3 nhạc kịch sử thi đầu tiên của Việt Nam (kỳ 1): Sức sống của 'Cô Sao' - vở nhạc kịch Việt Nam đầu tiên
(Thethaovanhoa.vn) - (LTS) Loại hình nhạc kịch (opera) là loại hình nghệ thuật tổng hợp, bao gồm âm nhạc, múa, nghệ thuật biểu diễn, phục trang, thiết kế sân khấu, ánh sáng… Cùng với giao hưởng, nó được xem là tác phẩm đỉnh cao của các nhà soạn nhạc và là thước đo cho sự phát triển âm nhạc kinh viện của một quốc gia.
Cùng với sự ra đời của Nhà hát Giao hưởng - Hợp xướng - Nhạc Vũ Kịch (1959), thập niên 1960 đã đánh dấu sự hình thành của nền nhạc kịch Việt Nam. Nhân kỷ niệm 60 thành lập Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam vào ngày 6/10 tới đây, TT&VH giới thiệu đến độc giả chùm bài viết của nhạc sĩ - nhà báo Nguyễn Thụy Kha về 3 nhạc kịch sử thi đầu tiên của Việt Nam: Cô Sao, Người tạc tượng và Bên bờ K’rông Pa.
1. Ngay từ khi cùng đại quân tiến lên Tây Bắc chuẩn bị cho trận quyết đấu lịch sử tại Điện Biên Phủ, câu chuyện về cô Sao - một phụ nữ dân tộc Thái, đã được Đỗ Nhuận ấp ủ từ lâu, với chủ đề “Cách mạng giải phóng con người”. Nhờ có những ngày tù ngục ở Sơn La, Đỗ Nhuận đã tạo dựng lên một cốt truyện đầy bi tráng ở vở nhạc kịch này.
Trong Cô Sao, Sao là một thiếu nữ trong trắng, yêu đời nhưng bị xã hội thực dân phong kiến ruồng bỏ và làm ô nhục. Không lôi kéo được cô, bọn thống trị phao tin cô là ma, bắt phải sống trong rừng, xa bản mường. Ở khu rừng gần nhà tù Sơn La, Sao đã gặp Hà - một chiến sĩ cộng sản bị tù - và chị Vân - một cán bộ hoạt động bí mật. Đảng đã đem lại ánh sáng cho đời Sao. Cô chạy ra vùng giải phóng. Cách mạng Tháng Tám thành công, Sao gặp lại Hà bên cây đào Tô Hiệu thắm hoa. Đấy cũng là thời điểm Pháp gây hấn ở Nam bộ. Họ gặp nhau rồi chia tay nhau bịn rịn, nhưng là để cùng bước chung trên con đường lý tưởng của cách mạng.
Khi học viết nhạc kịch ở Liên Xô, Đỗ Nhuận đã bắt đầu thực hiện vở nhạc kịch này bằng tư tưởng toát lên từ câu thơ của Bác “Trên đời ngàn vạn điều cay đắng/ Cay đắng chi bằng mất tự do”. Đến khi về nước, ông gấp rút hoàn thành vở nhạc kịch. Và thế là vở nhạc kịch Việt Nam đầu tiên ra đời.
Suốt mấy tháng ròng, Đỗ Nhuận say sưa làm việc với các cộng sự. Từ chỉ đạo nghệ thuật Phạm Ngọc Lê đến đạo diễn Võ Bài. Từ nhạc sĩ dựng dàn nhạc Trần Quý đến nhạc sĩ dựng hợp xướng Đỗ Dũng và biên đạo múa Thái Ly. Đặc biệt, vở diễn là kỷ niệm đẹp giữa ông và Thái Ly - một kỷ niệm nghệ thuật cuối cùng trên đất Bắc. Sau khi Cô Sao công diễn 9/9/1965, vài tháng sau, Thái Ly vượt Trường Sơn vào chiến trường miền Nam.
2. Về thể loại nhạc kịch, từ đầu thập kỷ 1960, công chúng đã có dịp làm quen qua các vở Eugene Onegin của nhà soạn nhạc Nga Tchaikovsky soạn theo truyện thơ của Puskin và Núi rừng hãy lên tiếng của Triều Tiên do các chuyên gia bạn dàn dựng. Nhạc kịch Cô Sao là vở nhạc kịch Việt Nam đầu tiên do ta tự dàn dựng với thiết kế mỹ thuật của họa sĩ Bùi Huy Hiếu lại được công diễn vào lúc cả nước đang sôi sục “chống Mỹ cứu nước” với nhịp độ thời chiến đã khiến cho nó cực kỳ có ý nghĩa.
Với việc công diễn nhạc kịch Cô Sao và diễn tiếp theo mấy chục đêm, công chúng được thưởng thức tài năng của các diễn viên nổi tiếng như các nghệ sĩ nữ: Ngọc Dậu, Tâm Trừng, Thanh Thúy, Viễn Lữ… các nghệ sĩ nam như: Quang Hưng, Hoàng Ban, Lê Gia Hội, Huy Dơn… và đông đảo nam nữ diễn viên hợp xướng, giao hưởng và múa.
Sau khi công diễn vở nhạc kịch thứ hai của Đỗ Nhuận Người tạc tượng ở miền Bắc (9/1971) và ở Sài Gòn sau ngày giải phóng, tháng 4/1976, nhạc kịch Cô Sao lại được công diễn trở lại ở Nhà Hát Lớn Hà Nội nhiều đêm với các nghệ sĩ gạo cội đã tham gia công diễn Cô Sao từ 9/1965. Chỉ có khác khi công diễn lần đầu là đạo diễn Võ Bài. Còn khi tái công diễn thì là đạo diễn Văn Hà. Lần này, Văn Hà không bê nguyên xi cuộc sống lên sân khấu nữa. Theo ông, cách làm trước vừa tốn công của mà nói lên được ít. Cách làm đương đại sẽ giúp cho cả người diễn lẫn người xem dễ cảm thụ hơn.
Từ cuối năm 2012, nhạc kịch Cô Sao lại được tái công diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội, rồi Vĩnh Phúc, Sơn La, Thanh Hóa… với một ê kíp dàn dựng trẻ trung trong đó có nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam - con trai cả của nhạc sĩ Đỗ Nhuận và các nghệ sĩ nổi tiếng của Nhà hát Nhạc vũ kịch như Phạm Anh Phương, Hà Phạm, Thăng Long, Mạnh Dũng, Mạnh Đức, Huy Đức, Vành Khuyên, Mạnh Chung… Các họa sĩ thiết kế mỹ thuật là Hoàng Hà Tùng và Nguyễn Sơn - một họa sĩ trẻ hoạt động mỹ thuật tại Sài Gòn.
Sau Cô Sao và Người tạc tượng, Đỗ Nhuận còn có nhạc kịch Nguyễn Trãi ở Đông Quanhiện đang chờ ngày ra mắt công chúng.
(Còn tiếp)
Nguyễn Thụy Kha