A+ A A- Kiểu đọc sách

Điện ảnh sẽ phục hồi rất chậm sau dịch

14:30 27/04/2020
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng và lâu dài tới ngành điện ảnh và phải mất rất nhiều thời gian để phục hồi, theo nhận định của TS Ngô Phương Lan - Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến và Phát triển Điện ảnh Việt Nam…

Điện ảnh Việt sẽ 'nhộn nhịp' suốt năm 2020

Điện ảnh Việt sẽ 'nhộn nhịp' suốt năm 2020

Cho đến nay đã có 35 phim Việt dự kiến ra rạp trong năm 2020 và sẽ còn thêm nữa, với ước tính lên đến gần 50 phim, tăng trưởng so với 5 năm trở lại đây. Điều này cho thấy sự nhộn nhịp, và cả những cơ hội của điện ảnh Việt trong năm mới.

Chia sẻ với Thể thao và Văn hóa (TTXVN), bà Ngô Phương Lan cho biết: “Một số hãng phim, doanh nghiệp điện ảnh có phản ánh với Hiệp hội về tình trạng đầy khó khăn, thậm chí bi đát, có những doanh nghiệp đứng bên bờ phá sản”…

Điện ảnh Việt Nam cần được hỗ trợ

Hiệp hội Xúc tiến và Phát triển Điện ảnh Việt Nam mới đây đã gửi công văn lên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, phát hành và chiếu phim chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Văn bản do Chủ tịch Hiệp hội - TS Ngô Phương Lan - ký.

Chú thích ảnh
“Trạng Tí” dời lịch chiếu đến Tết 2021

Trong đó, Hiệp hội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét một số phương án hỗ trợ cho các doanh nghiệp điện ảnh Việt Nam năm 2020. Hiệp hội kiến nghị miễn thuế VAT năm 2020 với doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất phim, phát hành và chiếu phim, để có thêm nguồn thu bù lại những tổn thất và chi phí cố định vẫn phải gánh mà không có doanh thu trong thời kỳ dịch bệnh.

Đồng thời, hoãn nộp thuế thu nhập cá nhân 2020 với doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất phim, phát hành và chiếu phim, để có thêm nguồn chi trả các chi phí cố định trong thời gian tạm dừng hoạt động kinh doanh do dịch bệnh.

Chú thích ảnh
TS Ngô Phương Lan - Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến và Phát triển Điện ảnh Việt Nam

Cuối cùng, Hiệp hội kiến nghị, hoãn nộp bảo hiểm xã hội cho cán bộ công nhân viên; hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng cho các doanh nghiệp điện ảnh Việt Nam hoặc có chính sách cụ thể để hỗ trợ.

Ảnh hưởng nghiêm trọng và lâu dài

Kiến nghị được gửi tới Thủ tướng Chính phủ xuất phát từ thực trạng ngành điện ảnh Việt Nam đang vô cùng khó khăn. Theo nhận định của TS Ngô Phương Lan: “Ảnh hưởng của Covid-19 đến ngành điện ảnh là rất nghiêm trọng và lâu dài hơn các ngành khác”.

Bà dẫn chứng, việc đóng cửa rạp chiếu không chỉ khiến các rạp chiếu phim không có bất kỳ nguồn doanh thu nào trong khi vẫn phải trả các chi phí cố định hàng tháng, mà còn dẫn đến việc hủy lịch chiếu, hoãn phát hành rất nhiều bộ phim của các hãng phim đã được đầu tư nhiều tiền, dẫn đến các hãng phim hoàn toàn không có doanh thu.

Bên cạnh đó, việc quay phim cũng bị lùi hoặc hoãn vô thời hạn cho đến khi dịch bệnh kết thúc vì mỗi đoàn phim có biên chế cả trăm người, di chuyển quay phim ở nhiều bối cảnh nên không thể thực hiện trong thời gian giãn cách xã hội.

Chú thích ảnh
"Truyền thuyết về Quán Tiên” dự kiến ra mắt ngày 22/5 (lùi gần 1 tháng so với lịch chiếu dự kiến trước đó là 30/4)

“Chủ trương của Chính phủ là hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ, yếu mà các doanh nghiệp điện ảnh “nội” (chỉ chiếm gần 30% thị phần) là công ty của những người làm nghề điện ảnh, có thể xem là nhỏ, yếu và không đủ tiềm lực tài chính để có thể đương đầu lâu dài với cơn khủng hoảng Covid-19, trong khi các doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh điện ảnh tại Việt Nam có tiềm lực tài chính mạnh” - bà Ngô Phương Lan cho biết - “Chúng tôi cũng tìm hiểu thì thấy trong tình trạng khó khăn vì Covid-19, rất nhiều nước như: Singapore, Hong Kong (Trung Quốc) ở châu Á; Đức, Pháp, Anh ở châu Âu; Mỹ cùng nhiều nước khác… có những gói hỗ trợ đáng kể cho văn hóa nghệ thuật, trong đó có điện ảnh. Từ những thực tế trên, Hiệp hội đã trình Chính phủ một số đề xuất hỗ trợ cho doanh nghiệp điện ảnh”.

Hiện nay, dù đã hết cách ly xã hội nhưng các địa điểm vui chơi giải trí chưa được phép hoạt động trở lại. TS Ngô Phương Lan bày tỏ: “Giả sử trong tháng 5 hoặc tháng 6 rạp chiếu phim được phép mở cửa thì tôi dự đoán sẽ rất vắng khán giả vì tâm lý e ngại vào rạp kín, đông người”.

“Nhiều phim Việt Nam và cả một số phim “bom tấn” của Hollywood đã lùi ngày ra rạp đến cuối năm, nên khi rạp mở cửa lại, cũng sẽ có rất ít phim để chiếu. Theo đó, thời gian phục hồi của điện ảnh chắc chắn sẽ rất chậm, rất lâu nếu không nói chậm nhất so với các ngành khác”.

Doanh nghiệp Việt Nam nhỏ và chỉ chiếm 30% thị phần

Các doanh nghiệp kinh doanh rạp chiếu tại Việt Nam (BHD Star, Galaxy, Trung tâm Chiếu phim quốc gia...) chỉ chiếm 30% thị phần chiếu phim, và hầu hết là công ty của những người làm điện ảnh.

70% doanh nghiệp còn lại có tiềm lực tài chính mạnh, có hỗ trợ lớn do là công ty con của các tập đoàn lớn. Chẳng hạn, như CGV là của CJ và Samsung; Lotte Cinema của Lotte (đều là tập đoàn mạnh của Hàn Quốc).

Từ đầu năm 2020, nhiều phim lùi thời gian công chiếu hoặc ra mắt do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, như: Bí mật của gió, Truyền thuyết về Quán Tiên… Các phim Lật mặt (phần 5), Trạng Tí, Thanh Sói… cũng thông báo lùi thời gian công chiếu đến 2021.

Tiểu Phong

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...