Dịch 'Truyện Kiều' ra tiếng Nga: Dịch 'ngược' Việt - Nga còn quá hiếm
(Thethaovanhoa.vn) - Những năm gần đây, chỉ có Hồn bướm mơ tiên được dịch “ngược” từ tiếng Việt sang tiếng Nga, còn lại có đến 17 tác phẩm được dịch “xuôi” từ tiếng Nga sang tiếng Việt. Sự áp đảo đó cũng là điều đáng suy ngẫm.
- Chính thức ra mắt Truyện Kiều bằng tiếng Nga
- Bản dịch tiếng Nga tác phẩm 'Truyện Kiều' sắp ra mắt bạn đọc
- Truyện Kiều đã đến với thế giới như thế nào?
- Truyện Kiều bằng tiếng Pháp qua lời kể đậm chất thơ của nghệ sĩ Pháp
Buổi ra mắt bản dịch diễn ra tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam ở Hà Nội chiều 6/11.
Dịch giả Vũ Thế Khôi hơn 10 năm dịch Kiều
Dịch giả Vũ Thế Khôi là người đóng vai trò quan trọng trong bản dịch này. Chia sẻ với Thể thao & Văn hóa, ông nói: “Tôi nhận dự án cách đây hơn 10 năm, vào tháng 11/2003, khi anh Hoàng Văn Vinh và anh Nguyễn Huy Hoàng từ Nga về gặp tôi”.
Cũng vào năm 2003, nhân dự hội thảo về văn hiến Hà Tĩnh, dịch giả Vũ Thế Khôi đến viếng mộ đại thi hào Nguyễn Du. Ông khấn rằng: “Tác phẩm của cụ được dịch ra hơn 20 thứ tiếng trên thế giới, nhưng riêng thứ tiếng Nga của con chưa hề có bản dịch nào. Sớm muộn gì con cũng sẽ đưa bản dịch tác phẩm thiên tài của cụ đến với bạn đọc Nga”.
“Của con” là vì dịch giả Vũ Thế Khôi rất yêu tiếng Nga và coi ngôn ngữ này là một phần con người ông. “Tôi thấy mình có một món nợ đối với tiếng Nga” - ông nói - “Khi hoàn thành bản dịch, tôi thấy như đã làm xong một nghĩa vụ đối với nền văn hóa nước nhà”. Bởi vậy, khi trao dự án dịch Truyện Kiều sang tiếng Nga cho Vũ Thế Khôi, nhóm dịch như đã chọn mặt gửi vàng.
Một điều đáng tiếc là lần này, nhóm dịch mới công bố bản dịch thơ Truyện Kiều tiếng Nga của nhà thơ kiêm dịch giả người Nga Vasili Popov chứ không công bố bản dịch văn xuôi của Vũ Thế Khôi. Dịch giả người Việt vẫn hy vọng sẽ có cơ hội công bố bản dịch của ông, được đồng nghiệp trẻ Vasili Popov gọi là “một bản trường ca”.
Theo Vũ Thế Khôi, bản dịch thơ của Popov cũng phải cắt bỏ nhiều ý trong bản dịch văn xuôi vì khó dịch hoặc khó hiểu. Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng cũng thừa nhận, các nhà Kiều học và nhà nghiên cứu văn hóa hai nước Việt - Nga sẽ tìm thấy trong tác phẩm những sai sót không thể tránh khỏi. Nhóm dịch mong nhận được những góp ý để tiếp tục hoàn thiện Truyện Kiều tiếng Nga.
Nỗ lực của những người yêu văn học Việt - Nga
Truyện Kiều tiếng Nga ra mắt rầm rộ vì là bản dịch của một tác phẩm văn chương lớn, được ấp ủ lâu dài. Nhóm dịch nhấn mạnh, đây là dự án tư nhân nhằm thúc đẩy quá trình quảng bá văn học Việt Nam sang Nga. Dịch giả Vasili Popov khi phát biểu tại buổi ra mắt đã nói: “Nguyễn Du đối với độc giả Việt Nam như Puskin đối với độc giả Nga”.
Dịch giả Thúy Toàn, Giám đốc Quỹ hỗ trợ quảng bá văn học Việt Nam - Nga, cũng dự buổi ra mắt chiều 6/11. Ông bày tỏ vui mừng khi có thêm một tác phẩm dịch “ngược” từ tiếng Việt sang tiếng Nga (dù không phải là ẩn phẩm của Quỹ), bổ sung vào quá trình quảng bá văn học Việt sang Nga.
Trong khi đó, những năm qua, Quỹ vẫn hoạt động. Nhưng dịch “xuôi” vẫn khá áp đảo so với dịch “ngược”. Cụ thể, trong 18 ấn phẩm mà Quỹ đã dịch, chỉ có Hồn bướm mơ tiên là dịch “ngược”.
Giữa tháng 10, Quỹ vừa ra mắt 7 bản dịch văn học từ tiếng Nga sang tiếng Việt gồm cả tiểu thuyết, thơ, kịch và phê bình văn học. Theo dịch giả Thụy Anh, người dịch Tuần đêm, Quỹ đã chọn cả những tác phẩm thuộc hàng kinh điển lẫn văn học Nga đương đại để giới thiệu với độc giả Việt Nam.
Các tác phẩm bao gồm: Người chồng vĩnh cửu và Chàng ngốc của F. Dostoievsky, Cô gái không của hồi môn của A. Ostrovsky, Du ngoạn vòng quanh châu Á trên lưng ngựa của A. Viazemsky, Chủ nghĩa Max và triết học ngôn ngữ của V. Voloshinov, Giáo đoàn nhà thờ của N. Leskov và Tuần đêm của S. Lukianhenko.
Trong khi đó, theo chiều ngược lại, văn học cổ điển và đương đại Việt Nam hầu như chưa được biết đến ở Nga. Việc ra mắt bản dịch Truyện Kiều là thêm một nỗ lực dịch “ngược” của những người yêu văn học Việt - Nga.
Nha Đam
Thể thao & Văn hóa