'Văn hóa soi đường cho quốc dân đi'
(Thethaovanhoa.vn) - Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị khóa XII về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.
Theo đó, Thủ tướng giao Bộ VH,TT&DL chủ trì xây dựng: Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030; Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030; Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam chủ trì xây dựng Chương trình "Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, văn nghệ dân gian các tộc người thiểu số rất ít người có nguy cơ mai một"...
Nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị
Kế hoạch đề ra 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Tập trung xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện; Đẩy mạnh xây dựng môi trường, đời sống văn hóa lành mạnh; Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và giới thiệu, quảng bá hình ảnh Việt Nam và văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Cụ thể, tập trung đẩy mạnh các hoạt động giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống trong gia đình, nhà trường và xã hội với các đặc tính "yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trọng đạo lý, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo". Tăng cường giáo dục nâng cao ý thức, ứng xử và hành vi chuẩn mực văn hóa trong nhân dân, đặc biệt cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng.
Phát huy vai trò của văn học, nghệ thuật trong việc định hướng thị hiếu, thẩm mỹ, bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm, trí tuệ, kỹ năng sống, hướng tới sự hoàn thiện nhân cách của mỗi cá nhân và xã hội; xây dựng và phát huy lối sống có ý thức tự chủ, tự giác, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, ý thức bảo vệ môi trường; đề cao trách nhiệm cá nhân đối với bản thân, gia đình và xã hội. Khẳng định, tôn vinh cái đúng, cái tốt đẹp, tích cực, cao thượng; nhân rộng các giá trị cao đẹp, nhân văn.
Đây là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị để khơi dậy sức mạnh nội sinh của dân tộc trong thời kỳ đổi mới.
Bàn về chủ đề này, PGS-TS Bùi Hoài Sơn (Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Bộ VH,TT&DL) nhắc lại câu chuyện về sự kiên cường của Việt Nam năm 2020 để chứng minh sức mạnh của văn hóa.
Cụ thể, năm 2020 là một thời điểm đặc biệt khó khăn của không chỉ Việt Nam mà còn với toàn thế giới. “Trong bức tranh chung đó, việc nước ta vượt qua bệnh dịch một cách tương đối nhẹ nhàng hơn so với các quốc gia khác, và được bạn bè quốc tế đánh giá là một điển hình thành công, chính là một điểm sáng trong chỉ đạo của Đảng, công tác điều hành của Chính phủ, sự chung tay, chung sức, đoàn kết, chia sẻ của toàn thể nhân dân, nỗ lực của ngành y tế, quân đội, khoa học công nghệ... và đặc biệt là của lĩnh vực văn hoá" - PGS-TS Bùi Hoài Sơn nói.
- Bài 5 - Mỗi người Việt Nam là một 'Đại sứ văn hóa'
- Văn hóa thế giới 2021 - có gì để 'hóng'?
- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Phát huy giá trị, đưa các di sản văn hóa trở thành sức mạnh để phát triển nước
Quả vậy, từ khá lâu rồi, chúng ta mới được chứng kiến sức mạnh văn hóa của dân tộc qua hình ảnh người dân đoàn kết, chia sẻ, thể hiện tình yêu nước mãnh liệt với những biểu hiện của giá trị nhân văn nhất của con người Việt Nam, để chúng ta cùng nhau vượt qua khó khăn của dịch bệnh và thiên tai, tạo nên dấu ấn Việt Nam như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị trực tuyến cuối năm của Chính phủ tổng kết công tác năm 2020, triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2021 (diễn ra ngày 28/12/2020) rằng: “Năm 2020 vẫn được xem là năm thành công hơn năm 2019 và là năm thành công nhất trong 5 năm vừa qua với những kết quả, thành tích đặc biệt, có ý nghĩa quan trọng trong việc nêu cao lòng yêu nước, tình đoàn kết, niềm tự hào dân tộc, niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta”.
Qua khó khăn, một lần nữa chúng ta nhận ra vai trò của văn hoá là hệ điều tiết cho sự phát triển xã hội.
Khơi dậy sức mạnh nội sinh của dân tộc bằng văn hóa
Cũng theo PGS-TS Bùi Hoài Sơn, trong ước mơ xây dựng một nước Việt Nam hùng cường của chúng ta, văn hóa cần phải được nhấn mạnh như một yếu tố hết sức quan trọng.
“Bác Hồ đã từng nói: Văn hóa soi đường cho quốc dân đi. Câu nói ấy của Bác có thể được hiểu rằng, văn hóa cần phải được chú ý, ưu tiên đi trước, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội; văn hóa cần phải được xem là mục tiêu của mọi sự phát triển, đặc biệt là trong bối cảnh phát triển bền vững như hiện nay. Văn hóa là sức mạnh nội sinh của dân tộc, giúp chúng ta xác định những giá trị truyền thống đồng thời là nền tảng vững chắc để chúng ta tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại. Chính vì thế, nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị để khơi dậy sức mạnh nội sinh của dân tộc trong thời kỳ đổi mới, để văn hóa giúp chúng ta không chỉ khẳng định bản sắc Việt Nam, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, mà còn là hành trang vững chắc để chúng ta tiến vào thế giới toàn cầu hóa mà không bị hòa tan” - PGS-TS Bùi Hoài Sơn đúc kết.
Người đứng đầu Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cũng cho rằng, việc xây dựng hệ giá trị Việt Nam là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Theo ông, giá trị là những phẩm chất mà mỗi cá nhân, cộng đồng hay quốc gia, dân tộc mong muốn đạt được, vì thế, giá trị hay một hệ giá trị có tác dụng định hướng sự phát triển hành vi của cá nhân, cộng đồng hay toàn xã hội. Trong lịch sử, chúng ta đã xây dựng được một hệ giá trị văn hóa Việt Nam giúp chúng ta gìn giữ và phát triển đất nước.
Ông Sơn dẫn lời GS Trần Văn Giàu từng đưa ra 7 giá trị con người Việt Nam truyền thống tiêu biểu là: Yêu nước, cần cù, anh hùng, sáng tạo, lạc quan, thương người, vì nghĩa. Những giá trị này trong một thời gian dài đã trở thành hằng số giúp dân tộc ta vượt qua bao khó khăn, thử thách, giữ vững nền độc lập trong các cuộc chiến chống ngoại xâm và đạt được nhiều thành tựu trong xây dựng đất nước.
“Tuy nhiên, hiện nay, trong bối cảnh đất nước ta đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, sự thay đổi nhanh chóng của các điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội đang có những tác động lớn lao tới hệ giá trị con người Việt Nam. Bên cạnh những giá trị tốt đẹp tiếp tục được củng cố và phát huy, thì cũng có không ít biểu hiện “lệch chuẩn”, hành vi “phản giá trị”, ứng xử vô văn hóa xuất hiện ngày càng nhiều trong cuộc sống. Do vậy, vấn đề xây dựng hệ giá trị con người Việt Nam hiện nay đang đặt ra là vô cùng cấp thiết” - ông Sơn nhấn mạnh.
Đón đọc kỳ 2: Để văn hóa tạo ra bản lĩnh Việt Nam
Hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển Ngày 22/1 vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 506/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chỉ đạo Bộ VH,TT&DL hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030. Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ VH,TT&DL rà soát, cập nhật nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 76-KL/TW ngày 4/6/2020 của Bộ Chính trị (ban hành kèm theo Quyết định số 2215/QĐ-TTg ngày 24/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ) và các quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển văn hóa trong giai đoạn tới, vào dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030; trình Thủ tướng Chính phủ sau khi Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021 - 2030 của đất nước được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thông qua. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020. Đến nay, thời gian thực hiện của Chiến lược đã hết. Vì vậy, cần phải xây dựng Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam cho giai đoạn tiếp theo (giai đoạn 2020 - 2030), trong đó phải điều chỉnh, bổ sung một số nội dung cho phù hợp với tình hình thực tế phát triển của đất nước. |
Huy Thông