Văn hóa tang lễ và nỗi buồn từ 'kền kền chờ đợi'
(Thethaovanhoa.vn) - 1. Một đám đông chen lấn, xô đẩy, áp ống kính kề những giọt nước mắt tại tang lễ của một nghệ sĩ nổi tiếng. Một nghệ sĩ up ảnh “xấu xí” của đám đông chụp ảnh lên trang cá nhân và cùng một số khác phàn nàn về văn hóa ứng xử. Rồi chính báo mạng lại lấy những chia sẻ đó để chỉ trích những người chụp ảnh là “kền kền chờ đợi”.
Không ai mất gì, ngoài việc một cuộc cãi vã vô bổ chất thêm nỗi buồn đến tang quyến.
Còn nhớ, đám tang của nghệ sĩ Hữu Lộc năm 2010, nghệ sĩ Hữu Châu đã phải đứng ra thỉnh cầu đám đông người hâm mộ quá khích khi họ làm loạn lên nhưng không thay đổi được.
Hay trong đám tang một ca sĩ trẻ, người ta phát hoảng khi đám đông fan hò hét chạy theo xin chữ ký và chụp ảnh nghệ sĩ nào đó đến đưa tang. Họ thờ ơ và vô cảm trước những giọt nước mắt, trước nỗi mất mát của tang quyến đến thế là cùng.
Nghệ sĩ sống giữa “thời báo mạng”, từng chi tiết của cuộc sống được phơi bày cặn kẽ, đúng là chết cũng khó tránh những chuyện giời ơi. Mong sao có sự nhẹ nhàng cung cách tang lễ văn nhân như trong Một đêm đưa ma Phụng của nhà văn Nguyễn Tuân: “Mấy nhà văn bạn Phụng đang chơi bên Gia Lâm thì được tin Vũ Trọng Phụng mất. Tảng sáng, không còn tiền, họ đi bộ qua Cầu Sông Cái về Cầu Mới, rồi nhập vào đám tang đưa tiễn Vũ Trọng Phụng về nơi an nghỉ ở nghĩa trang Quảng Thiện”.
2. “Kền kền chờ đợi” trong đám tang được nói theo cách gọi bức ảnh gây sốc cả thế giới mang tên "Kền kền chờ đợi" của phóng viên Kevin Carter.
Bức ảnh "Kền kền chờ đợi" được đăng đầu tiên trên tờ The New York Times vào ngày 26/3/1993. Một con kền kền rình phía sau em bé nằm gục vì đói, chỉ chờ em tắt thở nó sẽ lao vào. Ngay lập tức hàng nghìn người gọi điện tới tòa soạn hỏi thăm về số phận đứa trẻ. Nhưng số phận sau cùng của bé gái thì đến nay vẫn không ai biết rõ.
Carter nói rằng anh đã ngồi chờ 20 phút hy vọng rằng con kền kền sẽ bay đi. Nhưng nó vẫn ngồi nguyên tại chỗ. Carter quyết định chụp lại bức hình đầy ám ảnh đó và rồi đuổi con kền kền đi. Tuy nhiên, anh phải chịu chỉ trích nặng nề về việc không giúp bé gái mà chỉ chăm chăm chụp hình.
Vào ngày 2/4/1994, Carter đã giành giải thưởng cao quý nhất trong giới nhiếp ảnh - giải Pulitzer cho bức "Kền kền chờ đợi". Ba tháng sau, Kevin Carter tự sát khi anh mới 33 tuổi. Bức thư tuyệt mệnh của anh viết: "Tôi bị ám ảnh bởi những ký ức sờ sờ về sự chết chóc, những xác chết, cơn giận dữ và nỗi đau... về những đứa trẻ chết đói... về những người đàn ông điên khùng, thường là những kẻ hành hình".
Kevin Carter là người luôn giằng xé đạo đức và công việc. Trong niềm đam mê công việc, anh luôn tự đẩy mình đến những thái cực của sự hưng phấn và trầm cảm. Nhưng ai cũng biết, trong thế giới này, Kevin Carter là người quá cá biệt. “Kền kền chờ đợi” mãi mãi là hình ảnh tranh cãi bất tận, từ nội dung tấm ảnh cho tới đạo đức người cầm máy, nhất là trong những lằn ranh giữa sống và chết.
Và “kền kền chờ đợi” trong tang lễ cũng sẽ là một cuộc tranh cãi dài dòng và mệt mỏi. Mọi thứ, chỉ có thể trông chờ vào đạo đức của riêng mỗi người.
Nguyễn Gia
Thể thao & Văn hóa