Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Chu Hồng Tiến và tiếng ve túi áo
Từ năm học 2022-2023 này, môn ngữ văn cấp trung học phổ thông có thêm loại sách Chuyên đề học tập ngữ văn dành cho những học sinh muốn theo đuổi các ngành nghề gắn với khoa học xã hội và nhân văn. Các em sẽ được tiếp cận với một bài viết ngắn của nhà thơ Chu Hồng Tiến.
Trong sách Chuyên đề học tập ngữ văn 10 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, các bài viết của Khái Hưng, Vương Trí Nhàn và Chu Hồng Tiến được dùng ở chuyên đề 3 trong 3 chuyên đề của tập sách, giúp học sinh “đọc văn bản“ nhằm làm quen với việc “Viết bài về một tập thơ, một tập truyện ngắn hoặc một tiểu thuyết”. Tác phẩm của Chu Hồng Tiến trong chuyên đề này là bài ở trang 83 Nhà thơ Quang Dũng - khúc song hành thơ và họa, giới thiệu tuyển tập Nhà thơ Quang Dũng - Người mang trong trắng đi tìm thanh cao (Phương Thảo - Tô Chiêm NXB Kim Đồng 2020).
Góc nhìn lạ về một tác giả đã quen
Tuyển tập của Quang Dũng vừa phát hành thì Chu Hồng Tiến có ngay trên báo giấy và báo mạng bài điểm sách ấy. Bài viết được tuyển vào sách giáo khoa. Các nhà biên soạn giáo khoa với cách làm có tính thời sự, muốn lưu ý người học một khả năng ứng dụng của môn ngữ văn, người học có thể tạo ra những sản phẩm như là mở cửa sổ thông tin thường nhật, nhìn vào đời sống văn hóa đang diễn ra.
Chu Hồng Tiến, trong bài viết của mình, nhìn tác giả Quang Dũng từ điểm giao thoa của thơ và họa. “Ở nhiều bài thơ qua cách miêu tả đối tượng của thi sĩ, cách thức tổ chức câu thơ, dễ thấy yếu tố không gian hội họa được gợi lên bởi những liên tưởng thị giác”. Bằng liên tưởng thị giác, “thơ ông như cuộc kiếm tìm khuôn mặt hình dáng đích thực của tình yêu, của số phận trong cái khốc liệt của chiến tranh”.
Chu Hồng Tiến thuyết phục bạn đọc bằng một thống kê khoa học từ sách này: “Tranh Quang Dũng chủ yếu là phong cảnh. Những bức vẽ: Nhớ Tây Tiến, Đường lên Tây Bắc, Làng ven đê sông Đáy, Mây đầu ô, Dốc Yên Phụ, Vườn đào Nhật Tân, Ba Vì... Vẻ đẹp của thiên nhiên, đời sống đã cuốn cảm xúc vào nhịp điệu của thời gian, vẽ là cách để Quang Dũng ghim giữ lại bằng ngôn ngữ tạo hình những cảm xúc trong thơ”.
Chu Hồng Tiến thực chứng bút pháp giao thoa, song hành thơ - họa của thi sĩ Quang Dũng bằng một minh họa thú vị mà ông sưu tầm được: “Thời niên thiếu, Quang Dũng rất yêu thơ và hội họa, được bố mẹ dành cho một buồng riêng trong căn nhà gác thoáng rộng. Ở đó, chính Quang Dũng tự trang trí lấy bằng nhiều bức tranh ông tự vẽ, cả những tranh vẽ trên toan, lồng khung treo lên, cả mấy bức ông vẽ thẳng vào tường. Người mẹ của Quang Dũng vẫn giữ gìn nguyên vẹn những bức vẽ đó suốt bao năm đằng đẵng sau này, khi Quang Dũng đi kháng chiến”.
Chu Hồng Tiến lưu ý người đọc một đóng góp từ rất sớm của Quang Dũng với văn học sinh thái, đang được người đọc và người viết hôm nay quan tâm: “Bộc bạch, mô tả hoàn cảnh, không khí kháng chiến, nhưng cái đích đến của nhà thơ là tình yêu và khát vọng hòa bình. Ngập tràn thơ Quang Dũng là thế giới hoang dã cây cỏ, hoa lá, chim muông. Thiên nhiên đã truyền vào thơ ông những âm thanh, sắc màu vang động, những vẻ đẹp lộng lẫy và những bí ẩn kỳ diệu như cánh đồng, dòng sông, hồ nước, dãy núi, trong một trí tưởng tượng vô tận”.
Chính nội dung “ngập tràn” này, tạo sự đồng điệu, giữ Quang Dũng và Chu Hồng Tiến, giúp người đọc chúng ta hiểu thêm Chu Hồng Tiến một người viết đương đại, từ hồi quang của phong cách nghệ thuật Quang Dũng đã thành kinh điển.
Cất vào túi áo tiếng ve một thời
Thơ của Chu Hồng Tiến có câu “Chú ve kim rỉ rả/ Anh giấu trong túi áo/ Khản giọng ngày xưa ơi!”. Chu Hồng Tiến là người bằng phép màu thơ ca, lẳng lặng cất vào túi áo mình tiếng ve của một giao thời, lãng mạn và thực dụng, chậm rãi và vội vàng, cấp tập và an nhiên. Anh cất cho riêng mình thôi, nhưng rồi tới lúc những ai trót cấp tập, lỡ vội vàng, vấp ngã vào thực dụng mà đánh mất thời tiếng ve của mình thì hãy tìm tới “túi thơ” của Chu Hồng Tiến, đến với Phố đồng thảo, tập thơ thứ nhất của anh, tập thơ từng lọt vào chung khảo giải thưởng thường niên của Hội Nhà văn Hà Nội 2009.
Đến với “túi thơ” đó để được học bài lịch sử trong lòng bàn tay em yêu, một biên niên sử vùng trung du phi chiến địa và xù xì thành cổ đá ong. Đất ấy khoe ra thảnh thơi một thời ông cháu cùng chơi rải ranh, đếm mỗi hòn sỏi tính ngày thanh bình: “Năm ngón xòe vào thị xã/ Em dẫn tôi đi...// Cửa Tiền cửa Hậu/ Bóng lá mắt cô dâu/ Hàng Đàn, Đốc Ngữ/ Quán tóc trắng tư lự// Mẹ nhóm bếp và em mở cửa/ Con mèo tro làm nũng thềm nhà/ Mình lớn rồi sao còn rất lạ/ Gốc cây ấy mắt rồng râu phượng/ Và người già ngồi đếm cuội trẻ con...”. Đếm những đứa trẻ sớm Đôn-ki-hô-tê muốn thoát khỏi cái bóng phàm nhân của chính mình: Cậu bé/ ngủ trên mặt trống/ tường xám hoa dây/ con mèo leo mái thượng// chuồn chuồn ớt đậu vào giông mưa/ đậu vào ô cửa/ cậu bé/ mơ yên cương kỵ mã/ phóng qua khuông bóng tròn/ đang trưa.
Đến với “túi thơ” đó để được về “Phố đồng thảo” nghe bước thời gian trong tiếng thầm thì một mùa Hè đang khe khẽ vỡ thành Thu, rồi thành Xuân: “Không lối nào tắt qua tháng Chín/ Xin bông cúc trong nụ/ Để bắt đầu tiếng vỡ của lá sen khô/Tiếng tách vỏ của hạt cườm hạt đỗ”. Được ngước lên nhìn thời trang trời đất với “Áo vàng Thu hoa cúc đơm/ Bươm bướm nơ xanh cài hờ”. Rồi cúi xuống tìm trong toàn cảnh thiên nhiên một cận cảnh con người, chi tiết tới từng ngón chân: “Bao giờ anh trở lại/ Nhà số lẻ khép hờ/ Dép em đi thay cỡ”.
Phố đồng thảo chính là ngoại vi, ngoại ô xanh của những đô thị đang tăng tốc bê tông hóa để đẩy lùi thời xanh thành thời… xám. Với riêng Chu Hồng Tiến đấy là Sơn Tây (Hà Nội), một chấm văn hiến trên bản đồ văn hóa Việt! Ở đây, chỉ tính riêng ngôi trường cấp 3 Sơn Tây nơi Chu Hồng Tiến từng là học sinh, trong hơn 60 năm khai giảng, đã góp cho văn đàn, 8 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam: Nguyễn Khắc Dực, Thế Mạc, Dương Duy Ngữ, Phan Quế, Đỗ Doãn Quát, Nguyệt Chu… Cũng trưởng thành từ ngôi trường này, thi sĩ đoản mệnh Nguyễn Lương Ngọc (1958 - 2001) được Hội Nhà văn Việt Nam truy tặng giải cống hiến, nhân sự kiện 60 năm thành lập Hội, vì có tác phẩm để lại dấu ấn trong tiến trình phát triển của văn học Việt Nam hiện đại.
Có thế nói, Phố đồng thảo chính là những nối điêu, những tiếp biến của tác giả Chu Hồng Tiến, khởi từ những câu thơ người thầy thi sĩ Thế Mạc (giải thơ báo Văn nghệ 1960) đã viết, đã dạy anh: “Chim sơn ca bỗng vút lên từ đất/ Như ngôi sao đổi ngôi rồi biến mất/ Tiếng hát xoáy sâu khoan mãi lên trời/ Tất cả chim và tiếng hát bỗng tan xanh khắp nơi// Chào con chim sơn ca/ Làm sợi dây nối trời và đất/ Nối trung du thêm chặt với lòng ta…”. Tiếng thơ của thầy - trò nhà ấy đã “nối trung du thêm chặt” với bạn đọc chúng ta!
- Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Giữ mãi sự duyên dáng mặn mòi
- Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Thái Chí Thanh không chỉ đồng thoại
- Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Nguyễn Trần Bé tìm cách đổi chiều gió núi
Nhưng tứ thơ hiện từ cây bút vẽ
Là người viết - vẽ song toàn, ngoài việc lấy chữ buộc chặt, giữ thời xanh, giữ những “phố đồng thảo” Chu Hồng Tiến còn đưa thời xanh vào tranh vẽ của mình. Anh vẽ “chuồn chuồn ớt đậu vào giông mưa” vẽ “Chiều dâng đầy quả mâm xôi…” vẽ “Con bướm trắng trượt bên hòn đá trắng” vẽ “Con xiến tóc dọc liu riu mảnh nắng/ Cô gái-trốn trưa-mắt ước-thị vàng/ mẹ phơi áo và mẹ phơi nắng/ Vườn, cô Tấm với cô Tiên chuyện trò” và vẽ, rất nhiều lần, lay láy “mắt đen đáy giếng…”
Chu Hồng Tiến vẽ bức Ngày dịu hơi trừu tượng, bức Nhớ núi có vẻ tối giản nhưng nhìn kỹ lại thấy như phức hợp lồng ghép cắt dán với khắc gỗ, bằng màu nước trên giấy dó. Dù đưa bút phóng túng, nhưng giới thưởng ngoạn vẫn kịp nhận ra phong cách hội họa ngày càng rõ nét trong tranh Chu Hồng Tiến. Mới đây trên Văn nghệ quân đội tháng 7/2022, dịch giả-nhà nghiên cứu Phạm Minh Quân có nhận xét: “Tranh của anh, cũng đầy chất đồng dao, ngây thơ, hồn nhiên, nguyên khôi mà tràn ngập kỷ niệm như thơ của anh vậy”.
Chu Hồng Tiến sinh 1962 tại Sơn Tây (Hà Nội). Tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, ĐH Tổng hợp Hà Nội khóa 1986 - 1991. Từng làm báo, vẽ bìa và minh họa sách. Đã xuất bản tập thơ Phố đồng thảo (NXB Hội Nhà văn, 2008). |
Trần Quốc Toàn