Cả Hà Nội đang cùng xếp hàng về thời bao cấp
Văn hóa sinh hoạt thời bao cấp, thứ văn hóa được sản sinh trong những ngày khó có sức hút gì đặc biệt đến vậy? Lịch sử thủ đô, đất nước có biết bao ngày gian khổ, tại sao người Hà Nội lại dành trọn tình cảm với thời bao cấp?
Chúng tôi tìm gặp các học giả, nghệ sĩ và cả những người trẻ chưa từng trải qua thời bao cấp. Từ nhiều góc độ, các nhân vật đưa ra những kiến giải khác nhau về sức hút đặc biệt của văn hóa thời bao cấp. Tất cả cùng chung luận điểm: thời bao cấp tuy thiếu thốn vật chất nhưng luôn ăm ắp tình người. Các giá trị trong xã hội hiện nay thì đảo ngược lại. Nên, tình người là thứ “đặc sản” riêng có khiến thời bao cấp khốn khó trở nên đẹp, có sức hút đến vậy?
Đại biểu Quốc hội - Nhà sử học Dương Trung Quốc: Tìm về thời bao cấp để cân bằng với thực tại
Những ngày bao cấp khốn khó qua đi để lại một ký ức đặc biệt trong lòng Hà Nội. Ký ức đó hiển hiện không chỉ trong các cuộc triển lãm, các buổi tọa đàm mà trong từng câu chuyện nhỏ bên bữa cơm, ngoài hàng nước…
Đặc biệt, ký ức thời bao cấp không chỉ dừng lại ở những người đã trải qua nó mà nó đang lan tỏa tới thế hệ trẻ, những người chưa một ngày phải sống trong cảnh tem phiếu. Niềm ham thích khám phá của các bạn trẻ bị thôi thúc bởi câu chuyện của cha chú, của những hiện vật vẫn còn sót lại trong gia đình.
Có thể nói, các bạn trẻ hiện tại đang sống trong điều kiện vật chất thuận lợi hơn rất nhiều. Song, chính các bạn lại đang cảm thấy có gì đó không ổn trong đời sống văn hóa, tinh thần. Nên họ quay trở lại thời bao cấp để tìm câu trả lời.
Tôi đã gặp nhiều bạn trẻ, những người gắng trải nghiệm thời bao cấp qua các cuộc triển lãm, các quán cà phê, nhà hàng bao cấp, các bạn đã nói với tôi: Dù trải nghiệm chưa thật đầy đủ song các bạn đã hiểu nguyên lý giản đơn rằng không phải cứ khó khăn vật chất thì đời sống tinh thần nghèo nàn.
Bởi, qua ký ức các kỷ vật của cha chú, các bạn thấy con người hồi đó không chỉ thúc thủ chấp nhận nghịch cảnh mà họ đã vượt lên trên những kham khó vật chất để nhận nhiệm vụ với quốc gia, dân tộc. Vì vậy, việc tìm về thời bao cấp như một cách để cân bằng với thực tại.
Chuyện người Hà Nội thiết tha níu giữ văn hóa bao cấp cũng là lời nhắc nhở tới các bảo tàng. Người dân luôn hướng tới cái mới, những vật dụng gia đình tưởng tầm thường sau bỗng chốc thành của hiếm. Đây không phải lỗi của người dân, vì việc lưu trữ là của bảo tàng. Cần nhìn nhận thẳng thắn, chúng ta không quan tâm tới công tác lưu trữ. Nó khiến chúng ta đánh mất quá khứ.
Qua các cuộc triển lãm lớn nhỏ vừa qua, rõ ràng, chúng ta vẫn chưa có đủ hiện vật cần thiết về giai đoạn lịch sử đặc biệt này. Ví như tuyến hàng rào điện tử McNamara những năm 1970 sử dụng rất nhiều dây điện. Sau này, người dân mang về làm đủ thứ. Nhiều người còn cuốn lại thành lò xo ghép lại thành mành mành rất đẹp. Nhưng trong bảo tàng không còn cái đó nữa. Các cuộc triển lãm lớn nhỏ đều không xuất hiện. Rất nhiều trường hợp biến mất đáng tiếc tương tự ở những hiện vật đời thường nhưng đầy thông điệp lịch sử.
Nhà nghiên cứu Hà Nội Nguyễn Ngọc Tiến: Thời bao cấp được quan tâm bởi tính thời điểm
Trong giai đoạn mọi thứ tạm gọi là lộn xộn này, những quán ăn, quán cà phê thời bao cấp cứu rỗi con người. Bởi, chúng lưu dấu những ngày đẹp đẽ, tử tế của tình người. Tất nhiên, trải nghiệm thời bao cấp trong những quán ăn, quán cà phê cũng chỉ là trải nghiệm một chiều. Tức là, khách hàng chỉ trải nghiệm phần đời sống tinh thần thanh sạch, ăm ắp tình người.
Còn những khốn khó vật chất đều bị mờ nhạt bằng những cách xử lý thông minh khiến công chúng trải nghiệm những món ăn, thức uống kiểu xưa nhưng ngon và giàu dinh dưỡng hơn nhiều.
Đơn cử như trường hợp trong triển lãm “Bao cấp - Xếp hàng về quá khứ” đang diễn ra tại Hà Nội. Một khán giả luống tuổi trách khéo BTC: Mậu dịch viên ngày xưa cau có, khó tính chứ không niềm nở, tươi cười như các “mậu dịch viên” do BTC sắp xếp.
Rõ ràng, thời bao cấp vẫn có những nét đẹp riêng, ám ảnh riêng song chúng ta đang có phần “lãng mạn hóa” thời kỳ này.
Nước ta trải qua nhiều giai đoạn lịch sử khó khăn, nhưng thời kỳ bao cấp luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt. Theo tôi, điều này một phần bởi tính thời điểm. Thời bao cấp không quá xa, đủ để những ký ức về nó chưa phai mờ. Vì thế, những câu chuyện, những ký ức được trao truyền qua các thế hệ. Và, thế hệ đã trải qua nó đang chiếm phần đông trong xã hội và họ cũng sẽ không quên những tháng ngày khó của đời mình.
Thêm nữa, do thời gian không quá xa, nên thời bao cấp còn nhiều hiện vật để minh chứng sự hiện diện. Đây cũng là nguyên nhân khách quan khiến thời kỳ này nhận được sự quan tâm hơn nhiều thời kỳ Pháp thuộc, hay những ngày kháng chiến chống Pháp...
Khánh Ly (Sinh viên Đại học Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội, Thành viên BTC triển lãm “Bao cấp - Xếp hàng về quá khứ”): Mở triển lãm để tìm “ngày xưa”
Ở nhà, ông bà, bố mẹ thường hay kể chuyện “ngày xưa”, chuyện tem phiếu, chuyện mất sổ gạo,... Nên chúng tôi cũng muốn biết “ngày xưa” của ông bà, bố mẹ như nào. Và chúng tôi cũng kỳ vọng, triển lãm cũng sẽ thu hút những bậc cha chú chúng tôi tới tham dự để góp thêm những câu chuyện, để triển lãm về thời bao cấp dày thêm những âm vang từ quá khứ.
Và, những ngày xa xưa đó đã trở về với nhiều câu chuyện thú vị ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi. Ngày khai mạc, một bạn nhìn sập báo cũ chúng tôi trưng bày rồi bật khóc. Chúng tôi hỏi tại sao bạn khóc, bạn bảo mùi sập báo cũ giống mùi sập báo cũ ngày xưa ông bạn đọc. Ông bạn mới mất nên sập báo cũ gợi nhớ ông bạn lúc sinh thời.
Hay chuyện một anh thanh niên 3 ngày triển lãm diễn ra cho đến giờ đều đến tham quan. Ngày đầu anh ấy ngồi khu báo, đọc báo; ngày hai anh ấy quanh quẩn trong phòng khách; ngày ba tập trung xem tranh cổ động. Hỏi ra mới biết, bạn ấy không phải là người Hà Nội nhưng rất yêu Hà Nội nên bạn ấy muốn trải nghiệm, cảm nhận và hình dung Hà Nội những ngày xưa cũ.
Những câu chuyện này có lẽ là những lời giải thích chân xác nhất lý do tại sao người trẻ Hà Nội vẫn “say” văn hóa bao cấp dù chưa một ngày đi qua.
Phạm Mỹ (ghi)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần