Chữ và nghĩa: Rắn là một loài bò
“Rắn là một loài bò”. Không chỉ các nhà từ điển học, mà khó có người nói tiếng Việt thông thường nào lại chấp nhận một định nghĩa như vậy. Nhưng xét về mặt cú pháp, câu này vẫn phân tích được, vì vẫn đủ thành thần, nếu quy về cấu trúc “danh + là + danh” quen thuộc.
Xem chuyên đề "Chữ và nghĩa" TẠI ĐÂY
Kiểu câu như: “Gạo là một loại lương thực”, “Mai là học sinh giỏi”, “Nước mưa là của trời”… Phải chăng dẫn câu trên nhằm minh họa cho quan điểm của ngữ pháp tạo sinh (Generative Grammar) của nhà ngữ học N. Chomsky?
Theo Chomsky, người ta có thể tạo ra rất nhiều câu hoàn toàn đúng về mặt ngữ pháp, nhưng lại phi logic về mặt ngữ nghĩa. Những ví dụ (đã trở thành kinh điển) mà ông đưa ra (như “Một cái bàn vuông thì tròn”, hoặc “Những tư tưởng xanh lục không màu đang ngủ một cách giận dữ”) đúng ngữ pháp 100%, song không thể chấp nhận được trong giao tiếp.
Thực tế, phát ngôn trên chỉ là một ví dụ điển hình về chuyện học vẹt của học sinh. Bởi câu đầy đủ phải là “Rắn là một loài bò sát không chân”. Cô học trò nọ đang học thuộc lòng bài cô giáo cho về nhà. Lẽ ra phải đọc liền “loài bò sát không chân” thì cô lại đột ngột ngắt lời và phân chia ngữ đoạn này thành “loài bò” và “sát không chân”.
Cách ngắt lời vô lý như vậy làm sai lệch hoàn toàn về ngữ nghĩa. Nó cũng giống như cách ngắt dòng trong văn bản mà điển hình là trong cách trình bày tít bài hoặc tít sách.
Tiêu đề, đầu đề, tên gọi, tít (title)… là dấu hiệu đầu tiên, là thông tin bắt buộc phải có đối với mọi cuốn sách (hoặc bài báo). Khi trình bày bìa sách (hoặc trang báo), thiết kế ma-két (maquette), người ta phải chọn một cách thể hiện sao cho phù hợp về bố cục: Cân đối và mang tính thẩm mỹ. Tuy nhiên, không hiểu vô tình hoặc hữu ý mà các họa sĩ đã ngắt đoạn các tiêu đề một cách hết sức ngẫu hứng, từ đó làm lệch lạc nội dung, ngữ nghĩa. Hiện tượng này trên báo và cả trên sách có rất nhiều. Nhưng tôi chỉ bàn về cách ngắt dòng trên một số bìa sách, là những ấn phẩm trang trọng, được lưu trữ lâu dài và vì thế, ảnh hưởng của nó không nhỏ.
Ta biết, tên sách thường có cấu trúc là một từ hoặc một ngữ và số lượng ngữ luôn chiếm đa số (có những tên sách rất dài, nhưng nó cũng phát triển từ một ngữ). Việc đưa cả tiêu đề vào một dòng, ví dụ: Kết giao kinh tế, Cây thế Việt Nam, Kinh tế học hài hước, hoặc hai dòng: Nguồn gốc và quá trình hình thành/ cách đọc Hán Việt, Từ điển/ tục ngữ Việt… cũng có nhưng không nhiều. Cũng có bìa sách đặt tiêu đề theo hàng dọc, kiểu câu đối, mỗi âm tiết một hàng: 101/ truyện/ mẹ/ kể/ con/ nghe, Sẵn/ sàng/ chưa/ nào?, Giấc/ mơ/ kinh/ hoàng... Những cách trình bày như vậy có lẽ không có vấn đề gì lớn. Tuy nhiên, không ít bìa sách chọn các phương án ngắt nhiều dòng và có cách ngắt rất lạ: 1) Tuyển tập/ truyện/ ngắn Pháp; 2) Giải đáp thắc mắc/ giới tính tuổi/ teen; 3) Những điều cần biết/ và không/ nên/ trong ăn uống; 4) 7 mối/ quan hệ/ cần duy trì/ trong/ cuộc sống; 5) Cô gái/ và hoa/ cẩm chướng…
Như vậy, ở tít (1), 2 chữ “ngắn Pháp” bị tách ra trong tổ hợp “truyện ngắn Pháp” (Lẽ ra nên tách theo 2 tổ hợp từ: Tuyển tập/ truyện ngắn Pháp). Ở (2) “Teen” bị tách ra trong “giới tính/ tuổi Teen”. Ở (3) “nên” bị tách ra trong “không nên”. Ở (4) “mối quan hệ” là một tổ hợp không thể tách rời. Cũng vậy, ở (5), không thể để “và hoa” và “cẩm chướng” thành 2 dòng như thế (“hoa cẩm chướng” chỉ một loại hoa)…
Trên báo chí một thời có đưa khẩu hiệu đang rất phổ biến trong giáo dục: Nói không với tiêu cực và bệnh thành tích trong thi cử. Cụm từ này phải hiểu theo cấu trúc 2 vế: “nói không với tiêu cực trong thi cử” và “nói không với bệnh thành tích trong thi cử”. Có trường đã ngắt đoạn là: “Nói không với tiêu cực/ và/ bệnh thành tích trong thi cử” thì vô hình trung sẽ bị hiểu là chỉ “nói không với tiêu cực” thôi còn “bệnh thành tích trong thi cử” lại thuộc một vấn đề khác (2 vế bị tách khác nhau).
- Chữ và nghĩa: Con và cá thể
- Chữ và nghĩa: Ruộng giữa đồng, chồng giữa làng
- Chữ và nghĩa: Nhìn miệng cho nhai…
Trong xê-ri ảnh “hình đặc biệt” mà không ít bạn đọc trên mạng đều biết, có một tấm biển in đẹp, dán trang trọng trước một phòng kỹ thuật âm thanh nọ: “Phòng thu âm hộ/ học sinh sinh viên/ cho cuộc thi/ Liên hoan âm nhạc/ HSSV Việt Nam 2008”. Một bài báo có tít “Dòng giao hưởng hứa hẹn nhiều tài năng trẻ”, họa sĩ đã tách làm ba dòng: “Dòng giao hưởng/ hứa hẹn nhiều tài/ năng trẻ”. Một nhà hát ở Hà Nội năm nào đã trương biển quảng cáo “Giao hưởng hợp xướng” với cách ngắt dòng và đưa hai dòng vừa ngắt ngang nhau để người xem đọc thành “Giao/ hợp/ hưởng/ xướng”. Cách ngắt dòng như thế này thật tai hại, vì sẽ gây hiệu ứng phản cảm. Người trình bày tít sách, tít báo, tít pa-nô, quảng cáo cũng cần hiểu và “thấm nhuần” nội dung ngữ nghĩa các đoạn văn bản mà họ cần trình bày. Nếu không, chính sự sơ suất đó mà sẽ xảy ra hiện tượng “Rắn là một loài bò”.
“Anh yêu” tự nhiên xuống dòng
Thế là “em lắm” lông bông một mình.
PGS - TS Phạm Văn Tình