Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Giữ mãi sự duyên dáng mặn mòi
Nguyễn Đức Căn học khóa 12 Khoa Cơ khí động lực, Đại học Bách khoa Hà Nội (1967-1972), nhưng có tác phẩm nhiếp ảnh trong sách giáo khoa Mỹ thuật 10 - Thiết kế mỹ thuật đa phương tiện, thuộc bộ Kết nối tri thức với cuộc sống.
Xem chuyên đề "Gặp lại các tác giả được đưa vào SGK" TẠI ĐÂY
Đây là bức ảnh mà kĩ sư Nguyễn Đức Căn chụp từ tiết mục múa Biển mặn, năm 2014, từng được Huy chương đồng. Sách giáo khoa này dùng trong nhà trường kể từ năm học 2022-2023 sắp tới.
Dạy các em nắm giữ cái đẹp
Tác giả Nguyễn Đức Căn nói về tác phẩm của mình: “Chụp múa rất khó, vì đề tài này thuộc loại hình động, muốn ghi được, phải chụp liên thanh khoảng 6 hình một giây. Ánh sáng trên sân khấu múa được giới nhiếp ảnh gọi là loạn sáng, thay đổi màu sắc liên tục, người cầm máy phải có kinh nghiệm cân chỉnh để ánh sáng thực tế trên sân khấu hợp với độ bắt sáng của máy ảnh đang cầm trên tay. Ngoài ra người chụp phải có hiểu biết nhất định về ngôn ngữ múa để đồng cảm, hòa nhịp với người múa, bấm máy vào những tích tắc điệu múa lên cao trào”.
Ông nói thêm về bức ảnh chụp điệu múa Biển mặn: “Tôi thực hiện hơn trăm cú bấm và có được bức ảnh được tuyển vào giáo khoa. Trong bức ảnh, hiện lên khoảnh khắc hình tượng múa mang tính cách điệu, ước lệ rõ rệt, cái mặn mòi của nghề làm muối được thể hiện thật duyên dáng, thuyết phục! Những diêm dân trẻ đang dùng vành nón để vun biển xanh, nắng vàng thành núi muối trắng! Màu trắng trong suốt của một sinh chất, khoe ra cốt lõi của sự mặn mòi kia - vẻ đẹp của người lao động đang gồng vai gánh núi. Ở một góc nhìn khác lãng mạn hơn, quả núi trắng ngần đang đầy lên như một bầu sữa mẹ mà sữa nguồn là những giọt mồ hôi mặn mòi. Tôi rất vui khi được cùng các thầy cô giáo dạy các em cách bấm máy để giữ lấy cái đẹp”.
Xin hỏi từ duyên cớ nào mà một kĩ sư cơ khí động lực trở thành nghệ sĩ nhiếp ảnh? Nguyễn Đức Căn cho biết: “Năm 1978, nhờ công việc của một kĩ sư - chuyên viên chính, mà tôi có điều kiện đến một số nước ở Bắc Âu. Khi trở về, tôi có tham mưu cho tỉnh Hà Tây (cũ) xây dựng các làng nghề truyền thống, như tôi từng được ghé thăm ở các nước kia. Trong tham mưu của tôi, có làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá, thuộc huyện Hoài Đức quê tôi. Ở Lai Xá, nghề chụp ảnh đã có từ cuối thế kỷ 19, với tổ nghề là Nguyễn Đình Khánh. Trải qua cả trăm năm thăng trầm, bao giờ ở làng cũng có 1-2 hiệu ảnh; lúc cao điểm có tới 8 cửa hiệu, nằm dọc con phố chỉ dài chừng 400m nằm trên quốc lộ Hà Nội - Sơn Tây. Tôi cùng người Lai Xá mở câu lạc bộ nhiếp ảnh, lớp dạy nghề nhiếp ảnh, chính làng nghề trăm tuổi này khiến tôi đam mê cầm máy! Tôi học kinh nghiệm xưa từ các nghệ nhân lớn tuổi, tôi học thêm đây đó, nhất là lúc máy kỹ thuật số bắt đầu phổ biến. Chín tháng cầm máy chụp và thi ảnh từ làng Lai Xá giúp tôi đủ điểm kết nạp vào Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội. Ba năm sau, tôi đã thừa điểm để thành hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam. Hiện tôi là người chơi ảnh có hàng trăm tác phẩm đoạt giải, được chọn triển lãm trong nước và quốc tế”.
Nới rộng kích tấc bức ảnh
Nói cho vui thì Nguyễn Đức Căn đã chuyên nghiệp tới mức biết chụp bằng cả ống kính quang học và… ống cống xây dựng. Thật thú vị khi ông cho biết cái cách mình thực hiện tác phẩm Mở đường: “Đấy là một ngày khi mới khởi công đại lộ cao tốc Thăng Long, ở khu vực Mỹ Đình. Trời chiều, tôi nhìn cảnh nhộn nhịp thi công trong nắng quái chiều hôm, trước cơn mưa giông và nhận ra nhịp điệu khẩn trương. Đã tính dồn cái khẩn trương kia vào khuôn hình chữ nhật đã khuôn sẵn trong máy, thì bất ngờ phát hiện một đoạn ống cống bê tông đường kính 2-3 mét nằm ven đường, chờ thi công. Tôi đưa máy ngắm những công nhân làm đường qua vòng tròn thoát nước kia và giật mình vì độ lạ trong bố cục. Tôi bấm máy và kết quả là đường tròn ống cống nối với đường đất đang thi công dẫn lên công trường, có vầng mặt trời tròn vo, có hậu cảnh tạo thành hình số 9. Cái ống cống đã thành ống tê-lê khổng lồ để người chụp giúp người thưởng ngoạn nới rộng kích tấc một bức ảnh bằng trí tưởng tượng”.
Có thể coi Mở đường là tác phẩm trời cho người nghệ sĩ. Nhưng phức tạp, rối rắm đến như bức Con đường gốm sứ thì ông trời chẳng đủ ống cống mà cho, mà tiếp sức người chụp nữa. Rối rắm, phức tạp vì Nguyễn Đức Căn chụp điểm giao lộ chân cầu Chương Dương, điểm chụp có trời cao bao trùm đất rộng. Trời cao tới chất ngất mây và đất rộng tới những lằn vôi trắng dành cho người đi bộ qua đường cũng có xu hướng nối thành đường chân trời! Có ngược có xuôi, có nhanh có chậm của các bánh xe và bước chân người buôn thúng bán bưng. Có ánh sáng hôm nay và dấu vết cột đồng hồ còn lại từ những ngày xưa. Bài toán khó trong nhiếp ảnh được nghệ sĩ Nguyễn Đức Căn giải quyết trong tích tắc bằng công nghệ hiện đại.
Ông kể: “Khi nhìn đường dẫn cầu Chương Dương bằng bê tông cốt thép như bắc mái vòm cong cong cuối phố cổ Hàng Mắm, tôi thấy hình như nắng chiều làm nó cong hơn trong toàn cảnh thật. Tôi nghĩ nếu đường cong ấy cong hơn nữa thì cảnh sẽ rộng hơn, chứa đựng nhiều chuyển động hơn, tôi lắp ống kính mắt cá (fisheye lens) và bấm máy. Cái thần nhộn nhịp của một giao lộ đô thị sầm uất hiện ra! Người nghệ sĩ nhiếp ảnh không những phải biết nhìn thấy cái đẹp từ góc chụp, mà còn phải sáng tạo cho nó đẹp thêm bằng các thiết bị hiện đại”.
Tích lũy những chớp mắt sáng tạo
Với sự am hiểu của người cấm máy, Nguyễn Đức Căn là người tích cực tạo điều kiện, giúp đỡ những người cầm máy sáng tạo.
Theo ông: “Trại sáng tác là tốt, nếu người điều hành trại chia các nhóm nghệ sĩ đi sâu vào cuộc sống ở các địa bàn mình sáng tác để ghi thực và cần thiết phải xây dựng chủ đề, lên kế hoạch hoạt động của trại. Có trao đổi nghiệp vụ, giao lưu nghề nghiệp, gợi ý sáng tác tại mỗi trại sáng tác riêng. Đặc biệt, sau khi kết thúc trại sáng tác, phải có nghiệm thu sản phẩm, có bình chọn nghiêm túc, có triển lãm, có đánh giá. Đó là những mẫu hình tốt cần nhân lên để phát triển. Còn cứ kéo nhau hàng trăm người chụp một cô người mẫu, hoặc một ngư dân tung chài… là không hay, cách làm này không ra tác phẩm được”.
- Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Thái Chí Thanh không chỉ đồng thoại
- Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Nguyễn Trần Bé tìm cách đổi chiều gió núi
- Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Hóa thân vào thiếu nhi để nói lên tiếng lòng
Ông lịch sự và thẳng thắn chỉ ra những bất cập: “Tôi phải xin lỗi khi nói điều này. Hiện nay tôi biết có những người đi học đại học ra làm công tác lý luận phê bình nhiếp ảnh, nhưng lại chưa có ngày nào cầm máy ảnh đi chụp. Bởi vậy, họ không thể hiểu được một nghệ sĩ nhiếp ảnh muốn có được một tác phẩm chất lượng với giải thưởng vài triệu đồng, thì bản thân người đó đã phải bỏ ra vài chục triệu đồng, đổ cả mồ hôi, nước mắt mới có được tác phẩm. Những nghệ sĩ ấy hiểu sâu về ảnh hơn tất cả những ai chỉ học qua ở trường và viết được vài bài báo mà đã vội coi mình là nhà lý luận phê bình nhiếp ảnh”.
Bằng triết lý ấy, cảm thông ấy, Nguyễn Đức Căn gắn bó máu thịt với câu lạc bộ nhiếp ảnh mang tên Nguyễn Đình Khánh mà ông là một trong những người sáng lập. Vào năm 2005, từ câu lạc bộ này, chính Nguyễn Đức Căn đã là người đoạt giải cao nhất tại cuộc thi Hà Tây trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, với tác phẩm Tầm cao mới.
Nguyễn Đức Căn sinh năm 1949 tại Hà Nội. Ông được tặng thưởng kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Công nghiệp Việt Nam. Từng nhận huy chương dành cho các tác phẩm nhiếp ảnh Biển mặn, Mở đường, Con đường gốm sứ… Ông vào Hội Nghệ sĩ Nhiệp ảnh Việt Nam năm 2008. |
Trần Quốc Toàn