Bắc Ninh: Khai thác 'mỏ vàng' nguồn lực di sản để phát triển ngành Công nghiệp văn hóa
(Thethaovanhoa.vn) - Năm 2017, Bắc Ninh ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển các ngành Công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch này được xem như mở đường cho ngành Công nghiệp văn hóa của Bắc Ninh phát triển với mục tiêu đặt ra đến hết năm 2020, phấn đấu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh đóng góp khoảng 3% GDP, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động.
Tuy nhiên, vấn đề phát triển Công nghiệp văn hóa vẫn còn khá mới nên quá trình triển khai kế hoạch diễn ra khá chậm và đang chịu áp lực bởi nhiều khó khăn, thách thức... Như năm 2020 này, giống như các ngành kinh tế khác, ngành Công nghiệp văn hóa đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên toàn thế giới. Thành tựu, kết quả của lĩnh vực này khó có thể tổng hợp một cách rõ ràng bằng những “con số biết nói”...
Trước đây, trong suy nghĩ của nhiều người vẫn chỉ xem văn hóa là những gì thuộc về thượng tầng, mang ý nghĩa giá trị tinh thần, tâm hồn, không thể cân đong đo đếm được, không tạo ra của cải vật chất và không sinh lời. Cho nên việc đầu tư cho văn hóa thường quan niệm là điều gì đó xa xỉ do không nhìn thấy ngay hiệu quả. Trong xu thế hội nhập toàn cầu hóa, tư duy và những quan niệm cũ đang dần thay đổi.
Đặc biệt, Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” cũng xác định phát triển Công nghiệp văn hóa là một trong những mục tiêu trong giai đoạn mới nhằm “khai thác và phát huy những tiềm năng và giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam; khuyến khích xuất khẩu sản phẩm văn hóa, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới”. Đây là bước đổi mới đột phá trong tư duy.
Nhận thức tầm quan trọng của Công nghiệp văn hóa mang lại lợi ích lâu dài, bền vững cho sự phát triển quê hương, vừa tạo ra các sản phẩm tinh thần, vừa đóng góp vào GDP và tạo việc làm cho xã hội, thời gian gần đây, tỉnh Bắc Ninh đang từng bước quan tâm đến Công nghiệp văn hóa như: Đầu tư phục dựng các không gian văn hóa Quan họ để thu hút khách du lịch tham quan, thưởng thức, trải nghiệm di sản; ưu tiên phát triển du lịch văn hóa, gắn hoạt động du lịch với các di sản Dân ca Quan họ, Ca trù, các loại hình diễn xướng truyền thống, làng nghề thủ công tranh dân gian Đông Hồ, gỗ Đồng Kỵ, đồng Đại Bái cùng những di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu. Ngoài ra, tỉnh còn khuyến khích sáng tạo những sản phẩm văn hóa đại chúng, các mẫu mã sản phẩm thủ công mỹ nghệ, quà lưu niệm thể hiện được nét đẹp văn hóa đặc trưng của quê hương Bắc Ninh-Kinh Bắc.
Đáng chú ý, từ năm 2016 đến nay, Bắc Ninh tổ chức nhiều đoàn diễn viên, nghệ sĩ, nhạc công đi biểu diễn quảng bá Dân ca Quan họ ở hàng chục quốc gia trên thế giới như Hàn Quốc, Séc, Đức, Pháp, Ba Lan, Thụy Điển, Phần Lan, Đan Mạch… Hoạt động quảng bá về du lịch văn hóa, tâm linh cũng được chú trọng thông qua các tin bài, phim, phóng sự, clip, ấn phẩm… Ngành văn hóa của tỉnh cũng đang phối hợp tích cực với các đơn vị để sản xuất các bộ phim truyện, phim tài liệu, phim hoạt hình về các nhân vật lịch sử, danh nhân văn hóa Bắc Ninh...
Báo cáo đánh giá của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, từ năm 2014 đến nay, Bắc Ninh cấp phép và thẩm định nội dung khoảng 30 hồ sơ nhập khẩu văn hóa phẩm (không có hoạt động xuất khẩu ấn phẩm văn hóa), trong đó gồm văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh và văn hóa phẩm nhằm mục đích kinh doanh (tranh ảnh, đĩa mềm, đĩa CD, ổ cứng, phần mềm cài đặt trò chơi golf, máy gắp thú bông…) của các tổ chức, cá nhân được gửi từ Trung Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Hàn Quốc… về Việt Nam. Nhìn chung, hoạt động nhập khẩu văn hóa phẩm trên địa bàn tỉnh được đánh giá là thực hiện chặt chẽ, hiệu quả, đúng quy định.
Song, điều đáng nói là chúng ta đang nhập siêu lượng lớn sản phẩm văn hóa trong khi Bắc Ninh là địa phương sở hữu tiềm năng văn hóa dồi dào có thể xuất khẩu văn hóa. Đó là hệ thống di sản vật thể và phi vật thể phong phú và đặc sắc, giàu giá trị, biểu hiện qua hàng nghìn di tích lịch sử văn hóa, hàng trăm lễ hội, các loại hình diễn xướng nghệ thuật truyền thống, làng nghề thủ công... cùng đa dạng giá trị văn hóa đương đại với hệ thống thiết chế đang từng bước hoàn thiện như nhà hát, bảo tàng, thư viện, các trung tâm sinh hoạt văn hóa thể thao cộng đồng...
Giới chuyên gia nhận định, nếu biết cách khai thác, tập trung ưu tiên phát triển nguồn lực trên một cách bài bản, có lộ trình, kết hợp với ứng dụng công nghệ trong sản xuất các sản phẩm văn hóa và dịch vụ du lịch thì nguồn lực di sản của Bắc Ninh chính là cơ hội, là thế mạnh được ví như “mỏ vàng” để khai thác phát triển ngành Công nghiệp văn hóa. Muốn vậy, các giải pháp về cơ chế chính sách, nâng cao nhận thức, phát triển nguồn nhân lực, mở rộng giao lưu hợp tác, tăng cường truyền thông... tiếp tục được đặt ra, đòi hỏi có những hành động cụ thể, quyết liệt cùng sự chung tay của các cấp ủy, chính quyền với cộng đồng dân cư.
Ngọc Huy