Chào tuần mới: Kiên trì và kiên cường
(Thethaovanhoa.vn) - 2 tháng đầu năm mới sắp hết, chúng ta sẽ bước sang tháng 3 trong tình hình dịch bệnh Covid-19 không hề giảm. Nhiều giáo viên quay cuồng trong việc dạy học “on - off”. Nhiều phụ huynh học sinh ban đầu ủng hộ việc trở lại trường học thì giờ lại tỏ ý băn khoăn.
Trong khi, một bộ phận người dân thì cho rằng mình đã được tiêm 3 mũi, vì vậy tâm lý chủ quan, coi thường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Còn một số F0 sau khi khỏi bệnh rồi thì tự cho mình là “bất tử với Covid”.
Đó là diễn biến tâm lý chung của cộng đồng trong những ngày này. Để cuộc sống “bình thường mới” không bị xáo trộn, tôi nghĩ, cùng với 5K, chúng ta cần thêm 2 chữ K nữa là “kiên trì” và “kiên cường.
Đúng là từ khi thực hiện “thích ứng an toàn, linh hoạt”, rồi khi thấy số ca F0 tăng nhanh và khỏi bệnh cũng nhanh, nhiều người có tâm lý “nhờn bệnh”, không còn nghiêm túc và kiên trì trong việc tuân thủ nguyên tắc 5K hay cập nhật các biện pháp chống dịch mới nhất nữa.
Thực tế, sau dịp Tết, rất nhiều người tôi gặp tại các quán ăn, quán cà phê cho rằng “không chết là được”, bây giờ có là F0 cũng chả sao, chỉ như là bệnh cúm mùa. Từ đó coi thường, bỏ qua các nguyên tắc phòng chống dịch. Tại các hàng quán, giờ đây cũng ít thấy mọi người xịt cồn khử khuẩn đôi tay khi vào ăn uống, đeo khẩu trang cũng chiếu lệ gọi là cho có.
Nhiều gia đình có F0 cũng chẳng khai báo, tự đóng cửa điều trị tại nhà. Trong khi mỗi F0 giống như một mồi lửa nhỏ, khi lây lan sẽ như đám cháy lớn. Vả lại nếu không báo cho cơ quan y tế địa phương nắm rõ số ca mắc mới thì sẽ rất khó dự báo chính xác tình hình cũng như đưa ra biện pháp phòng chống dịch thích ứng.
Đối với giáo viên và học sinh, chuyện hôm nay đến trường học trực tiếp, ngày mai lại chuyển sang học trực tuyến khi có các học sinh trở thành F0, quả thật là vất vả. Nhưng đúng như Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã nói trong phiên giải trình tại Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tuần trước: Việc quay lại trường học sẽ có phát sinh, ảnh hưởng, nhưng đây là tình thế bắt buộc phải thích ứng, linh hoạt. Chẳng có phương án nào toàn diện, đáp ứng được mọi khâu lúc này, do đó chúng ta phải chọn phương án khả dĩ hơn cả. Khả thi nhất là căn cứ vào cấp độ dịch của từng nơi để đưa ra các giải pháp linh hoạt, phù hợp và hiệu quả nhất.
Rõ ràng để đạt được mục đích, chúng ta phải kiên trì trong việc thích ứng với thực tế.
***
Trải qua hơn 2 năm chống dịch Covid-19, chúng ta cũng thấy diễn biến dịch bệnh thay đổi không theo một chu kỳ nào nhất định, có những lúc bùng lên rất mạnh, có những khi lắng xuống khiến ta cảm giác như sắp hết dịch đến nơi rồi. Cũng vì những thất thường ấy buộc chúng ta phải hết sức tỉnh táo.
Thời kỳ dịch bệnh mới bùng phát, khi chưa được tiêm chủng, nên việc ai cũng lo lắng, sợ hãi là điều dễ hiểu. Vậy tại sao bây giờ đã được tiêm, thậm chí nhiều người đã tiêm mũi thứ 3, nhưng nhiều người trong chúng ta vẫn có tâm lý hoang mang, lo sợ quá mức hoặc ở thái cực ngược lại là chủ quan, lơ là trong việc phòng chống dịch?
Bước sang tháng 3 của năm “Covid thứ 3”, chúng ta càng thấy rõ rằng, để sống chung với Covid-19 lâu dài thì không thể không “kiên trì” và “kiên cường”.
Xuân An