Có thể bạn chưa biết: Nhà tranh vách đất… xa xỉ
Bắt đầu từ số này, thứ Sáu, 1/4/2022, chuyên mục "Có thể bạn chưa biết" của dịch giả Lê Quang sẽ trở lại hằng tuần với bạn đọc Thể thao và Văn hóa. Đây có thể xem là cuộc tái xuất vì dịch giả Người đọc, Tình ơi là tình, Con rối tha hương, Vị hạt táo… đã gắn bó với chuyên mục này trong một khoảng thời gian rất dài, trước khi phải “tạm dừng” mất mấy năm. "Có thể bạn chưa biết" không phải là những “Chuyện lạ đó đây” vốn nhan nhản trên các báo, mà là sự chắt lọc, trải nghiệm của Lê Quang trên những bước đường “lãng du” trong thế giới ảo cũng như trong thế giới thật. Đó là những chuyện thú vị, ít ai biết đến dù "đáng được biết đến". Chúng ta cũng vừa mới bắt gặp không ít những câu chuyện thú vị như thế trong cuốn Nước Đức từ A đến Z (NXB Phụ nữ, 2021)- “thiên ký sự” mới nhất, đánh dấu bước chuyểncủa anh từ dịch giả sang kiêm tác giả. |
(Thethaovanhoa.vn) - Khi ám chỉ cảnh sống tùng tiệm hay thậm chí nghèo khổ, người ta hay dùng hình ảnh nhà tranh vách đất. Nhưng ở vùng Bắc Âu và quanh biển Baltic hôm nay, nơi tiêu chuẩn sống khá cao, chỉ có nhà giàu mới có được ngôi nhà mái rơm rạ và tường đất.
Giữa những năm 5000 đến 1800 trước Công nguyên, những người đầu tiên định cư ở khu vực giữa Biển Bắc và Biển Baltic là các bộ tộc săn bắt và hái lượm.
Lịch sử của mái sậy
Xã hội con người ngày càng sinh sôi nảy nở và bỏ dần thói du cư thì nhu cầu về ăn uống và mái che trên đầu của họ tăng lên, do đó các quần thể hoang dã giảm xuống và con người buộc phải phát triển một chiến lược sinh tồn khác. Người ta định cư ở nơi tìm thấy những điều kiện tốt nhất để tồn tại, ví dụ ở chỗ ấm áp, màu mỡ ven biển và ven sông. Con người đã biết thuần hóa và chăn nuôi các loài động vật hoang dã, gieo và thu hoạch một số loại cây, đi thuyền ra khơi và sử dụng cá và sò làm nguồn thực phẩm.
Vốn ban đầu chỉ biết săn bắn và hái lượm, mọi người trú ẩn tránh mưa gió và thời tiết trong các hang động, hố phủ cành lá, túp lều làm bằng gỗ và phủ da thú. Khi các yêu cầu về chỗ ở đã thay đổi, nghĩa là trọng tâm không còn là tính di động, mà là tuổi thọ và vật liệu xây dựng bền hơn. Bây giờ người ta lợp mái bằng lau sậy, lá cỏ. Với thời gian, cây sậy ven các bờ nước Bắc Âu được chọn làm vật liệu lợp mái với các thuộc tính tối ưu.
Những ngôi nhà mái sậy đầu tiên của chủng người German thời đồ đá mới được ghi nhận ở vùng Bắc Đức và Nam Đan Mạch hôm nay. Mái sậy chống nước và tuyết tốt, lưu thông không khí và giữ ấm ngôi nhà. Khói do đun nấu và sưởi sẽ bảo quản mái nhà chống lại côn trùng. Tuổi thọ trung bình kéo dài 30-50 năm, không hiếm cấu trúc mái sau 100 năm vẫn tốt.
Quá trình đô thị hóa khiến cho đất xây nhà ở thành phố ngày càng đắt. Mật độ xây dựng cao cũng có mặt trái của nó: Khi có hỏa hoạn, mái sậy nhanh chóng biến thành con mồi của lửa. Do đó, từ khoảng thế kỷ 18 trở đi, các nhà xây mới đều phải dùng tường gạch và mái ngói.
Mái sậy trở thành “đặc sản” miền thôn dã và, như đã nói, dần dần trở thành của hiếm, mà hiếm thì phải đắt. Các thế hệ thợ lợp mái sậy đã mai một cả. Người Bắc Âu muốn làm mái sậy phải đi mời thợ tận Ba Lan. Mái sậy có giá từ 80 đến 130 euro cho mỗi mét vuông diện tích mái, trong khi mái ngói chỉ từ 15 đến 45 euro. Nếu bạn muốn lót thêm vật liệu cách nhiệt, giá sẽ tăng lên khoảng gấp đôi. Một mái tranh hoàn chỉnh có giá từ 25.000 đến 40.000 euro. Bù lại thì nhà nước cũng muốn giữ hình ảnh làng quê thân thiện và hỗ trợ cho mỗi mái nhà mới bằng sậy đến 25.000 euro.
Lợi và hại
Tấm huân chương nào cũng có 2 mặt, hầu hết mọi thứ trong cuộc sống đều thế, và những mái nhà bằng sậy không là ngoại lệ.
Ở châu Âu, người giàu chọn mái tranh không chỉ vì nó đặc biệt sang trọng và thoải mái, mà còn tiết kiệm chi phí sưởi và làm mát vì tính chất cách nhiệt đặc biệt tốt. Có nghĩa là ít mất nhiệt hơn vào mùa Đông và ít nóng hơn vào mùa Hè.
Những mái sậy có khả năng chống thấm cực tốt, chống mưa, chống tuyết và chống sương giá. Ngược lại với mái ngói, chúng có khả năng khuếch tán, thoáng khí, lọc không khí, chống bụi và điều hòa độ ẩm trong ngôi nhà của bạn. Hơi nước không bị ngưng đọng như trong nhà gạch, mà được thoát nhanh và trực tiếp ra mái hiên.
Cũng phải kể thêm về vật liệu tự nhiên tuyệt vời này. Chủ xây dựng hôm nay tự mình hoặc sai nhà thầu đến cửa hàng vật liệu xây dựng. Ngày xưa thì khác. Con người lúc ấy lấy mọi thứ từ thiên nhiên, phụ thuộc vào những gì địa phương trao tặng. Ở những vùng gần nước và đầm lầy, dễ hiểu là người ta dễ tìm được sậy.
Sậy là thực vật thủy canh có họ hàng với lúa yến mạch và tiểu mạch. Mỗi năm chỉ được thu hoạch sậy một lần vào mùa Đông, sau khi cây sậy chết vì Đông giá. Thân cây sậy mất lá và chuyển sang vàng rơm, sau 1 năm nó trở nên dẻo dai, khác với sậy già và giòn bị coi là vật liệu có giá trị thấp.
Còn mặt kia của huân chương? Chà, bên ngoài hiệu ứng tạo cảm giác dễ chịu và vẻ ngoài quyến rũ của kiểu mái sậy, được gọi là mái mềm, thì hoàn toàn không có nhược điểm nào. Tuy nhiên, mái mềm được các công ty bảo hiểm tòa nhà xếp vào loại có nguy cơ hỏa hoạn cao và họ bắt đóng phí bảo hiểm cao hơn gấp 3 lần!
Cái “hại” không chỉ nằm trong phí bảo hiểm, mà chủ nhà phải tốn công đi tìm thợ thi công và bảo dưỡng. Giới trẻ bây giờ ít ai đi học cái nghề vất vả này. Nghề thủ công lợp mái sậy đã được chính quyền bang Mecklenburg-Vorpommern (Bắc Đức) đệ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể và được xác nhận vào năm 2014.
Thợ hiếm hơn nghệ sĩ
Mỗi năm có hàng ngàn vị trí đào tạo thợ kỹ thuật lợp mái, nhưng lượng thanh niên muốn học lợp mái sậy chỉ đếm đủ trên 2 bàn tay. Học nghề này mất 3 năm, đòi hỏi kiến thức toán lý và cả năng khiếu nghệ thuật. Năm thứ 3 là học sinh học nghề đã kiếm được khá nhiều cho cơ sở đào tạo, do đó được phát lương tháng khoảng 1.000 euro.
Do sậy là vật liệu thân thiện với môi trường và luôn có nguồn tái tạo, ngày nay nó ngày càng được ưa chuộng, không chỉ ở chốn thôn quê. Khu nghỉ dưỡng Landserhof trên đảo Sylt (Bắc Đức) hoàn toàn dùng mái sậy với tổng diện tích 8.500 mét vuông, giữ kỷ lục ở châu Âu.
Hợp với sậy, xu hướng dùng bùn trộm rơm và trấu để đắp tường âm ỉ phát triển từ vài thập kỷ ở châu Âu. Khác với tường trát vữa, vật liệu bùn giữ độ ẩm có lợi cho sức khỏe, vì ở châu Âu không khí rất khô và mùa Đông thường phải dùng máy tạo ẩm.
Bùn hay đất sét là một trong những vật liệu xây dựng lâu đời nhất trong lịch sử loài người. Tuy nhiên, trong quá trình công nghiệp hóa, vật liệu xây dựng đã được thử thách này đã mất đi tính phổ biến và phần lớn bị lãng quên trong ngành xây dựng.
- Tản văn cuối tuần: Nhà tranh vách đất
- Khám phá Hồ Tây (kỳ 10): Nhà tranh, gốc liễu của Thạch Lam bên Hồ Tây
Sự lây lan ngày càng tăng các "bệnh của nền văn minh" như dị ứng, béo phì và ung thư, cũng như việc giáo dục sức khỏe ngày càng tăng của dân số, khiến người ta trở lại ngẫm nghĩ về chất lượng và tính bền vững trong những năm gần đây.
Sự thay đổi hướng tới một cuộc sống lành mạnh này đã đưa bùn và đất sét trở lại trong ý thức của mọi người như một vật liệu xây dựng từ môi trường sinh thái. Bùn và đất sét được sử dụng trong việc xây dựng nội thất. Người ta trộn vào đất sét các chất phụ gia như rơm băm nhỏ, sợi gai dầu hoặc các loại sợi thực vật tương tự. Việc bổ sung các chất xơ như vậy không chỉ giúp ổn định mà còn làm giảm trọng lượng của ván tấm, giúp quá trình chế biến dễ dàng hơn.
Một số nhà cung cấp ván xây dựng bằng đất sét lớn cũng sử dụng vải lưới làm từ sợi đay hoặc sợi thủy tinh. Ngoài việc chế tạo các bức tường nội thất, chúng còn được sử dụng để bao phủ trần treo, làm tấm cách nhiệt, tấm nền thay cho thạch cao. Ở nhiều siêu thị vật liệu xây dựng Đức, người ta có thể mua về để tự gia công.
Lê Quang