Ảnh = Ký ức = Lịch sử (Kỳ 22): Việc một người Việt Nam được nước Pháp vinh danh
(Thethaovanhoa.vn) - Vào thời điểm này, từ cuối tháng 12/2021 kéo qua tháng 2/2022, Bảo tàng Con Người (Musée de l'Homme) ở trung tâm Thủ đô Paris, có một cuộc triển lãm vinh danh 58 gương mặt nhân vật được nước Pháp tôn vinh, nhưng đều không phải là dân Pháp gốc.
Xem toàn bộ chuyên đề Ảnh = Ký ức = Lịch sử TẠI ĐÂY
Họ là những người nước ngoài đến nước Pháp sống, làm việc và có công huân với nước Pháp. 58 gương mặt ấy gồm một nửa (29) là nữ và một nửa là nam, nhưng chỉ có duy nhất một người là gốc châu Á. Đó là Đỗ Hữu Vị, gốc Việt Nam làm nên sự nghiệp trong lực lượng không quân của nước Pháp.
Đỗ Hữu Vị là con trai của Đốc phủ Đỗ Hữu Phương, sinh năm 1884 tại Chợ Lớn, lên 8 tuổi qua Pháp du học, khi đã thành niên nhập học Trường Võ bị Saint-Cyr nổi tiếng. Tốt nghiệp, ông đầu quân vào lực lượngLê dương (Légion Etrangère) đóng quân tại Algeria rồi qua Maroc.
Gặp lúc nghề lái máy bay đang thu hút giới trẻ, Đỗ Hữu Vị xin theo học và trở thành phi công tham gia nhiều công việc phục vụ quân đội thuộc địa rồi trở về Pháp chuyên lái máy bay và từng tham gia vào đội bay vòng quanh nước Pháp.
Toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut từng gọi ông về Việt Nam dùng máy bay tham gia việc khảo sát ngọn nguồn các dòng sông ở Nam Kỳ và Campuchia rồi có một thời gian ngắn làm quan võ hầu của Toàn quyền Van Vollenhoven (người sau đó cũng tử trận trong Đại chiến).
Thế chiến 1 bùng nổ ở châu Âu (1914), Đỗ Hữu Vị lại qua Pháp tham gia lực lượng không quân và lập công trong những trận oanh kích quân Đức, được tặng thưởng Bắc đẩu bội tinh. Khi đang thực thi nhiệm vụ lái thí nghiệm loại máy bay mới (loại Gaudron trang bị súng máy), Đỗ Hữu Vị gặp tại nạn bị thương nặng. Sau khi điều trị, ông không đủ khả năng bay, nhưng không giải ngũ mà tiếp tục tham gia lực lượng bộ binh và trong trận đánh quân Đức tại làng Pompierre, Đỗ Hữu Vị bị trúng đạn tử thương ngày 9/7/1916, khi đó mang quân hàm quan ba (đại úy).
Năm 1920, phần mộ của Đỗ Hữu Vị được đưa về nước và lễ an táng được tổ chức trọng thể với sự có mặt của Thống đốc Nam kỳ Le Gallen (12/5/1920). Có 3 thành phố của Việt Nam thời Pháp thuộc, tên Đỗ Hữu vị được đặt làm tên phố: Ở Sài Gòn (nay là đường Huỳnh Thúc Kháng); ở Đà Nẵng (nay là đường Hoàng Diệu) và Hà Nội (nay là Phố Cửa Bắc). Tại Paris, quận 16 cũng có tên đường mang tên Đỗ Hữu Vị.
Đương nhiên ở Việt Nam, Đỗ Hữu Vị xuất thân trong một gia đình lớp trên lại cộng tác với Pháp (thân sinh là Đốc phủ Đỗ Hữu Phương nổi tiếng giàu có kim tiền và thế lực và đã vào "làng Tây") phục vụ chủ yếu cho nước Pháp trong chiến tranh ở châu Âu nên khó có vị trí trong sự tôn vinh. Tuy nhiên, việc một người Việt Nam ở đầu thế kỷ trước mà đã dấn thân vào một lĩnh vực mới mẻ, tiên tiến như làm phi công quân sự, lại đứng trong đội ngũ không quân của Đồng minh chống Đức…cũng là điều đáng nể.
Người ta còn nhớ câu Đỗ Hữu Vị trả lời Toàn quyền A.Sarraut khi muốn giữ viên phi công ở lại Đông Dương rằng ông có nghĩa vụ với cả 2 Tổ quốc…Sẽ có những người Việt Nam đón nhận tin này trong sự phân vân.
Trở lại với cuộc Trưng bày ở nước Pháp, 58 nhân vật này nằm trong số 318 nhân vật được các nhà khoa học có uy tín lựa chọn theo yêu cầu đích thân của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Vào thời đại này, tôn vinh một nhân vật có công huân với nước Pháp cách nay đã trăm năm như Đỗ Hữu Vị, phi công trong Thế chiến I, cũng như tôn vinh Đại danh họa Pablo Picasso người sinh ra và khởi nghiệp hội họa tại Tây Ban Nha nhưng thành danh tại nước Pháp hay nữ nghệ sĩ da màu Joséphine Baker, gốc Mỹ, nhưng thành danh như một ca sĩ và tham gia vào cuộc kháng chiến chống phát xít trên đất Pháp…
- Ảnh = Ký ức = Lịch sử (Kỳ 21): Vụ án Thầy Thông Chánh và chiếc máy chém
- Ảnh = Ký ức = Lịch sử (Kỳ 20): 'Kho vàng Sầm Sơn'
- Ảnh = Ký ức = Lịch sử (Kỳ 19): Cái xe rùa
Với việc tôn vinh tổng cộng 318 người gốc hải ngoại, nước Pháp hiện đại muốn xác tín đóng góp của cộng đồng những người không có gốc gác từ nước Pháp mà từ nhiều quốc gia khác, kể cả các thuộc địa cũ của nước Pháp như Đỗ Hữu Vị, cho thấy một cách nhìn rất thực tiễn về quan niệm quốc gia hay dân tộc, giữa lúc vấn đề nguồn nhân lực làm giàu và thúc đẩy sự tiến bộ của nước Pháp không chỉ bằng dòng máu Gaulois truyền thống mà bằng chính sức hút của nền văn minh mà nước Pháp có được trong trường kỳ lịch sử đối với các cư dân gốc ngoài nước Pháp. Họ đến nước Pháp từ nhiều thời kỳ lịch sử, nhiều lý do, gặp không ít những trở ngại kể cả nạn phân biệt đối xử, nhưng chính sự phấn đấu của họ đã gắn bó và trở thành một phần của nước Pháp.
Thông điệp của cuộc trưng bày này phản ánh thời đại ta đang sống, nhu cầu phát triển, sự tôn trọng quyền con người, những thành tựu khoa học công nghệ… thử thách của xung đột, chiến tranh và cả đại dịch đang diễn ra cũng làm cho con người xích lại gần nhau hơn không phải về khoảng cách vật lý mà về tư tưởng, biên giới quốc gia ngày càng ít ý nghĩa… Chỉ còn chủ nghĩa quốc gia thì vẫn còn là một chấm hỏi (?)…
(Còn tiếp)
QXN