Bí ẩn về mê cung dài hơn 300km dưới lòng thành phố Paris, nơi chứa đựng hàng triệu người tử vong vì đại dịch hạch
Căn hầm dài 300km chằng chịt như mê cung, nơi được mệnh danh là Vương quốc của người chết với nhiều câu chuyện kỳ bí. Thậm chí, đến nay vẫn có người đi lạc trong hầm mộ này.
Nhắc đến Paris - Pháp, ai cũng sẽ nghĩ một kinh đô ánh sáng hoa lệ, nơi có tháp Eiffel, nhà thờ Đức Bà... đến những câu chuyện lãng mạn của thành phố được mệnh danh là "tình nhất thế giới".
Nhưng bên dưới lòng thành phố tuyệt vời này lại đang ẩn chứa một sự thật rợn người. Sâu xuống lòng đất Paris khoảng 60m tồn tại một đường hầm dài đến 300km. Các cột trụ, cổng vào, những bức tường... hầu hết đều được phủ kín bởi 6 triệu bộ xương người.
Cuối thế kỷ XVIII, các nghĩa trang tại Paris rơi vào tình trạng chật chội, gặp nhiều vấn đề về vệ sinh sau khi phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh, dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch hạch thế kỷ XIV.
Riêng tại Pháp, trong thập niên 1340, 7 triệu người đã thiệt mạng bởi căn bệnh được mệnh danh là “Cái chết đen”- dịch hạch. Chính đại dịch này đã góp phần đẩy các nghĩa trang ở Paris lúc đó vào tình trạng quá tải. Đây cũng chính là nguyên nhân gián tiếp dẫn tới sự ra đời của Hầm mộ Paris.
Tại Les Innocents, những bia mộ vỡ vụn do phải nhồi nhét quá nhiều thi thể, rồi mưa xuống cuốn theo những cái xác chưa kịp phân hủy vào dòng nước, chảy xuống khu dân cư và gây ra những cảnh tượng thực sự kinh dị.
Trong vòng vài tháng, nhà chức trách Paris ra lệnh đóng cửa Les Innocents và tất cả các nghĩa trang khác, nghĩa là lúc này sẽ không có bất kỳ thi thể nào được chôn trong thành phố nữa. Và dưới áp lực liên quan đến sức khỏe cộng đồng, họ phải tìm cách di dời số hài cốt đang có đến một địa điểm khác.
Nếu bạn đã từng đọc những tác phẩm của Victor Hugo, chắc hẳn bạn sẽ biết thủ đô Paris có một mê cung của những đường hầm và cống ngầm dài hàng trăm cây số chạy chằng chịt như mạng nhện. Những căn hầm này vốn để phục vụ khai thác mỏ, nhưng giờ sẽ là nơi tuyệt vời để trở thành một nghĩa trang thực sự. Và cái tên hầm mộ Paris - Ossuaire municipal - Nghĩa trang thành hay Vương quốc của người chết chính thức ra đời.
Từ khi thành lập, địa điểm rùng rợn này đã gây ra nhiều sự tò mò cho cả người dân lẫn các chính khách nổi tiếng. Những người như bá tước Artois, hoàng đế Napoleon III hay vua Francois I của Áo đều từng có dịp viếng thăm hầm mộ dưới lòng đất này.
Do đặc thù là một hầm mỏ cũ, hầm mộ Paris có rất nhiều lối vào. Thậm chí, nhằm đáp ứng đủ nhu cầu chôn cất người quá cố, chính quyền thời đó còn cải tạo lại khu mộ để dễ dàng đưa các xác chết xuống lòng đất. Họ thiết kế những đường hầm bí mật dẫn từ nghĩa trang tới tầng hầm của các nhà thờ, bệnh viện ở Paris,...
Với cấu trúc địa hình phức tạp, không khó hiểu nếu như những người tới hầm mộ sẽ bỡ ngỡ và đi lạc vài ba lần. Thậm chí, tại hầm mộ này đã từng xảy ra những sự kiện vô cùng bi đát.
Chẳng hạn như câu chuyện về Philibert Aspairt vốn là người gác cổng của bệnh viện Val-de-Grace trong thời kì diễn ra cách mạng Pháp. Tháng 11/1793, người đàn ông này đã quyết định lợi dụng đường hầm để đi tìm được loại rượu Chartreuse nổi tiếng dưới hầm của một tu viện ở Paris, gần Jardin de Luxembourg.
Đáng ngạc nhiên hơn, người đàn ông này không thể tìm thấy lối ra và mất ngay trong mê cung của hầm mộ. Mãi tới 11 năm sau, người dân mới phát hiện ra thi thể của Philibert và quyết định an táng ông ngay tại đây.
Tương tự, vào năm 2017, hai cậu bé 16 tuổi và 17 tuổi đã bị mắc kẹt bên trong Ossuaire municipal. Hai cậu bé đã vào hầm mộ tối ngày 11/6, nhưng không ai tìm kiếm họ trong nhiều ngày. Cuối cùng, khi bắt đầu chiến dịch tìm kiếm, đội cứu hộ có sử dụng cả chó nghiệp vụ đã phát hiện ra các cậu bé vào sáng ngày 14/6.
Theo BBC, cuộc giải cứu diễn ra trong 4 tiếng. Hai nạn nhân đã được đưa vào bệnh viện và điều trị vì hiện tượng hạ thân nhiệt, nhưng may mắn không bị thương tích.
Nghĩ đến việc phải ở 3 ngày trong một căn hầm có đến 6 triệu bộ xương giăng xung quanh, có lẽ không nhiều người mong muốn tình huống ấy xảy ra với mình.
Nguyễn Phượng
Tổng hợp