Văn hóa tuần này: nghe xẩm phía Bắc và dàn nhạc kèn của Nga
(Thethaovanhoa.vn) - Xem thấy nghe đọc tuần này có 2 sự kiện lớn là Liên hoan Hát xẩm các tỉnh khu vực phía Bắc năm 2019 (tại Ninh Bình) và 2 đêm diễn của Dàn nhạc Lực lượng Vệ binh Quốc gia Liên bang Nga (tại Hà Nội và TP hạ Long)…
1. Diễn ra tại Ninh Bình trong thời gian từ 3 đến 5/12, Liên hoan Hát xẩm các tỉnh khu vực phía Bắc năm 2019 do Sở VH&TT Ninh Bình, Cục Văn hóa thông tin cơ sở (Bộ VH,TT& DL) và Viện nghiên cứu bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc phối hợp tổ chức. Đây là một trong những hoạt động chuẩn bị quan trọng cho việc lập hồ sơ đề nghị công nhận xẩm là Di sản phi vật thể Quốc gia.
Sự thực, một thời gian dài trong khứ, hát xẩm vẫn được cộng đồng biết tới như một hình thức mưu sinh của những người nghèo khổ, đặc biệt là người khiếm thị. Và, các làn điệu xẩm đa số được biểu diễn ở chợ, đường phố hay nơi đông người qua lại chứ rất ít khi xuất hiện trên các sân khấu lớn như một loại hình âm nhạc truyền thống của dân tộc.
Tuy nhiên, trong những năm trở lại đây, với xu hướng tôn vinh các di sản văn hóa truyền thống - cũng như sự phát triển bước đầu của các CLB Xẩm tại địa phương - loại hình âm nhạc này đã bắt đầu được nhìn nhận đúng với giá trị vốn có của nó.
Liên hoan xẩm tại Ninh Bình lần này có sự tham gia của 15 CLB, trong đó có các “chiếu” xẩm nổi tiếng tại Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Thanh Hóa… Mỗi CLB được tham gia 3 tiết mục (mỗi tiết mục 15 phút), trong đó có cả tác phẩm xẩm cổ và tác phẩm mới. Theo BTC, nhiều làn điệu xẩm truyền thống đã được các CLB đăng ký dự thi như: Xẩm chợ, Xẩm tàu điện, Huê tình diềm huê, Hà liễu, Thập ân, Ba bậc...
Ngoài các tiết mục dự thi, Liên hoan dự kiến sẽ có thêm các hoạt động bên lề như: Tọa đàm về nghệ thuật hát xẩm; các đoàn thắp hương tri ân nghệ nhân Hà Thị Cầu; Biểu diễn các tiết mục quảng bá hình ảnh về văn hóa, du lịch của Ninh Bình tại bến thuyền Tam Cốc. Và, bên cạnh tính chất của một cuộc thi, Liên hoan cũng được kỳ vọng là dịp tuyên truyền và nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc khôi phục, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống của nghệ thuật xẩm.
Dự kiến, sau Liên hoan, tỉnh Ninh Bình sẽ liên kết với một số địa phương lập hồ sơ xin công nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia cho hát xẩm, đồng thời tổ chức Liên hoan định kỳ 2 năm/lần.
2. Dàn nhạc Lực lượng Vệ binh Quốc gia Liên bang Nga sẽ có đợt giao lưu và biểu diễn từ 5 đến 9/12 tại Hà Nội và TP Hạ Long. Trong đó có 2 buổi biểu diễn là: 20h ngày 6/12 tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam (Hà Nội) và 20h ngày 8/12 tại Trung tâm quy hoạch, Hội chợ và triển lãm tỉnh Quảng Ninh.
Chương trình mở đầu là hòa tấu dàn nhạc bản Quốc ca Việt Nam và Quốc ca Nga; kết thúc chương trình là hòa tấu dàn nhạc bài Trống cơm (do Đỗ Hồng Quân chuyển soạn). Ngoài ra, dàn nhạc còn biểu diễn những tiết mục hòa tấu hoặc đệm cho ca sĩ hát các tác phẩm của Tchaikovsky, S.Rachmaninov, Glinka, Ponomarenko… Trong đó có NSND Quang Thọ hát Tổ quốc gọi tên mình của Đinh Trung Cẩn, Lan Anh hát Miền xa thẳm của Đức Trịnh, Nguyễn Hồng Hà solo guitar Người ở đừng về (dân ca Quan họ Bắc Ninh). Đặc biệt để đáp lại tình cảm của các nghệ sĩ người Nga, Tùng Dương sẽ hát một bản nhạc Nga: Đàn sếu.
Đây là hoạt động nhằm mục đích phát triển mối quan hệ Việt - Nga trong lĩnh vực văn hóa và nghệ thuật nhân năm 2019 được chọn là Năm Liên bang Nga tại Việt Nam và Năm Việt Nam tại Liên bang Nga.
Ngoài ý nghĩa lớn về mặt xã hội, sự kiện còn mang nhiều ý nghĩa nghệ thuật, bởi 2 đêm nhạc được biểu diễn bởi dàn nhạc được xem là một trong những tập thể biểu diễn âm nhạc xuất sắc nhất của nước Nga. Ca sĩ gồm nhiều Nghệ sĩ công huân như: Olga Getman (Cộng hòa Udmurt), Malika Razakova (Cộng hòa Tatarstan), Oleg Kukhta, Arkady Shmelev (Liên bang Nga), Malika Razakova - (Cộng hòa Tatarstan)… Hoặc những nghệ sĩ Nga đã đoạt nhiều giải thưởng quốc tế.
Ngoài ra, nó còn được xem là một chương trình nhạc hàn lâm với sắc thái đặc biệt, với dàn nhạc kèn lớn, làm phong phú cho hoạt động âm nhạc tại Hà Nội và Quảng Ninh.
Anh Bảo - Bình Minh