Văn hóa 'thành tích'
(Thethaovanhoa.vn) - Đăng đàn vào sáng 6/6, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ là thành viên Chính phủ nhận được nhiều chất vấn nhất trong kỳ họp Quốc hội lần này.
- Quốc hội sẽ thảo luận hai dự án luật về giáo dục trong ngày 30/5
- Thủ tướng nêu 4 vấn đề 'nóng' về giáo dục đào tạo
- Khi những chuyện buồn giáo dục cứ dồn như thác lũ
Và trong phần trả lời, chia sẻ của ông về “bệnh thành tích” trong giáo dục đang được nhiều người nhắc lại. Bộ trưởng nói rằng, quả thực vấn đề về "bệnh thành tích" đã tồn tại từ lâu và "mặc dù ngành Giáo dục luôn cố gắng nói không" nhưng nhận thấy trong quá trình thực hiện, đây không chỉ là vấn đề dừng lại ở quy định mà còn liên quan tới văn hóa và thói quen của một bộ phận không nhỏ những người làm trong ngành giáo dục tại Việt Nam.
Thẳng thắn, gọi là thói quen cũng không sai. Bởi, một khi đã bị cuốn theo “căn bệnh” ấy, người trong cuộc đương nhiên không dễ dàng để... tự chia tay với nó.
Nhưng, còn câu chuyện về văn hóa. Từ nhận xét của Bộ trưởng, chúng ta sẽ phải tự hỏi nhau: Xét cho cùng, người Việt có “văn hóa thành tích” - ít ra là trong lĩnh vực giáo dục - hay không?...
Câu hỏi ấy thật ra không mới. Bởi, khi căn bệnh thành tích đang lan tràn trong ngành giáo dục, nhiều học giả đã bỏ công phân tích và truy nguyên nguồn gốc của nó trong quá khứ.
Chẳng hạn, theo PGS Lê Quý Đức (nguyên Phó viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển), xã hội Việt Nam từ xưa tới nay vẫn là một xã hội nông nghiệp, sống chủ yếu bằng nghề nông. Trong quá khứ, cách vận hành của nó khiến người ta luôn chỉ có một giá trị lớn nhất để vươn lên: Giá trị có tính chất về quyền lực.
Và với hệ giá trị ấy, muốn đỗ đạt để làm quan, người ta phải bỏ công học hành, cử tuyển. Bởi vậy, một bộ phận rất lớn người dân luôn gắn khát khao của mình với chuyện đèn sách văn chương. Tâm lý ấy, ở mặt tích cực, là truyền thống hiếu học - khi trong lịch sử Việt Nam không thiếu những dòng họ khoa bảng, làng khoa bảng được vinh danh. Nhưng, ở mặt trái, nó lại gắn việc học hành, đỗ đạt với tính háo danh, với viễn cảnh được vinh danh của gia đình, dòng họ, làng xóm trong xã hội cũ.
Có nghĩa, trong một chừng mực nhất định, “văn hóa thành tích” với người Việt là có thật, và có từ rất lâu rồi.
***
Nói vậy, không có nghĩa là chúng ta đổ lỗi cho văn hóa. Thẳng thắn, bệnh thành tích của ngành giáo dục ngày càng trầm trọng, khi chúng ta không biết cách điều chỉnh để cộng đồng quay lưng lại với những gì không còn phù hợp.
Bởi, câu chuyện “bệnh thành tích” trong giáo dục không chỉ liên quan tới 2 đối tượng trực tiếp là giáo viên và học sinh. Và, nó cũng không chỉ là những chỉ số thành tích, khiến giáo viên “bày binh bố trận” để kéo thành tích học trò, hay để các em học sinh tìm đủ cách nhằm có một bảng điểm đẹp.
Xa hơn, căn bệnh mà chúng ta đang ra sức lên án, liên quan đến chính cách đón nhận của toàn xã hội.
Ngay trong phiên chất vấn sáng 6/6, quanh “bệnh thành tích”, có đại biểu đã nhắc tới tình trạng “loạn giấy khen” ở các trường học. Thế nhưng, những tờ giấy khen đang được ban phát rất dễ dàng ấy lại vẫn có lý do để tồn tại, khi mà rất đông phụ huynh vẫn cần đến nó.
Chỉ vài ngày trước, vào Tết thiếu nhi 1/6, một câu hỏi đã được nhắc đến: Tại sao hàng loạt cơ quan vẫn đòi những tấm giấy khen học sinh giỏi, để phát quà cho các em thông qua những phụ huynh?
Như thế, trong ngày Tết chung dành cho thiếu nhi, những đứa trẻ không có thành tích bỗng nhiên chịu cảnh “ra rìa”, từ cách tư duy của người lớn. Và, khi những câu chuyện như vậy được lặp lại với tần suất cao, không có gì đáng ngạc nhiên, khi một bộ phận lớn phụ huynh tiếp tục trút gánh nặng thành tích lên vai các em.
Từ “thành tích” luôn bao hàm ý nghĩa tích cực. Còn “bệnh thành tích”, nhìn một cách thẳng thắn, đó là căn bệnh liên quan tới sự giả dối, dù là cố ý hoặc vô tình. Và “văn hóa thành tích”, muốn hay không, cũng chỉ có thể dẹp bỏ khi người ta thật sự muốn quay lưng với sự giả dối, dù với hình thức nào, trong xã hội.
Anh Bảo