loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 23/11/2019, Liên hoan phim (LHP) Việt Nam lần thứ 21 năm 2019 sẽ khai mạc tại TP Vũng Tàu, với cuộc tranh giải của 16 phim điện ảnh, 29 phim tài liệu, 20 phim hoạt hình và 9 phim khoa học. Trừ phim truyền hình không xuất hiện ở liên hoan này, đây có thể nói là diện mạo chính của phim Việt trong 2 năm gần đây.
Chào mừng Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXI (sẽ được tổ chức tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu từ 23-27/11), từ ngày 6-12/11, tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Cục Điện ảnh chủ trì, phối hợp với Trung tâm Chiếu phim Quốc gia và Công ty Cổ phần DCINE tổ chức Tuần phim chào mừng Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXI.
Riêng hạng mục phim điện ảnh - phim chiếu rạp, LHP Việt Nam lần thứ 21 còn chọn thêm 15 phim trình chiếu toàn cảnh. Năm 2018 có 41 phim ra rạp (có một phim của điện ảnh quân đội), năm 2019 dự kiến có 40 phim (không có phim nhà nước) - tính luôn số phim đã sản xuất mà chưa chiếu thì hơn 100 phim. Trong 2 năm mà chọn ra 31 phim cho một liên hoan (16 phim tranh giải) cũng là việc tương đối dễ dàng. Khác hẳn trước đây, khi mỗi năm chỉ làm có 7-8 phim, nên liên hoan trở thành… thủ tục để “chia giải”.
Có một chi tiết khác cũng cần lưu ý là số cụm rạp chiếu phim. Năm 2018 cả nước có 901 phòng chiếu, với 130.900 ghế. Riêng CGV thì dự định đến giữa năm 2020 sẽ có 96/233 cụm rạp của cả nước, với 1.100 phòng chiếu, còn Lotte Cinema có 42 cụm rạp, Galaxy Cinema có 14 cụm rạp… Chi tiết này nói lên điều gì? Rằng khả năng phủ sóng và thu hồi vốn của phim Việt sẽ rất nhanh, nếu phim có chất lượng và một chút may mắn khi công chiếu. Với kinh phí sản xuất bình quân từ 8 đến 10 tỷ đồng, với số lượng phòng chiếu như hiện nay, việc thu hồi vốn có vẻ thuận lợi hơn, nhà sản xuất đủ dũng khí để mở rộng chiều kích kịch bản và các thể loại phim.
Thiếu phim có cá tính nghệ thuật
Tuy nhiên, số lượng phim có doanh thu khả quan trong năm 2017 và 2018 (cả năm 2019 này cũng vậy) là rất ít, thua lỗ là phổ biến. Điều này làm ảnh hưởng tới nhuệ khí và sự phiêu lưu của nhà sản xuất, nên họ vẫn cứ quanh quẩn với những đề tài, câu chuyện quen thuộc, tâm lý xã hội pha chút hài hước (tạm gọi là dòng phim rom-com) để mong cầu sự an toàn.
Với 31 phim chiếu rạp như đã nêu, nổi trội về chất lượng có Người bất tử, Song Lang, Anh thầy ngôi sao, nghĩa là chỉ khoảng 10%, còn lại đa số là “thường thường bậc trung”. Tuy ít có phim thảm họa như mấy năm trước, nhưng Giấc mơ Mỹ, Anh trai yêu quái, Tìm chồng cho mẹ, Vô gian đạo, Vu quy đại náo… (khoảng 20%) vẫn còn hơi ngây ngô và non tay.
Ngoài Song lang hơi thiên về tính nghệ thuật, điện ảnh Việt nhìn từ LHP Việt Nam lần thứ 21 thực sự thiếu những phim có cá tính nghệ thuật, mở được lối đi riêng. Thậm chí những phim hài hòa giữa nghệ thuật và thương mại - như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh trước đây - cũng đang vắng bóng. Các phim có doanh thu tốt như Hai Phượng, Cua lại vợ bầu, Lật mặt 4: Nhà có khách… thì chất lượng nghệ thuật lại chưa đủ tốt.
Chưa có diễn viên, kịch bản tầm vóc
Cả nước hiện nay có hơn 500 đơn vị đủ thẩm quyền sản xuất phim, nhưng nhìn lại 2 năm qua, điện ảnh Việt vẫn là câu chuyện của chừng hơn chục nhà sản xuất có kinh nghiệm, những đạo diễn quen tên. Ngay cả với diễn viên cũng vậy, dù Liên Bỉnh Phát gây được ấn tượng trong Song Lang, Huyme trong Anh thầy ngôi sao… nhưng thực sự tỏa sáng như Kaity Nguyễn trong Em chưa 18 thì không có.
Kịch bản, một khía cạnh rất quan trọng, thì hai năm qua cũng chưa xuất hiện nổi một ngòi bút đủ tầm vóc, làm nên được tên tuổi. Một cái tên của nhóm viết đang làm mưa làm gió trên thị trường là A Type Machine (một loại máy), với những kịch bản chặt chẽ về cấu trúc, nhưng chưa có được chiều sâu, sức nặng về câu chuyện.
Nhiều đạo diễn tự viết kịch bản, điều này có thuận lợi là họ nắm được điều mình sắp làm, nhưng đa số lại chưa viết được những kịch bản mới mẻ hoặc có chiều sâu, bởi rõ ràng biên kịch và đạo diễn là hai nghề khác nhau, đạo diễn giỏi chưa hẳn đã viết được kịch bản khá, chứ đừng nói hay hoặc độc đáo.
Sự tiến bộ về công nghệ và tư duy làm phim
Điểm tích cực nhất trong hai năm qua có lẽ sự tiến bộ về công nghệ và tư duy làm phim, nhìn chung đã ít bị tụt hậu như trước đây.
Đóng góp về điều này có lẽ đến từ mấy lý do chính: đầu tiên là trình độ chung của các nhân sự trong đoàn phim đã có nhiều tiến bộ, nhất là các khâu quay phim, âm thanh, ánh sáng, hậu kỳ, kỹ xảo, hóa trang, phục trang, chỉ đạo võ thuật, thiết kế phim trường… Kế đến là các nhân tố người nước ngoài, Việt kiều đã đến Việt Nam làm phim, họ mang theo kỹ thuật, công nghệ và tư duy làm phim mới, cập nhật được xu thế thời đại. Cuối cùng là các nhà sản xuất, phát hành lớn của nước ngoài đặt hàng, dễ thấy nhất là ở các phim làm lại (remake), họ yêu cầu cầu về kỹ thuật và công nghệ, gửi chuyên gia giám sát, nên cũng giúp nâng tầm chung.
Bản sắc còn mờ nhạt
Điện ảnh Việt đang có nhiều cơ hội và điều kiện để cất tiếng nói, vấn đề còn lại là tham vọng, hoài bão đến đâu mà thôi. Một nền điện ảnh nếu chỉ chạy theo doanh thu thì cũng không sao cả, nhưng chắc chắn sẽ không tạo ra được tiếng nói và bản sắc riêng. Nhìn lại lịch sử điện ảnh của nhiều nước, chỉ có bản sắc riêng mới làm nên sự khác biệt và đáng ngưỡng mộ. Nếu xét về bản sắc, Điện ảnh Việt nhìn từ LHP Việt Nam lần thứ 21 còn quá mờ nhạt.
|
Văn Bảy
loading...