Bắc Giang: Nâng cao chất lượng hoạt động của Đội tuyên truyền lưu động trong thời kỳ đổi mới
(Thethaovanhoa.vn) - Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đội Tuyên truyền lưu động (TTLĐ) thông qua công tác tuyên truyền trực quan, tuyên truyền miệng và các loại hình nghệ thuật có vai trò rất lớn trong việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với nhân dân.
Trong hoạt động của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì đội TTLĐ là tổ chức tuyên truyền cổ động tổng hợp có tính xung kích đi đầu, nhằm đưa thông tin, các vấn đề thời sự đến với quần chúng nhân dân, cổ vũ nhân dân trong các phong trào thi đua yêu nước. Đội Tuyên truyền lưu động thuộc Trung tâm văn hóa - Điện ảnh tỉnh hiện có 14 tuyên truyền viên, trong đó có Đội trưởng và 2 đội phó; hoạt động theo 3 phương thức đó là: Tuyên truyền trực quan, tuyên truyền miệng và tuyên truyền nghệ thuật tổng hợp.
Trong những năm qua, Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh luôn quan tâm đầu tư, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động; ưu tiên nguồn kinh phí để trang bị cho đội phục vụ biểu diễn lưu động như: Hệ thống đèn chiếu sáng; sân khấu; âm thanh, trang phục, đạo cụ, đảm bảo phục vụ tuyên truyền lưu động tại các thôn, bản của các xã vùng sâu, vùng xa. Nội dung chương trình phong phú, chất lượng, được dàn dựng công phu, phục trang luôn đổi mới, đạo cụ, cảnh trí trực quan sinh động, hấp dẫn người xem.
Thời gian qua, nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của Đội TTLĐ, Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh đã chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa - Thông tin, Thể thao các huyện, thành phố tổ chức các hoạt động tuyên truyền về phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá", xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; tuyên truyền về Luật Phòng, chống Bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật An toàn giao thông, Luật Hôn nhân và gia đình, tuyên truyền về đẩy mạnh "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"…
Đặc biệt, từ đầu năm 2020 đến nay, Đội TTLĐ tỉnh tập trung tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid – 19, kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, địa phương và chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng...
Hoạt động của Đội TTLĐ tỉnh trong những năm qua đã góp phần thúc đẩy sự phát triển phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng, xây dựng đời sống văn hóa tinh thần ngày càng phong phú, đa dạng, lành mạnh ở cơ sở; cổ vũ, vận động nhân dân chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng thuận trong xã hội, để động viên nhân dân hăng hái thi đua thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH của địa phương. Bên cạnh đó, Đội thường xuyên phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh vận động xã hội hóa trong nhân dân trong việc đóng góp xây dựng nông thôn mới và văn minh đô thị vì đây chính là hướng đi phù hợp hiện nay. Đồng thời, Đội TTLĐ thường xuyên đổi mới về nội dung, đa dạng hóa hình thức biểu diễn tuyên truyền, nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hóa ngày càng cao của các tầng lớp nhân dân. Hàng năm, Đội tổ chức tuyên truyền, biểu diễn được trên 100 buổi, thu hút trên 20.000 lượt người xem.
Tuy nhiên, Đội vẫn còn tồn tại một số hạn chế như chưa có người viết được kịch bản tuyên truyền, chưa có tính đột phá trong dàn dựng chương trình, độ tuổi trung bình của tuyên truyền viên cao nên ảnh hưởng không nhỏ đến việc dàn dựng các chương trình mới, phương tiện đi lại của đội gặp khó khăn, hiện chỉ có 1 xe ô tô 16 chỗ vừa để tăng âm loa máy, phục trang, đạo cụ, vừa chở diễn viên.
Để nâng cao chất lượng hoạt động của Đội TTLĐ tỉnh, Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh cần chủ động liên kết với các Trường Đại học, Cao đẳng văn hóa nghệ thuật có kinh nghiệm đào tạo, để chọn lựa những cán bộ, nghệ sỹ, nghệ nhân giỏi có trình độ chuyên môn cao xây dựng Kế hoạch tập huấn bồi dưỡng ngắn hạn, dài hạn cho các đối tượng quản lý, viết kịch bản, dàn dựng cho diễn viên, tuyên truyền viên của các địa phương, nhằm thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, để phù hợp với các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật nhà nước và tình hình thực tiễn địa phương.
Chương trình tuyên truyền cổ động đảm bảo 3 nội dung đó là tuyên truyền trực quan, tuyên truyền miệng và tuyên truyền nghệ thuật. Hình thức đa dạng, phong phú và sử dụng nhiều loại hình tuyên truyền để tránh gây nhàm chán cho công chúng. Bên cạnh đó, để không bị động về lực lượng diễn viên, hàng năm Trung tâm sẽ tổ chức bồi dưỡng năng khiếu cho hạt nhân phong trào ở các địa phương. Xã hội hóa các hoạt động văn hóa, động viên nhân dân sáng tạo văn hoá, không ngừng nâng cao mức hưởng thụ văn hóa và xây dựng đời sống văn hóa phong phú, lành mạnh ở cơ sở là nhiệm vụ quan trọng của ngành văn hóa trong thời kỳ mới.
Phạm Nguyễn