350 năm ngày mất danh họa Rembrandt: 'Cha đẻ' của trào lưu 'selfie'?
(Thethaovanhoa.vn) - Đã 350 năm trôi qua kể từ khi danh họa Hà Lan Rembrandt van Rijn qua đời ở tuổi 63 trong cảnh không một xu dính túi (ngày 4/10/1669). Vậy nhưng, những khán giả của thế kỷỉ 21 vẫn nói mãi về ông, người “nghệ sĩ của các nghệ sĩ” trong thế kỷ 17.
Và rất thú vị, khi trào lưu chụp ảnh “tự sướng” (selfie) đang bùng nổ, nhiều người vẫn cho rằng Rembrandt (1606 - 1669) chính là người khởi nguồn cho điều này, với gần 100 chân dung tự họa trong cuộc đời mình.
Bậc thầy của những chân dung tự họa
Chỉ khác, khán giả bây giờ thường luôn trưng ra những bức ảnh “tự sướng” đẹp nhất và “ảo” nhất. Còn Rembrandt làm điều ngược lại. Những bức chân dung chân thật của ông trở thành hình mẫu của lòng can đảm và cho thấy ông gắn kết với cuộc sống thật thế nào.
Nhìn vào những bức chân dung tự họa của Rembrandt trong những năm 1600, bạn sẽ thấy một người đàn ông được mô tả đúng với tuổi của mình. Trong bức chân dung Self Portrait As A Young Man là chàng trai trẻ có đôi mắt ngây thơ, mái tóc “ngố” và vẻ tự tin. Bức chân dung này được Rembrandt vẽ năm ông 23 tuổi. Dù sử dụng “chiaroscuro” (sự phối hợp màu sáng tối) để che giấu đôi mắt của mình, song trên gương mặt ông vẫn lộ rõ những đường nét trung thực.
40 năm sau, Rembrandt trở thành người đàn ông tóc hoa râm, đôi mắt lộ vẻ mệt mỏi trong bức chân dung tự họa Self Portrait With Two Circles. Trên mặt ông đã có những nếp nhăn. Ông vẫn sử dụng thuật “chiaroscuro” nhưng không hề có thuật “lọc” để che đi những nét già nua của mình.
Động lực sáng tác nghệ thuật của Rembrandt không phải không có những lý do vật chất. Ông có động lực tài chính mạnh mẽ để bán chân dung của mình, đặc biệt là trong nửa cuối cuộc đời. Rembrandt đã kết hôn với con gái của một gia đình giàu có nhưng ông đã sống khá hoang phí khi dồn tiền mua các tác phẩm nghệ thuật (gồm cả việc mua đấu giá tác phẩm của chính ông), các bản in (thường dùng cho các bức tranh của họa sĩ) và nhiều vật quý hiếm khác... Sau khi vợ qua đời, danh tiếng của ông trong giới thượng lưu Amsterdam đã giảm mạnh.
Nhưng xa hơn thế, các bức chân dung tự họa của Rembrandt cũng mang lại cho ông một số cảm hứng sáng tạo. Danh họa đã sử dụng chúng như các phác thảo cho những tác phẩm lớn hơn.
Chẳng hạn như qua bức tranh The Return Of The Prodigal Son (1668) của Rembrandt, ta thấy cậu con trai bướng bỉnh gục trên đầu gối, mặt vùi vào áo choàng của cha. Cậu vừa trở về sau khi phung phí gia tài ở một vùng đất xa xôi. Nhận ra tội lỗi của mình và đói khát cả thức ăn lẫn tình yêu, cậu trở về nhà với cha mình, người đã âu yếm chờ đợi cậu kể từ khi rời đi.
Nỗi đau buồn và xấu hổ của cậu con trai là những cảm xúc dễ nhận biết hơn, dễ nắm bắt hơn so với sự pha trộn của cảm giác nhẹ nhõm, niềm vui và tình yêu trên gương mặt của người cha. Nhưng Rembrandt, ở đỉnh cao của năng lực nghệ thuật của mình, đã cho chúng ta thấy được cảm xúc của người cha qua nét cọ kỳ tài. Đối với người đương đại, đây là món quà tuyệt vời mà ông để lại.
Trong cuộc đời sáng tác, Rembrandt đã có rất nhiều tác phẩm xuất sắc trước khi qua đời ở tuổi 63. Ông là thầy dạy cho gần như tất cả các họa sĩ Hà Lan hàng đầu thế kỷ 17 - giai đoạn mà các nhà sử học gọi là “Thời kỳ hoàng kim của Hà Lan” (Dutch Golden Age) bởi những thành tựu phi thường về văn hóa, quân sự và khoa học.
Các sáng tác của Rembrandt thay đổi qua nhiều năm, tạo nên một khối tác phẩm đồ sộ, bao gồm hàng chục bức chân dung tự họa và nhiều chân dung của những người có ảnh hưởng ở Amsterdam. Ông thường sử dụng kỹ thuật một cách tài tình đến mức nhà điêu khắc nổi tiếng Auguste Rodin nói rằng bản thân các nghệ sĩ điêu khắc cũng phải phủ phục trước các kiệt tác của bậc thầy Hà Lan này. Còn như lời nhà sử học nghệ thuật Simon Schama trên Art Newspaper: “Rembrandt là nghệ sĩ cơ bản của các nghệ sĩ”.
“Làm mới” theo kiểu Facebook
Năm nay, hầu hết các bảo tàng ở khắp Hà Lan đều tôn vinh di sản của Rembrandt nhân kỷ niệm 350 năm ngày danh họa qua đời. Và nhiều nơi, như bảo tàng Rembrandt tại Amsterdam, đang tìm cách tiếp cận mới để tác phẩm của danh họa này có thể gần hơn với khán giả đương đại.
Cụ thể, bảo tàng đã khởi động năm chủ đề “Rembrandt and the Golden Age 2019” (Rembrandt và Thời đại hoàng kim 2019) bằng cách nghiên cứu hàng loạt... bạn bè và gia đình của ông để lập ra dự án mang tên “Mạng xã hội của Rembrandt”. Thực tế, những người bạn và thành viên gia đình, từ con trai Titus, đến người vợ là Saskia (sau đó là Hendrickje Stoffels) thường xuất hiện trên nhiều bức tranh của danh họa. Những bức chân dung này đã được tập hợp cho triển lãm, qua đó giúp người xem hiểu về tiểu sử của Rembrandt, khi chúng được chia thành nhiều loại theo cách phân chia của mạng Facebook bây giờ.
“Ngày nay, Facebook yêu cầu bạn phân loại các mối quan hệ của mình: “gia đình”, “bạn tốt” hoặc có thể chỉ đơn giản là “một người quen”. Bất cứ ai ở thế kỷ 17 cũng có thể trả lời câu hỏi này một cách dễ dàng, ngay cả khi họ có các loại tình bạn khác nhau”- đó là phần giới thiệu chương trình của Bảo tàng Rembrandt.
Những bức chân dung được trưng bày có nghệ sĩ đồng nghiệp Jan Lievens - người đã có chung một xưởng vẽ với Rembrandt trong thời kỳ khởi đầu. Hoặc, có người bán thuốc giàu có Abraham Francen, người mẫu và cũng là mạnh thường quân khi Rembrandt phá sản cuối đời. Thực tế, dù rất nổi tiếng, Rembrandt đã dựa rất nhiều vào mạng lưới bạn bè và gia đình thân thiết để hỗ trợ mình trong quá trình sáng tác.
Năm 2004, trong Danh sách những người Hà Lan vĩ đại nhất trong lịch sử (De Grootste Nederlander) do đài KRO tổ chức, Rembrandt là nghệ sĩ có vị trí cao nhất trong danh sách (thứ 9). |
Việt Lâm (tổng hợp)