loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 13/12, tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa Phật giáo, Hội Trầm tích Việt Nam phối hợp với Khoa Địa chất, Trường Đại học Khoa học tự nhiên tổ chức Hội thảo khoa học: “Biến động đới bờ biển và dòng chảy các sông qua nhiều thế kỷ tác động đến di sản văn hóa Phật giáo vùng hạ lưu châu thổ sông Hồng”.
Liên quan đến những dư luận xung quanh dự án Khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú (Đồng Văn, Hà Giang), Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (HĐTS, GHPGVN) đã chia sẻ những quan điểm của Giáo hội trước vấn đề này.
Phát biểu khai mạc, Giáo sư, Tiến sỹ Trần Nghi, Chủ tịch Hội Trầm tích Việt Nam cho rằng: Những cửa biển cổ được ghi chép trong sử sách gắn liền với các di sản văn hóa Phật giáo vùng hạ lưu sông Hồng như cửa biển: Thần Phù, Đại Nha, Muộn Hải… Những cửa biển cổ này hiện nay nằm cách bờ biển hiện tại hàng chục km về phía đất liền. Những chứng cứ lịch sử cho thấy đã có sự dịch chuyển của bờ biển trong nhiều thế kỷ đã qua. Liệu điều này có phù hợp với những kết quả nghiên cứu của khoa học địa chất hay không? Để giải đáp câu hỏi này, lần đầu tiên ngành Khoa học xã hội và Khoa học tự nhiên kết hợp nghiên cứu góp phần xác định vị trí, niên đại các di tích lịch sử - di sản văn hóa Phật giáo và nhiều vấn đề khác.
Tại hội thảo, các đại biểu tham dự được nghe tham luận xoay quanh các vấn đề chính như: Lịch sử biến động bờ biển và lòng sông khu vực hạ lưu châu thổ sông Hồng từ 1.000 năm đến nay; tác động của các yếu tố tự nhiên đến di sản văn hóa Phật giáo từ thế kỷ X đến nay; một số phương pháp địa chất ứng dụng trong nghiên cứu biến động bờ biển và dòng chảy sông trong giai đoạn Holocen giữa và muộn; tiến trình phát triển địa hình đới bờ biển rìa châu thổ sông Hồng trong thời kỳ gần đây…
Theo Giáo sư, Tiến sỹ Trần Nghi, Chủ tịch Hội Trầm tích Việt Nam, từ 1.000 năm đến nay, biến động bờ biển và lòng sông khu vực hạ lưu châu thổ sông cụ thể diễn biến như sau: Giai đoạn này tốc độ bồi tụ phía Nam Định giảm xuống rất đáng kể khoảng 30m/năm, còn bên Thái Bình vẫn giữ được tốc độ 45m/năm. Từ năm 1787 đến 1960 (năm đắp chặn hoàn toàn sông Sô) đồng bằng châu thổ huyện Hải Hậu (Nam Định) được bồi tụ một cách chậm chạp (15m/năm) trong khi đó đồng bằng châu thổ huyện Tiền Hải (Thái Bình) và khu vực Bắc huyện Giao Thủy (Nam Định) tốc độ bồi tụ vẫn còn 35m/năm.
Từ năm 1960 đến nay, đường bờ Hải Hậu bị xói lở với tốc độ 19,7m/năm, còn khu vực cửa sông Ba Lạt vẫn được bồi tụ 30m/năm. Cả 2 phía cửa sông Ba Lạt đã tạo một thùy châu thổ cận - hiện đại gồm các cồn cát cửa sông có quy mô lớn như cồn Ngạn, cồn Lu, cồn Vành và cồn Mờ. Như vậy, sự tương phản giữa bồi tụ và xói lở được bắt đầu từ năm 1960.
Thạc sỹ Trần Ngọc Diễn, Liên đoàn Địa chất và Khoáng sản biển cho rằng, việc sử dụng phương pháp tích hợp hệ thống thông tin địa lý (Gis) và viễn thám khôi phục lại một cách có hệ thống lịch sử tiến hóa của các đường bờ cổ trong giai đoạn Holocen giữa - muộn (giai đoạn khoảng 11.000 năm trở lại đây) cho khu vực nghiên cứu (vùng Tây Nam đồng bằng sông Hồng) chính xác và khách quan, góp phần quan trọng cho nghiên cứu các di sản Văn hóa Phật giáo trong khu vực…
Bên cạnh đó, các nhà khoa học, giảng viên, sinh viên thuộc các viện nghiên cứu, trường đại học và nhiều cơ quan Trung ương đã thảo luận và góp ý cho hội thảo nhằm xác định vị trí, niên đại các di tích lịch sử - di sản văn hóa Phật giáo; đồng thời kiến nghị áp dụng hệ phương pháp tích hợp Gis và viễn thám cho toàn bộ đồng bằng Bắc Bộ
Lý Thanh Hương - TTXVN
loading...