Đẩy nhanh việc đưa đàn bầu là di sản thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Trên thế giới cây đàn một dây có ở nhiều quốc gia, nhưng đều dừng lại ở mức độ khá đơn sơ, duy chỉ có đàn bầu của người Việt là phát triển ở trình độ cao với kỹ thuật diễn tấu đa dạng, phong phú, nhiều màu sắc.
Đàn bầu là một nhạc cụ độc đáo của người dân Việt Nam. Trong diễn trình văn hóa Việt Nam nói chung, trong nền âm nhạc Việt Nam nói riêng, đàn bầu giữ một vị trí bền vững không thể phủ nhận.
Một giá trị thuần Việt
Từ trong các sinh hoạt âm nhạc dân gian, lễ nghi phong tục, các loại hình sân khấu truyền thống, âm nhạc cung đình cho tới các sáng tác mới cho nhạc cụ dân tộc, nhạc cụ phương Tây trong mấy chục năm gần đây, chúng ta đều thấy có sự tham gia trình diễn của đàn bầu. Nhiều nhà nghiên cứu khẳng định, đây là cây đàn độc đáo có một không hai của dân tộc Việt, từ hình dáng, cấu tạo, tính năng, cách chơi đến âm thanh đều rất độc đáo, không giống bất cứ nhạc cụ nào trên thế giới, cho dù nhiều quốc gia cũng có đàn một dây.
Là nhạc sĩ đã viết nhiều bản giao hưởng cho đàn bầu, PGS. TS Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho biết, âm thanh của đàn bầu phát ra gần gũi với giọng nói của con người (người Kinh) về độ rung, âm vực, luyến láy, có khả năng mô phỏng các cung bậc cao thấp của 6 âm ngữ trong tiếng Việt là: sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng, không. Đó là nhạc cụ của giai điệu, thiên về trữ tình, ngân nga, êm đềm, rất phù hợp với tình cảm nỉ non của người Việt, cho nên trong âm nhạc cổ truyền của người Việt, đàn bầu luôn đóng vai trò bè chính trong các hình thức diễn tấu: độc tấu, hòa tấu, thậm chí đệm cho hát...
Với những giá trị thuần Việt và tính độc đáo có một không hai, việc nghiên cứu, sáng tạo trong mọi khía cạnh liên quan đến đàn bầu cũng được thực hiện từ nhiều thập kỷ qua. Thành quả là những tài liệu văn bản, sách xuất bản, tác phẩm âm nhạc mới, các nhạc cụ cải tiến... nhiều hội thảo, tọa đàm xoay quanh cây đàn bầu cũng đã được tổ chức. PGS.TS Lê Anh Tuấn, Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cho biết, qua kết quả khảo sát tại một số địa phương cho thấy ngoài các nghệ nhân, nghệ sĩ chuyên nghiệp chơi đàn bầu, còn có một đội ngũ đông đảo những người thực hành đàn bầu mang tính nghiệp dư, đến với cây đàn bằng sự yêu thích đam mê.
Họ thành lập các đội nhóm, câu lạc bộ, fanpage để cùng học và trình diễn đàn bầu. Như thế, vị trí và vai trò của đàn bầu trong đời sống văn hóa của người dân Việt Nam đã bước đầu được khẳng định dựa trên những cơ sở khoa học nhất định.
Xứng danh di sản
Là một cây đàn được coi là “hồn cốt” của dân tộc, được nhiều người trong nước và quốc tế yêu thích, nghiên cứu nhưng cho đến nay đàn bầu vẫn chưa được công nhận là di sản văn hóa cấp quốc gia. Nhận thấy đây là vấn đề cấp bách nhằm khẳng định vị thế của cây đàn bầu trong nền văn hóa Việt Nam và thế giới, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam dự kiến sẽ đẩy nhanh xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị công nhận đàn bầu là di sản văn hóa quốc gia, và tiến tới đề nghị UNESCO xem xét, công nhận là di sản thế giới.
Trong những bước đi đầu tiên của kế hoạch xây dựng hồ sơ, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đã giao Viện Âm nhạc triển khai công tác chuẩn bị cơ sở dữ liệu cho bộ hồ sơ. Ngày 22.11 vừa qua, tại Viện Âm nhạc, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam đã diễn ra Hội thảo khoa học “Nghệ thuật đàn bầu Việt Nam - Truyền thống, kế thừa và phát triển”. Hội thảo nhằm tiếp tục cập nhật nghiên cứu về nghệ thuật đàn bầu, cũng là tiền đề cho một hội thảo quốc tế về cây đàn bầu. Nhiều ý kiến nhận định, đây chính là những nỗ lực, bước đi cần thiết của Viện Âm nhạc, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam để xây dựng hồ sơ khoa học tiến tới xây dựng hồ sơ di sản cho đàn bầu, trước tiên là di sản quốc gia, sau đó là di sản thế giới.
Theo nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan, câu chuyện về sức sống của đàn bầu trong đời sống âm nhạc Việt Nam có thể là bài học kinh nghiệm cho nhiều bộ môn nghệ thuật truyền thống khác. Đồng ý với ý kiến này, theo NSƯT Bùi Lệ Chi, Trưởng bộ môn Đàn bầu, Khoa Âm nhạc truyền thống (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), để đàn bầu trường tồn, bên cạnh việc công nhận đàn bầu xứng tầm di sản, cũng cần phải chú trọng vào công tác đào tạo. Bởi thực tế hiện nay, nhiều dòng nhạc du nhập vào Việt Nam và được giới trẻ yêu thích, chính vì vậy màđòi hỏi chúng ta phải nhìn lại những vấn đề liên quan đến ngành nghề của mình như thực trạng đào tạo, biểu diễn…
Cùng với đó, để đàn bầu có thể hội nhập vào xu thế phát triển chung của xã hội, NSND Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhấn mạnh, cần phải tập chung vào công tác sáng tác để đàn bầu có thêm nhiều tác phẩm mới. So với thời kỳ trước, hiện nay các nhạc sĩ ít viết cho cây đàn bầu, ngoại trừ một số nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú vẫn tiếp tục say mê truyền bá và biểu diễn đàn bầu... “Giờ đây ngay các nhạc sĩ quốc tế cũng bắt đầu quan tâm tìm hiểu vàviết cho cây đàn bầu. Hy vọng trong tương lai các nhạc sĩ Việt Nam sẽ chú ý dành tâm huyết nhiều hơn nữa với cây đàn bầu”.
Theo Báo Văn hóa