Có thể bạn chưa biết: Lịch sử của thanh kiếm
(Thethaovanhoa.vn) - Không những chỉ sử sách nước ta dành một chương trang trọng để tôn vinh thanh kiếm thần Thuận Thiên giúp Lê Thái Tổ đánh tan giặc Minh, mà thế giới tràn ngập hình ảnh của cây kiếm vượt khỏi ranh giới của một thứ vũ khí đâm chém thông thường - văn hóa Nhật Bản kiêu hãnh với hình ảnh Thần Vũ thiên hoàng luôn đi kèm với thanh gươm báu, vua Arthur của Anh quốc nhờ kiếm Excalibur mà tên đạn không phạm vào người mình, hay thần thoại Nga và khu vực Đông Slav sẽ nghèo đi đáng kể, nếu thiếu thanh kiếm Mech-Kladenets rèn bằng thép biết tự vung lên chém đầu quân thù.
Tuy nhiên, thanh kiếm có lịch sử dài hơn nữa.
HỐI LỘ ĐỂ ĐƯỢC... CHÉM ĐẦU
Với sự ra đời của thanh kiếm, lần đầu tiên loài người phát minh ra một công cụ chỉ đơn thuần phục vụ cho chiến đấu. Cả trong các cuộc chiến giành công lý. Thậm chí đã có một thời mà được - chứ không phải bị- chém đầu bằng thanh kiếm được coi là... một đặc ân.
Khi vua Henry VIII của Anh tuyên án tử hình cho người vợ thứ hai, ông đã ban cho bà một nghĩa cử nhân đạo cuối cùng. Người phụ nữ vắn số Anne Boleyn bị kết tội ngoại tình, quan hệ loạn luân với người ruột thịt và ủ mưu giết vua. Hình phạt mặc định cái chết. Nhưng Heinrich, bản thân đã có người tình ngoài luồng từ lâu, tỏ ra nhân từ khi triệu Jean Rombaud về từ Calais, một địa phương miền Bắc Pháp nhưng ngày ấy thuộc Anh. Rombaud là một đao phủ nổi tiếng vì có tài chặt đầu tội nhân chỉ bằng một nhát mà dường như sau này gây cảm hứng cho nhà văn Nguyễn Tuân viết Chém treo ngành”? Dù thế nào thì “Nghệ nhân thành Calais” cũng lặp lại được thành tích của mình vào ngày 19 tháng 5 năm 1536 với ngấn cổ cao xinh đẹp của Anne Boleyn.
Ở đây buộc phải ngó lại một quãng sử dài, khi thanh kiếm bên cạnh theo chủ xông pha trận mạc còn là một đặc ân lớn trong ngành tư pháp. Nó giết người một cách nhanh chóng và ít đau đớn nhất, do đó được dành riêng để xử tử cho giới quý tộc hoặc những người có tước vị cao trong xã hội; Sứ đồ Phao-lô, bị xử tử vì truyền đạo, nhưng vì là công dân La Mã nên được quyền bị chặt đầu bằng kiếm thay vì bị đóng đinh lên thập giá.
Đó là lý do nhiều gia đình của tử tù phải đút lót để được đao phủ ra tay, đặng chấm dứt nhanh nỗi đau đớn cuối đời của tội nhân.
Vậy là bộ máy hành pháp ngày xưa chọn thanh kiếm để lập lại trật tự pháp lý, vì nó đại diện cho sự đanh thép và quyết liệt cần thiết của nhà cầm quyền. Hình ảnh quen thuộc cho đến hôm nay là thần Công lý bịt mắt và với thanh kiếm trong tay. Thực ra kiếm nằm trong tay đao phủ, người dùng nó thực hiện các bản án. Cũng phải nói thêm, dù ở thời nào thì nghề đao phủ là một trong những nghề bị xa lánh, khiến đao phủ phải sống ngoài lề xã hội. Nhưng lại là một nghề... không thể thiếu.
LỊCH SỬ RA ĐỜI
Bản thân thanh kiếm đã là vũ khí. Con người từ khi biết đứng thẳng lưng chỉ biết đến gậy gộc, tuy nhiên họ đã khám phá ra cách xử lý kim loại sớm hơn so với những nguyên mẫu kiếm đầu tiên được tạo ra. Không giống như lao, cung hoặc dao, vốn thoạt tiên được sử dụng để săn bắn, kiếm chủ yếu là một công cụ chiến đấu giữa người với người. Thanh kiếm đánh dấu bước ngoặt quyết định trong quá trình tiến hóa văn hóa của loài người: Khác với tất cả các công cụ ban đầu khác mà giống homo sapiens đã sử dụng và được phát minh ra để sử dụng trong sinh hoạt thường nhật như rìu đá, giáo, cung tên, gậy gộc…, kiếm đòi hỏi công nghệ phát triển cao, giao thương với xứ xa và các mức độ phân công lao động nhất định trong xã hội.
Quá trình sản xuất của nó rất phức tạp và tốn kém, đòi hỏi phải có sự tổ chức chặt chẽ. Vì vậy, một thanh kiếm là bằng chứng cho một vị trí nổi bật, tượng trưng cho sức mạnh của những người có chức quyền. Xem những phim đánh nhau thời Napoleon hay nội chiến Mỹ ta vẫn thấy hình ảnh sĩ quan dùng kiếm đi trước để chỉ huy binh lính vác súng chạy theo sau. Bên cạnh yếu tố oai phong, có quyền dự đoán lànhững thanh kiếm đầu tiên hầu như không thích hợp để sử dụng trong trận chiến, chừng nào thợ rèn chưa tìm ra kỹ năng để tạo ra mối liên kết chặt chẽ giữa chuôi và lưỡi kiếm. Ban đầu, đồng là vật liệu cung cấp đủ độ ổn định. Trong trận chiến ở thung lũng Tollense (miền Bắc Đức hôm nay), trong đó hai đội quân lớn của thời kỳ đồ đồng gặp nhau vào khoảng năm 1250 trước Công nguyên, các nhà khảo cổ đã tìm thấy bằng chứng rõ ràng về việc sử dụng vũ khí này.
Những người lính lê dương của La Mã khi đi chinh phạt thế giới được trang bị một thanh kiếm ngắn và một thanh kiếm dài. Không chỉ thời ấy, kiếm là biểu tượng quan trọng nhất của tầng lớp chiến binh tinh nhuệ.
Nhưng mặc dù thanh kiếm ghi dấu ấn trong lịch sử văn hóa cổ đại và thời Trung cổ, chúng ta biết rất ít về cách nó được sử dụng. Các nhà sử học cổ đại cho rằng loại kiếm của người La Mã rất tốt cho cả hành vi đâm và chém, và do đó có thể được sử dụng để gây ra “những xả phanh ruột gan và gây ra những vết thương kinh khủng khác”. Nhưng họ cũng có lý khi cho rằng những trận chiến kéo dài nửatiếng đồng hồ, chẳng hạn như những cuộc đọ gươm được miêu tả trong Chúa tể của những chiếc nhẫn, là hoàn toàn không có cơ sở, vì kiếm dài ngày ấy có trọng lượng khủng và về cơ bản làrất khó sử dụng. Phải mất một thời gian rất dài, cho đến khi con người chế tạo và sử dụng được thanh kiếm vừa ý và vừa tay.
VẠN SỰ KHỞI ĐẦU NAN
Chỉ trong thiên niên kỷ thứ hai trước Công nguyên, hơn một nghìn năm sau khi phát minh ra chữ viết, các thợ rèn và các chuyên gia khác đã bắt đầu phát triển thanh kiếm. Họ đã phải đi nhiều đường vòng và ngõ cụt trước khi có thể đưa ra một kết quả đáp ứng được yêu cầu của chiến tranh.
Về cơ bản, kiếm là những con dao kéo dài. Nhưng sự nối dài ấy đã gây khó khăn cho tính hữu dụng của chúng trong chiến đấu. Điểm yếu của một thanh kiếm là phần kết nối giữa tay cầm và lưỡi kiếm, chỉ với sự liên kết ổn định mới cho phép dùng nó tấn công đối thủ. Ban đầu các thợ rèn thử nghiệm với vật liệu hữu cơ như gỗ, gắn vào đầu phẳng của lưỡi bằng các chốt. Tuy nhiên, kết quả chỉ là một vũ khí thích hợp để ném, khó để chém. Rèn chuôi kiếm và lưỡi kiếm liền mảnh thì lại tăng trọng lượng đáng kể. Có một thời người ta tạo các lỗ trong tay cầm rồi chèn lõi đất sét cho kiếm nhẹ bớt.
Để thứ vũ khí lợi hại này mang tính bền vững, người ta đã học dần qua nhiều thế hệ rằng tốc độ làm mát khác nhau trong các vùng lưỡi dao có ảnh hưởng đến độ bền,hoặc quá trình ủ, rèn và mài nhiều lần có tác dụng làm cứng các lưỡi dao. Các kinh nghiệm ấy không ở châu Âu đúc kết, mà học hỏi từ khu vực trải dài từ Ai Cập qua Syria và Tiểu Á đến Lưỡng Hà và các quốc gia lân cận. Việc phát triển các quan hệ thương mại sâu rộng và cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc đã thúc đẩy công nghệ vũ khí phát triển.
KINH NGHIỆM TRUYỀN ĐỜI
Không chỉ thế. Thiếc, thứ tạo ra đồng thau cứng thay vì đồng nguyên chất mềm, phải được mang đến từ những vùng xa xôi như Afghanistan hoặc Địa Trung Hải, bên cạnh các mặt hàng chiến lược khác như gỗ hoặc sáp, vốn rất cần thiết để sản xuất khiên, xe ngựa, cung tên hoặc thương ở khu vực cây cối thưa thớt. Tại các đô thị của Ai Cập như Amarna hay Pi-Ramesse, thủ đô của Ramses Đệ nhị, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra doanh trại và nhà máy sản xuất vũ khí dường như thích hợp cho sản xuất hàng loạt.
Năm 2012 người ta phát hiện ra một thanh kiếm cổ khi nạo vét sông Weser miền Bắc Đức. Nó dài 95cm và được giữ nguyên vẹn một cách khó tin. Thanh kiếm được rèn vào thế kỷ 10, có chuôi kiếm và đựng trong vỏ. Chất lượng của lưỡi kiếm rất ấn tượng: Nó được làm bằng thép cứng gần như đạt đến chất lượng của các hợp kim hiện đại. Việc tạo rãnh thoát máu ở hai bên thể hiện kinh nghiệm tuyệt vời của người sản xuất, vì thanh kiếm chỉ dày 3mm!
- Có thể bạn chưa biết: Ba ngàn năm... mặc quần
- Có thể bạn chưa biết: Nhà tranh vách đất… xa xỉ
- Có thể bạn chưa biết: 'Dùng dịch vụ chuyển nhà tôi có phải đóng đồ không?'
Nhìn lại lịch sử, té ra bản chất hào hùng của thanh kiếm đến từ khái niệm “loại vũ khí hèn hạ” ám chỉgiáo mác hay cung tên, vì chúng sát thương từ xa chứ không là công cụ trong tay kẻ trượng phu chinh phục đối thủ trong trận giáp lá cà! Nhà nghiên cứu sử cổ đại Armin Eich dành hẳn một chương chính trong tác phẩm Những đứa con của sao Hỏa để bàn về thanh kiếm và nói chung về lịch sử chiến tranh từ thời kỳ đồ đá đến cuối thời cổ đại. Ông muốn chỉ ra hoàn cảnh và động lực mà trong suốt nhiều thiên niên kỷ, chiến tranh đã trở thành một hiện tượng thống trị trong cuộc sống hàng ngày của con người, kể cả những trục trặc địa chính trị đang diễn ra trong những ngày gần đây. Nói thêm bên lề: Luận đề của ông cũng ngụ ý một điểm thú vị rất giống đạo lý mở đầu Tam Tự Kinh, rằng “nhân chi sơ, tính bản thiện“, tức là con người về bản chất không phải là chiến binh chống lại đồng loại, mà chỉ trở thành kẻ đó trong quá trình tiến hóa văn hóa của mình. Song đó lại là một chủ đề khác, tạm không đề cập ở đây.
Lê Quang