68 năm ngày Giải phóng Thủ đô: Triển lãm 'Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thủ đô Hà Nội'
Ngày 8/10, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp cùng Ban Quản lý Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, tổ chức triển lãm Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thủ đô Hà Nội, tại Nhà Trưng bày triển lãm, số 93 phố Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội.
Đây là hoạt động chào mừng kỷ niệm 35 năm Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) thông qua Nghị quyết tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất (1987 - 2022) và kỷ niệm 68 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2022).
Với hơn 150 ảnh, tài liệu, bản trích và hàng chục hiện vật, đầu sách quý liên quan tới Chủ tịch Hồ Chí Minh, triển lãm Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thủ đô Hà Nội gồm 2 nội dung chính Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ đô Hà Nội; Di tích lưu niệm và tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Việt Nam và trên thế giới.
Ở nội dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ đô Hà Nội là những câu chuyện, hình ảnh, bài viết, bài nói chuyện, kỷ niệm, tình cảm sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Hà Nội. Tại triển lãm, lần đầu tiên công chúng được hiểu thêm những câu chuyện về ký ức, kỷ niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thủ đô Hà Nội và những tình cảm trân trọng, lòng biết ơn, ghi nhớ công lao to lớn của nhân dân Thủ đô đối với Người. Hà Nội là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc, được Người dành nhiều sự quan tâm tới các tầng lớp nhân dân. Điều đó thể hiện qua những hình ảnh buổi gặp mặt, thăm hỏi, qua các bài nói chuyện, bài viết, bức thư của Người gửi tới nhân dân Thủ đô. Kể từ khi giữ cương vị Chủ tịch nước, Người đã có 73 bài viết riêng về Thủ đô và nhân dân Hà Nội.
Hà Nội cũng là địa điểm ghi dấu những cột mốc quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Triển lãm cũng trưng bày các hình ảnh, hiện vật, tài liệu liên quan đến căn nhà số 48 phố Hàng Ngang, nơi Người đã soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Cùng với đó là hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đọc Tuyên ngôn Độc lập trước quốc dân đồng bào tại Quảng trường Ba Đình; hình ảnh ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Dương ở phường Vạn Phúc, quận Hà Đông quận Hà Đông, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến...
Phần nội dung trưng bày Di tích lưu niệm và tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Việt Nam và trên thế giới, đã khẳng định công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với dân tộc; thể hiện lòng thành kính, tưởng nhớ, tri ân sâu sắc của nhân dân Việt Nam và tình cảm yêu mến, kính trọng của nhân dân thế giới với Người.
Tại Việt Nam, hiện có khoảng 700 di tích, 30 tượng đài, quảng trường và hơn 100 công trình tưởng niệm Bác Hồ. Trong đó có thể đến Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch; Khu di tích K9 Đá Chông; Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quảng trường Ba Đình; Di tích Quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nghệ An; Nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở thành phố Huế; Trường Quốc học Huế...
Với nhân dân thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người bạn thân thiết, mẫu mực, thủy chung; là biểu tượng của khát vọng hòa bình, đấu tranh chống áp bức; cầu nối của tình đoàn kết, hữu nghị. Cũng vì thế, tại 22 quốc gia như: Nga, Pháp, Cu Ba, Ấn Độ, Trung Quốc, Lào, Thái Lan… đã có 35 công trình tưởng niệm, di tích lưu niệm, trường học, con đường, công viên, bảo tàng, tượng đài… mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
Mỗi tư liệu, hiện vật, hình ảnh được giới thiệu tại triển lãm Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thủ đô Hà Nội sẽ giúp khách tham quan hiểu hơn về những tình cảm trân quý mà Bác Hồ dành cho Hà Nội. Triển lãm diễn ra đến ngày 13/10/2022.
Cũng trong chuỗi các hoạt động chào mừng 68 năm ngày Giải phóng Thủ đô, ngày 8/10, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bia đá kể chuyện” với chủ đề “Hiền tài là nguyên khí Quốc gia”.
Trưng bày bao gồm các nội dung: Chiêu mộ hiền tài (giới thiệu một số nét chính về khoa cử của nước ta giai đoạn 1442 -1529); Con đường khoa cử (giới thiệu thông tin về thi cử và chế độ đãi ngộ dành cho những người đỗ đạt); Gương sáng tiền nhân (giới thiệu một số danh nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp cho giáo dục nước nhà và một số lĩnh vực khác); "Lưu danh muôn thuở" (giới thiệu một những câu trích dẫn nổi tiếng về giá trị của đào tạo và sử dụng nhân tài).
Hiền tài là nguyên khí Quốc gia là chương đầu tiên trong câu chuyện dài mà 82 bia tiến sĩ Văn Miếu Thăng Long sẽ mang đến trong thời gian tới. Trưng bày lựa chọn giới thiệu 14 bia tiến sĩ đầu tiên có liên quan đến các khoa thi trong giai đoạn 1442 - 1529, tương ứng với những khoa thi được tổ chức dưới triều Lê Sơ và kết thúc bằng khoa thi đầu tiên của nhà Mạc. Những bia tiến sĩ còn lại sẽ tiếp tục được giới thiệu đến khách tham quan trong các cuộc trưng bày sau này. Đó sẽ là những chương tiếp theo của câu chuyện thú vị về 82 bia tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh khẳng định: Những giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật của 82 bia tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám cùng với hàng ngàn câu chuyện thú vị về cuộc đời, sự nghiệp của hơn 1.300 vị tiến sĩ tiếp tục cần được giải mã và giới thiệu rộng rãi đến công chúng, khách tham quan di tích.
- Hoạt động văn hóa kỷ niệm 68 năm Ngày Giải phóng Thủ đô
- Kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô: Hào hùng âm hưởng ngày chiến thắng
- Kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô: Ký ức tháng 10 lịch sử
Bà Trần Thị Vân Anh mong muốn Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tiếp tục nghiên cứu tổ chức các cuộc triển lãm về bia tiến sĩ, để những tấm bia tiếp tục kể các câu chuyện hấp dẫn, thú vị, giúp cho công chúng, tiếp cận những giá trị của bia tiến sĩ, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng, đặc biệt là của thế hệ trẻ trong việc giữ gìn và phát huy giá trị của di sản văn hóa.
Ngay từ những ngày đầu xây dựng nền quân chủ độc lập, các triều đại phong kiến Việt Nam đã chú trọng tới việc tuyển chọn và trọng dụng nhân tài. Kể từ khoa thi năm 1442, các nhà khoa bảng đỗ đại khoa được khắc ghi trên bia Đề danh tiến sĩ đặt tại Văn Miếu ở Kinh đô để lưu truyền danh thơm đến muôn đời sau.
Những giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật của 82 bia tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám không chỉ được thể hiện đơn thuần qua những hàng chữ Nho hay hoa văn trang trí trên mặt bia. Ẩn sau lớp mặt đá khô cứng đó là hàng ngàn câu chuyện thú vị về cuộc đời và sự nghiệp của hơn 1.300 vị tiến sĩ đang chờ đợi mọi người khám phá.
Trưng bày Bia đá kể chuyện sẽ diễn ra đến ngày 8/11/2022.
Đinh Thuận