoàn viên Nguyễn Sỹ Lý được minh oan, được trở lại làm thầy! Bài điều tra này nức lòng bạn đọc”.
Chống cái xấu khó đã đành nhưng xây cái tốt, đẹp cũng không phải dễ. Sau khi Tiền phong tổ chức thành công Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam đầu tiên kể từ ngày đất nước thống nhất, có tình trạng “loạn hoa hậu” ở các địa phương, các ngành. Tổng biên tập Dương Kỳ Anh mang tiếng kích động thi hoa hậu, tuyên truyền lối sống Mỹ. Một cuộc họp cấp thứ trưởng và tương đương được tổ chức. Dương Kỳ Anh cũng được mời và được một vài người thân tín báo cho biết trước, cuộc họp sẽ “mổ xẻ” người kích động lối sống Mỹ. Thật may, ông tìm được một cuốn sách của NXB Sự thật nói về lễ hội Đền Hùng, trong đó kể chuyện, trên 200 năm trước, lễ hội có tổ chức thi người đẹp, chọn ra một gái làng trẻ đẹp nhất, rồi đưa lên kiệu rước. Cuối cùng, hội nghị đã nhất trí giao cho Tổng biên tập soạn thảo quy chế thi người đẹp, đó là quy chế thi hoa hậu đầu tiên ở nước ta do Bộ Văn hóa ban hành năm 1989.
Những cú hích những “đột phá khẩu” mở đường
Tốt nghiệp khoa văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, Dương Kỳ Anh nhập ngũ, được cử đi học khí tài tên lửa tại Liên Xô (cũ), trở thành sĩ quan có kỷ niệm chương tham gia đánh B52 trong trận Điện Biên Phủ trên không, tháng 12/1972.
Sau Giải phóng miền Nam, cử nhân văn chương Dương Kỳ Anh được ra quân, làm cán bộ giảng dạy đại học nhưng vì yêu thơ, xin đi làm báo để được gần đời sống. Ông từng là phóng viên công nghiệp, phóng viên nông nghiệp, phóng viên chiến trường (mặt trận biên giới phía Bắc năm 1979), từng là Trưởng đại điện phía Nam báo Tiền phong… rồi thành Tổng biên tập báo này.
Là thi sĩ cựu chiến binh “chỉ huy” một tờ báo, Dương Kỳ Anh chủ động, linh hoạt “tác chiến” mở nhiều “đột phá khẩu” cho đời sống văn học. Nhiều lúc trong đội ngũ làm báo của Tiền phong trong tay “sĩ quan chỉ huy” Dương Kỳ Anh, số hội viên Hội Nhà văn Việt Nam nhiều hơn báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam. Lực lượng nay đủ uy tín và bút lực mở cuộc thi Tác phẩm tuổi xanh kéo dài nhiều năm, như là cách tuyển quân cho “mặt trận” văn học.
Kiến trúc sư - nhạc sĩ - thi sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến nhớ lại cuộc thi này: “Truyện ngắn đầu tay của tôi Con chó hư viết năm 16 tuổi, được giải thưởng Tác phẩm tuổi xanh khi tôi 17 tuổi… Xuống Hà Nội nhận giải tôi gặp gỡ, làm quen nhiều nhà văn, thơ như Nguyên Ngọc, Nguyễn Hoàng Sơn… Cùng được giải năm 1991 có nhiều người giờ vẫn là bạn thân của tôi như Ngô Tự Lập, Đỗ Huy Chí, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Lê Thanh Hà, Đỗ Hoàng Diệu…”.
Ngoài các tên tuổi trên, người ta con nhớ, từ cửa ấy ra còn Hoàng Tố Mai, Nguyễn Lê My Hoàn, Võ Tấn Cường, Lý Thành Tâm, Dương Phương Vinh, Đinh Thu Hiền, Đinh Lê Vũ, Lê Thiếu Nhơn…
Trao đổi về những “đột phá khẩu” ngày mình còn trong đội hình “hành tiến” của Tiền phong, nguyên Tổng biên tập Dương Kỳ Anh vẫn hào sảng như đọc thơ: “Chúng tôi gây bất ngờ khi đăng sớm hồi ký Cát bụi chân ai của Tô Hoài, thơ Chân dung nhà văn của Xuân Sách... Kịch tác gia Lưu Quang Vũ dựa vào phóng sự điều tra của chúng tôi để viết và diễn vở Trái tim trong trắng gây chấn động dư luận trong nước. Chấn động ra hải ngoại là kiến nghị chính luận “Trí tuệ dẫn đường công cuộc đổi mới” in trên Tiền phong của chúng tôi”.
Dương Kỳ Anh tên thật là Dương Xuân Nam, sinh 1948, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Tác giả của 35 tác phẩm đã xuất bản gồm thơ, truyện và lý luận phê bình.
|
(Còn tiếp)
Trần Quốc Toàn
loading...