Ảnh = Ký ức = Lịch sử (Kỳ 41): Có đám tang như 'một sự thức tỉnh trong toàn quốc'
Ngày 24/3/1926, nhà chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh đột ngột qua đời tại Sài Gòn. Cái chết của nhà yêu nước lớn, vào giữa lúc cách mạng Việt Nam đang có những chuyển biến lớn lao và khí thế quần chúng đang khao khát đấu tranh, đã gây nên mối xúc động to lớn trong công chúng, không chỉ ở Sài Gòn, mà trên cả nước.
Xem chuyên đề "Ảnh = Ký ức = Lịch sử" TẠI ĐÂY
Sự ngưỡng mộ và thương tiếc con người đã xả thân vì nghĩa lớn đã dẫn đến một phong trào quần chúng rầm rộ trên toàn quốc, đó là cùng tổ chức đám tang và lễ truy điệu Phan Châu Trinh.
Một hội đồng trị sự lo tang lễ được thành lập; nơi đặt linh cữu tại 54 đường Pellerin và nơi chôn cất là Nghĩa địa Gò Công, làng Tân Sơn Nhất, tỉnh Gia Định (nay là TP.HCM).
Ngày 4/4/1926, tại Sài Gòn, đám tang được tổ chức với rất đông người tham dự, do các nhóm chính trị như Đảng Thanh niên, Đảng Lập hiến… điều hành. Có 4 bài điếu văn của Hội Tương tế Gò Công, của Bùi Quang Chiêu, của Huỳnh Thúc Kháng và của đại diện Công nhân Ba Son… được đọc trước khi hạ huyệt nhà yêu nước mà dân chúng ngưỡng vọng.
Các lễ truy điệu Phan Châu Trinh cũng được tổ chức trọng thể tại nhiều địa phương trên toàn quốc. Số liệu báo chí đưa ra là có 14.000 người đi đưa tang; còn báo cáo của Nguyễn Ái Quốc cho biết “có tới 30.000 người ở xứ Nam kỳ đã làm lễ an táng theo quốc lễ và khắp nước tổ chức truy điệu nhà chí sĩ. Chỉ trong vài ba ngày, một cuộc lạc quyên đã thu được hơn 100.000 đồng. Tất cả học sinh, sinh viên đều để tang cụ”.
Trong bối cảnh liên tiếp nhiều sự kiện đang diễn ra tại Sài Gòn, đám tang Phan Châu Trinh đã khích lệ tinh thần yêu nước của quần chúng, đặc biệt là các tầng lớp thanh niên, trí thức hướng tới những tổ chức cách mạng mới đang hình thành. Nguyễn Ái Quốc đã đánh giá sự kiện này như “một sự thức tỉnh trong toàn quốc”.
Trong lời Đạt của Hội đồng lo tổ chức tang lễ Phan Châu Trinh gửi đồng bào cả nước, có đoạn viết: “Thưởng công phạt tội là quyền của quốc dân ta, lại có cái nghĩa vụ phải thi hành quyền ấy. Những kẻ bán nước cầu vinh thì chúng ta đã phạt bằng bút, bằng lưỡi, đối với kẻ có tội đã như vậy, đối với người có công ta há chẳng nên biểu dương và sùng bái hay sao. Cụ Phan Châu Trinh mà không được hưởng cái lễ long trọng này thì những người như cụ sống đây ai còn thiết gì đến chúng ta nữa. Một dân tộc nào mà không biết tôn kính người ái quốc là dân tộc ấy không có lòng ái quốc… Chánh phủ chẳng hề ra lịnh cấm dân ta ái quốc, miễn là chúng ta hành động có trật tự”.
- Ảnh = Ký ức = Lịch sử (Kỳ 40): Đồ Sơn trăm năm trước
- Ảnh = Ký ức = Lịch sử (Kỳ 39): Sức sống bền bỉ của chiếc áo tơi
- Ảnh = Ký ức = Lịch sử (Kỳ 38): Cái nón quai thao
Những hình ảnh ghi lại sự kiện này đã được báo chí và đặc biệt là nhà ảnh Khánh Ký chụp và phát hành tựa như bưu ảnh. Sau này cũng Khánh Ký còn phát hành bưu ảnh chân dung ba nhà cách mạng họ Phan là những gương mặt tiêu biểu nhất của phong trào ái quốc đương thời, gồm Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu và Phan Văn Trường.
Số ảnh công bố tại đây do TS Ngô Văn Minh (Đà Nẵng) cung cấp. Cũng cần nói thêm rằng, trước đó 1 năm (1925), đám tang Khải Định - một vị hoàng đế thân Pháp - cũng được tổ chức tại Huế, theo lễ nghi của triều chính, nhưng nguội lạnh trong lòng dân chúng. Một năm sau đó (1927) tại Hà Nội là đám tang cụ cử Lương Văn Can, dường như lập lại những gì đã diễn ra đối với nhà yêu nước Phan Châu Trinh, đông đảo dân chúng tiếc thương vô hạn... Các đám tang trong lịch sử tựa như những phán xét đầu tiên về người vừa chết.
QXN