loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Liên quan đến những dư luận xung quanh dự án Khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú (Đồng Văn, Hà Giang), Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (HĐTS, GHPGVN) đã chia sẻ những quan điểm của Giáo hội trước vấn đề này.
Ngày 25.10, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đã ký công văn số 4316/BVHTTDL-DSVH gửi UBND tỉnh Hà Giang đề nghị địa phương này kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm những sai phạm ở hai dự án đang thu hút sự chú của dư luận, gồm: Dự án Khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú và Dự án thang máy ngắm cảnh, tham quan di tích Đồn Cao, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.
Thượng tọa Thích Đức Thiện nhấn mạnh: “Chúng ta không đánh đổi di sản, những giá trị thiêng liêng cho những lợi ích trước mắt. Nếu không bảo vệ di sản thì làm sao chúng ta có thể giữ gìn được những tài nguyên vô giá cho các thế hệ sau.
Đúng là đang có chiều hướng “nở rộ”
* Thưa Thượng tọa, GHPGVN có ý kiến như thế nào về việc xây dựng Khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú (Hà Giang) có sử dụng một phần diện tích đất thuộc khu vực khoanh vùng bảo vệ của di tích quốc gia Cột cờ Lũng Cú, một địa chỉ thiêng liêng nơi địa đầu Tổ quốc?
- Trước hết phải nói rằng GHPGVN không quản lý những Khu du lịch tâm linh như ở Lũng Cú. Những khu này thuộc về thẩm quyền của Chính phủ và chính quyền các địa phương. Bản thân tôi cũng không trực tiếp lên Lũng Cú nhưng tôi có xem hình ảnh một phần dự án đang xây dựng, còn rất ngổn ngang. Phải nhìn nhận ở góc độ cột cờ Lũng Cú là một địa danh linh thiêng, khi xây dựng bất kỳ cái gì cũng phải nghiên cứu một cách hết sức kỹ lưỡng, trong tổng thể của khu vực đó. Ý thức khi làm việc này chính là ý thức với những anh hùng liệt sĩ đã hi sinh để giành giật từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Chúng ta phải cân nhắc khi xây dựng bất cứ công trình nào ở những địa danh như Lũng Cú, phải tính toán trong tổng thể sao cho phù hợp. Quy mô công trình cũng phải tính phù hợp với sự phát triển, không làm phá vỡ tổng thể cảnh quan. Quan điểm của GHPGVN là cho dù xây dựng công trình gì, như thế nào thì phải đảm bảo cảnh quan ở nơi đó không bị phá vỡ. Bên cạnh đó là các yếu tố môi trường tự nhiên, môi trường xã hội đều cần được đảm bảo sự hài hòa, nguyên vẹn. Khu du lịch gì cũng vậy, phải đảm bảo được môi trường tự nhiên, ở đây là gắn với Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn; thứ hai là môi trường xã hội, là đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc. Không nên áp đặt văn hóa miền xuôi đưa lên miền núi, mà phải nghiên cứu kỹ càng.
Cách đây 4,5 năm Trung ương GHPGVN có nhận được văn bản của một huyện ở Hà Giang mời lên xây dựng một ngôi chùa. Giáo hội chưa thực hiện vì trước hết là vấn đề nguồn lực, thứ nữa là chưa khảo sát xem nhu cầu của cộng đồng các dân tộc ở đó thế nào. Tức là, quan điểm của Giáo hội luôn là cần nghiên cứu kỹ nhu cầu thực tế. Các khu du lịch cũng cần nghiên cứu các yếu tố văn hóa bản địa để hấp dẫn du khách, phù hợp bối cảnh. Ở đây tôi còn muốn nói đến dự án thang máy cao tầng, thực sự không phù hợp với cảnh quan, địa hình phố cổ Đồng Văn. Đồng ý là những kỳ quan đẹp cần được khai thác phục vụ du lịch, song phải hết sức cẩn trọng, không thể tùy tiện.
* Bộ VHTTDL mới đây đã gửi công văn đến UBND tỉnh Hà Giang, khẳng định dự án Khu du lịch ở Lũng Cú được triển khai nhưng chưa tuân thủ các Quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt cũng như chưa thực hiện đúng các ý kiến của Bộ VHTTDL. Thượng tọa có suy nghĩ gì?
-Tôi cho rằng dự án phải tuân thủ nghiêm ngặt những Quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt cũng như ý kiến của Bộ VHTTDL, Cục Di sản văn hóa. Chúng ta bảo vệ di sản là bảo vệ những giá trị thiêng liêng, bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá của mình. Di sản mà không bảo vệ thì không thể làm lại được. Bộ VHTTDL cần đề nghị các địa phương phối hợp chặt chẽ trong vấn đề này. Chúng ta không đánh đổi di sản, những giá trị thiêng liêng cho những lợi ích trước mắt. Nếu không bảo vệ di sản thì làm sao chúng ta có thể giữ gìn được những tài nguyên vô giá cho các thế hệ sau.
Xin chia sẻ một câu chuyện khi tôi có nhân duyên xây dựng một ngôi chùa trên Bản Giốc, Cao Bằng. Ngôi chùa nhỏ bé thôi vì khi đó tôi mong muốn xây một cột mốc tâm linh quốc gia ở đó. Nhưng khi xây dựng xong thì thực sự ngôi chùa đã mang đến sức sống cho khu vực. Quan điểm của tôi khi xây ngôi chùa là không phá núi, cảnh quan mà chỉ tạo một con đường, nói chung khá khó đi nhưng buộc phải thế để bảo vệ môi trường. Ngôi chùa có kiến trúc thuần Việt để khẳng định bản sắc văn hóa dân tộc, lại phù hợp với bối cảnh. Hay khi tôi làm Pho tượng ở chùa Phật Tích, mọi người nói phải làm đường nhưng tôi nói phải làm đường ray, nhất định không phá núi và làm mất cảnh quan. Núi đã phá đi rồi không thể vá lại được. Sự công phu của chúng ta chính là giá trị của công trình. Ở Lũng Cú, tôi cũng muốn nhắc lại quan điểm này.
* Thượng tọa nhìn nhận như thế nào trước nhận định các khu du lịch văn hóa tâm linh đang có chiều hướng “nở rộ” ở các địa phương?
-Việc xây các khu du lịch tâm linh liên quan đến quy hoạch phát triển của mỗi địa phương. Trong phát triển du lịch, đặc biệt trong hội nhập quốc tế, có nhiều loại hình được phát triển. Khi đời sống vật chất nâng cao thì nhu cầu đi tìm hiểu về văn hóa, thực hành nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của con người cũng tăng theo. Cho nên, thời gian gần đây đã có một số khu du lịch quy mô lớn, đa số không đơn thuần chỉ là du lịch tâm linh mà còn gồm các yếu tố văn hóa, sinh thái. Tâm linh ở đây là khái niệm văn hóa, nói về niềm tin của mọi người chứ không riêng gì các ngôi chùa. Nhưng hiện nay dường như có xu hướng cứ nói du lịch tâm linh là nghĩ đến chùa chiền.
Tôi đồng ý với nhận định rằng các khu du lịch tâm linh đang có chiều hướng “nở rộ”, tuy nhiên khái niệm “nhiều” thì cần phải xem xét lại. Nếu không có những đánh giá, xem xét một cách tổng thể thì rất dễ đưa đến những nhận định không tích cực. Tôi mong muốn xã hội nhìn nhận một cách khách quan vì thời gian qua, vấn đề này đã được đề cập rất nhiều. Chúng ta cần nhìn nhận câu chuyện các khu du lịch tâm linh ở cả góc độ nhu cầu của xã hội và sự đáp ứng những nhu cầu đó.
Về quan điểm của GHPGVN, Giáo hội luôn nhìn nhận trên góc độ đáp ứng nhu cầu của người dân về tâm linh, văn hóa. Người dân hiện nay không chỉ đi du lịch văn hóa, sinh thái, tâm linh ở trong nước mà cả nước ngoài cũng rất nhiều. Hãy thống kê xem một năm có bao nhiêu người đi Ấn Độ, Bhutan, Nepal, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc... Du lịch tâm linh là nhu cầu thực tế. Vì thế, GHPGVN không có chủ trương cho những vấn đề này, nhưng Giáo hội đón nhận những công trình này như một thực tế khách quan. Thậm chí nếu nhìn rộng ra thế giới thì các khu du lịch tâm linh ở ta chưa thể sánh với Thái Lan, Trung Quốc… Rõ ràng, những công trình này nếu được lựa chọn xây dựng đúng vị trí, bối cảnh thì sẽ mang đến những thay đổi lớn về diện mạo nhờ vào phát triển du lịch. Tôi đơn cử như ở Bái Đính (Ninh Bình) bây giờ đã trở thành một trung tâm rất năng động trong phát triển du lịch, hàng ngàn gia đình có công ăn việc làm, đời sống phát triển… Đó cũng là khía cạnh khách quan phải nhìn nhận.
Một vấn đề khác cũng được đặt ra gắn với các khu du lịch văn hóa tâm linh là đất đai. Tôi cho rằng cũng cần có tìm hiểu kỹ lưỡng, khách quan trước khi nhận định, đánh giá.
Luôn phải nhớ một điều là, bảo vệ tài nguyên, bảo vệ các di sản văn hóa
* Thực tế là các khu du lịch tâm linh đều được giao cho các doanh nghiệp, mục tiêu về sự hài hòa giữa kinh tế với văn hóa đôi lúc đã không được đảm bảo. Quan điểm của GHPGVN về đảm bảo sự phát triển bền vững như thế nào, thưa Thượng tọa?
- Nguyên tắc là phải đặt lợi ích chung lên trên hết. Tất nhiên, mỗi doanh nghiệp khi đầu tư đều tính toán để có lợi ích nhưng luôn phải nhớ một điều là phải bảo vệ tài nguyên, bảo vệ các di sản văn hóa. Với góc nhìn Phật giáo, khai thác tài nguyên cần phải hài hòa để phát huy giá trị những tài nguyên đó chứ không phải hủy hoại tài nguyên đó đi. Vì vậy, cần phải đặt mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản lên trên mọi lợi ích, lợi nhuận. Ngược lại, khi các di sản được bảo tồn thì sẽ thu hút được du khách lâu dài.
* Nhiều ý kiến cho rằng những khu du lịch tâm linh hoành tráng hay việc xây dựng các tượng to, chùa lớn ở Việt Nam không phù hợp? Ý kiến của GHPGVN như thế nào, thưa Thượng tọa?
- Giáo hội cho rằng không nên xem việc to hay nhỏ là cần thiết hay không. Tính thiêng cũng không nằm ở đó. Với những di tích, ngôi chùa cổ thì chúng ta phải bảo tồn vẹn nguyên, không thể bỏ đi để làm chùa mới to hơn. Nhưng với những công trình xây dựng mới thì chúng ta có thể làm quy mô lớn để phù hợp với nhu cầu thời đại.
Cũng cần thấy rằng, những khu du lịch tâm linh thời gian qua đã đáp ứng được phần nào tốc độ phát triển trong khu vực và thế giới. Chẳng hạn, nếu không có Bái Đính, Tam Chúc thì GHPGVN không thể có nơi tổ chức Đại lễ Vesak quy tụ hàng ngàn đại biểu quốc tế. Thế nhưng, ngôi chùa cổ thì chúng ta vẫn giữ nguyên. Chùa cổ mà gắn điều hòa thì không được. Còn công trình ở bên cạnh thì phải có điều hòa để phục vụ người dân và du khách hành hương chứ.
* Cũng có ý kiến nói rằng ở các khu du lịch tâm linh tuy bề thế, hoành tráng nhưng sinh hoạt tín ngưỡng thực sự lại không có gì? Thượng tọa có đồng tình với nhận định này?
- Tôi có đọc trên báo về ý kiến này nhưng tôi hoàn toàn không đồng ý. Với vai trò Tổng thư ký HĐTS của Giáo hội, tôi nắm rõ những công trình được xây lên thì trước hết, GHPGVN là người sử dụng. Giáo hội bổ nhiệm trụ trì những ngôi chùa đó, tại đó cũng đều đặn tổ chức các hoạt động tín ngưỡng, Phật sự, rất tốt. Các hoạt động tu tập, cầu siêu anh linh các anh hùng liệt sĩ, các hội nghị hay sự kiện lớn của Phật giáo đều được tổ chức tại các khu du lịch tâm linh này. Cho nên, tôi sẽ có ý kiến chính thức về nhận định và phát ngôn không chính xác này.
* Xin cảm ơn Thượng tọa!
Báo Văn hóa
loading...