Chào tuần mới: Đừng đổ lỗi cho 'cô hồn'
Ngày nghỉ cuối tuần trước, tôi tình cờ cà phê sáng với cậu em đang kinh doanh tại một khu chợ lớn ở Hà Nội. Anh em hàn huyên chuyện công việc, chuyện gia đình, chuyện xã hội.
Cậu em than thở rằng việc kinh doanh năm nay ngày càng khó, một phần vì chuyện phục hồi thị trường sau hai năm Covid-19 vẫn khá chậm, một phần vì nợ của khách hàng bây giờ cũng chỉ cho phép chậm vài ngày, chứ không thể dài hạn như trước đây. Càng khó hơn, khi đã bước sang “tháng cô hồn” rồi, nên đa số đều hạn chế xuất tiền ra...
Chợt nhớ ra tháng Bảy âm lịch đã đến được mấy ngày.
Tháng Bảy âm lịch trong tín ngưỡng dân gian, nhiều nơi gọi là “tháng cô hồn”. Rất nhiều người Việt quan niệm rằng, tháng cô hồn là tháng của ma quỷ, không đem lại may mắn, nên không thuận tiện cho các công việc lớn của đời người.
Truyền thuyết dân gian kể lại rằng, vào ngày mồng hai tháng Bảy âm lịch, Diêm Vương sẽ cho mở quỷ môn quan để các linh hồn ma quỷ không được thờ tự, phải sống lang bạt, được trở về dương gian. Đến ngày rằm tháng Bảy, tất cả quỷ hồn đều phải quay lại địa ngục khi quỷ môn đóng cửa. Trong thời gian này, các cô hồn đi lang thang, vất vưởng trên trần gian, cho nên tháng này sẽ có rất nhiều việc không may xảy ra và chúng ta cần phải cảnh giác.
Chính thế, nên nhiều người hay rỉ tai nhau về những điều kiêng kị trong tháng cô hồn này. Chẳng hạn, không nên ký những hợp đồng làm ăn lớn, hoặc không nên làm những việc lớn như cưới hỏi, chuyển nhà, xây nhà, cất nóc, đào móng, khai trương… Như vợ chồng cậu em và một số thương nhân khác thì tránh xuất vốn lớn kinh doanh trong tháng này, mua bán kiêng ngã giá mua hàng rồi bỏ đi. Có người còn kiêng không được cắt tóc, về ẩm thực thì tránh không ăn thịt vịt, thịt chó... Tóm lại danh sách kiêng kỵ đối với những người “tín tâm” thì còn dài lắm. Đó là những tín lý đậm chất dân gian của một số vùng miền.
Theo hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự, Trưởng Ban hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam) thì không có tháng nào gọi là tháng cô hồn trong kinh điển của Phật giáo. Đồng quan điểm này, hòa thượng Thích Thanh Nhã (Ủy viên thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trụ trì chùa Trấn Quốc) chia sẻ đạo Phật không tin có tháng cô hồn. Trong tháng Bảy âm lịch, mọi người không phải kiêng những điều như dân gian lan truyền.
“Nhà Phật dạy con người không sát sinh vào ngày rằm, mồng một, không làm điều trái, sống có phúc đức. Nếu làm được như vậy, ai cũng được điều lành, điều tốt, tâm lý bình an. Những ngày xấu, ngày tốt là do quan niệm, chứ đạo Phật không dạy con người kiêng kị trong tháng Bảy. Đạo Phật khuyên rằng, ngày nào cũng là ngày tốt, tháng nào cũng là tháng tốt và không có ngày, tháng nào xấu. Ngày xấu hay ngày tốt đều do quan niệm mà ra”.
- Vì sao tháng 7 được gọi là 'tháng cô hồn' và có danh sách những điều kiêng kỵ?
- Tháng 7 Âm lịch hàng năm có phải là 'tháng cô hồn'?
- Tháng Bảy âm lịch hoàn toàn không phải là 'tháng cô hồn'?
Từ những phân tích theo quan điểm của Phật giáo, chúng ta thấy rằng, có nhiều điều cấm kỵ là không có căn cứ, có một số việc khác thì xuất phát từ thực tế tháng Bảy âm lịch hàng năm thường có mưa gió, lũ lụt, ẩm ướt, cho nên cần tránh làm các công việc dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết bất thường.
Ngoài ra, tháng Bảy âm lịch là tháng vu lan, báo hiếu. Nhớ về ân đức tổ tiên thì chúng ta với tâm hiếu nên chăm sóc, báo hiếu cha mẹ hiện tiền và gieo duyên giúp cha mẹ được biết đến Phật pháp, quy y tam bảo. Nếu cha mẹ, ông bà đã mất, nhân tháng Bảy âm lịch, chúng ta nên đi thăm mộ phần ở ngoài nghĩa địa hoặc đi chùa chiền, nơi lưu giữ các hũ hài cốt. Vì trong tháng cô hồn còn gọi là Tết của những người âm.
Và không phải chỉ trong tháng Bảy âm lịch, vào các tháng khác trong năm, nếu như chúng ta luôn có sự chuẩn bị tốt trong công việc, làm gì cũng cẩn thận kiểm tra trước sau thì cho dù có không may xảy ra, chúng ta cũng không đổ lỗi cho “cô hồn”.
Xuân An