(Thethaovanhoa.vn) - Bài viết này không có ý định viết về ca khúc huyền thoại Mama, I’m coming home (Mẹ ơi, con đang về nhà) của rocker kiệt xuất Ozzy Osbourne. Chỉ là một sự trùng hợp cho danh xưng MAMA, một giải thưởng âm nhạc uy tín của Hàn Quốc khi 4 năm liên tiếp trao giải cho những nghệ sĩ Việt Nam.
Nhìn vào
MAMA, nhiều người đang nghĩ V-Pop đang tiến ra biển lớn nhưng kỳ thực, V-Pop vẫn đang “ở nhà”.
Đi thẳng là tới biển?
Giấc mơ ra biển lớn như thể hơi thở của V-Pop, chưa bao giờ ngừng đập.
Nhưng điểm lại trong bao nhiêu năm qua những giấc mơ ấy được xuất khẩu như thế nào và đã đem được những gì về cho V-Pop? Hầu như tất cả đều là những chuyến đi giao lưu, bắt tay chào mừng và ra về. Cái cảm giác đọng lại, đa phần là những hồ hởi được đăng tải trên truyền thông trước đó.
Hồ Ngọc Hà là khách mời đặc biệt trong một chương trình lớn của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), Mỹ Linh xâm chiếm thị trường Nhật Bản, Minh Thư có MV chiếu trên kênh MTV Thái Lan, Hồ Quỳnh Hương đoạt Huy chương vàng Liên hoan Âm nhạc mùa Xuân Bình Nhưỡng (Triều Tiên), Hiền Thục đã đoạt giải Giọng ca trẻ châu Á tại Thượng Hải (Trung Quốc)...
Đông Nhi... Và rồi Mỹ Tâm nhiều năm liên tiếp đoạt những giải thưởng âm nhạc bên ngoài như MAMA (Hàn Quốc), Huyền thoại châu Á (Malaysia), Ca sĩ Đông Nam Á xuất sắc nhất tại MTV EMA 2013… Tiếp tục là MAMA trao giải cho Thu Minh, Hồ Quỳnh Hương và mới nhất là Đông Nhi, Phúc Bồ. Chưa kể EMA của MTV cũng gọi thêm tên của Hồ Ngọc Hà và gần đây nhất là Sơn Tùng M-TP…
Với sự rầm rộ gọi tên như thế hoàn toàn có thể tin tưởng rằng những gương mặt sáng giá của V-Pop hoàn toàn có thể làm nên chuyện lớn. Nhưng một câu hỏi đặt ra: được gọi tên rồi họ đi đâu?
... Mỹ Tâm... Gần như chưa thấy một ai có kế hoạch cụ thể để mở mang phân khúc của mình ở bên ngoài. Nhiều người bảo những nghệ sĩ ấy vẫn ra hải ngoại ầm ầm đấy thôi? Thật ra họ ra hải ngoại là để hát cho kiều bào nghe chứ đã làm gì để gây chú ý ở những nơi họ đến?
20 năm qua V-Pop mơ như vậy, và cả châu Á cũng chẳng nằm ngoài ước mơ ấy.
Nhìn vào thị trường Trung Quốc, với dân số gần 2 tỉ người, họ đã có tất cả mọi tiềm lực để xuất khẩu vào 2 thị trường lớn nhất là Tây Âu và Bắc Mỹ nhưng cũng không len vào nổi. Từ Hong Kong (Trung Quốc), cái nôi của Cantopop với đầy những tài năng xuất chúng nhiều thập niên miệt mài vẫn chưa thể đứng được ở thị trường Mỹ. Hay Đài Loan (Trung Quốc), với rất nhiều ngôi sao ca nhạc mà mới nhất là Châu Kiệt Luân, người nắm giữ hàng tá giải thưởng âm nhạc lớn nhỏ tại Đài Loan, là ngôi sao lớn nhất của MTV châu Á và cũng nhận hằng hà các giải thưởng và đề cử của kênh âm nhạc này cũng chỉ có thể khẳng định mình thị trường Hoa ngữ không hơn không kém.
... Thu Minh... Những nhóm nhạc được sinh ra để đối chọi với những hình mẫu phương Tây như SHE, Twins… cũng không thể làm gì khác ngoái khuấy động thị trường nội địa. Họ không đủ sức để chen chân vào những thị trường lớn nhất thế giới. K-Pop dù đang thành công rộng khắp nhưng ước mơ bá chủ của họ vẫn còn rất xa với. Bi Rain, BoA… đã trở về nhà và không còn sức lên đường.
Thế giới ngày càng phẳng, âm nhạc không còn rào cản địa lý nhưng những nghệ sĩ của nó thì vẫn vấp phải những rào cản chưa thể vượt qua. Những hình mẫu ấy Việt Nam đều có đủ qua những hình tượng mới như Sơn Tùng M-TP, Noo Phước Thịnh, Nhóm 365, những nhóm nhạc indie-Pop… nhưng họ vẫn chỉ có tiếng nói ở ngay sân nhà.
Biển ngay trước mặt
Và sẽ có câu hỏi tự động được bật lên, vậy những giải thưởng quốc tế dành cho các nghệ sĩ Việt có tác dụng gì? Nó chính là một mũi tên trúng 2 đích: Vừa tôn vinh được nghệ sĩ bản xứ và điều đó sẽ đem gần hơn giá trị của thương hiệu âm nhạc được trao, đến gần hơn với công chúng Việt. Mà vế sau có lẽ mang nhiều phần quan trọng hơn.
Năm 2015, theo thống kê của tờ Pollstar, thị trường biểu diễn âm nhạc ở Tây Âu và Bắc Mỹ, xét trong 50 buổi biểu diễn lớn nhất, đã bán được 35,5 triệu vé, có nghĩa là giảm đi khoảng 15% so với năm 2014. Trong khi đó, số buổi biểu diễn tại châu Á thì đang tăng rất cao, gần bằng số lượng ở Bắc Mỹ và châu Âu.
... Sơn Tùng… những nghệ sĩ Việt gây được chú ý khi được nhận/đề cử các giải thưởng âm nhạc quốc tế gần đây nhưng chưa ai trong số này cho thấy họ quyết tâm ra biển lớn Điều đó sẽ lí giải vì sao, vài năm gần đây, thị trường châu Á bắt đầu chuyển động mãnh liệt để đón hàng loạt những ngôi sao nước ngoài đến đây. Nhìn vào thị trường EDM (Electronic Dance Music - nghĩa là âm nhạc được tạo ra từ các thiết bị điện tử) đầy sôi động của Việt Nam năm nay sẽ thấy chính những live show EDM đã đánh bật gần như tất cả các live show khác của các nghệ sĩ bản địa. Và tất cả những show EDM đình đám tại Việt Nam đều hút khách từ những tên tuổi nước ngoài.
Cả K-Pop cũng đi theo mô hình ấy. Ngày trước là âm nhạc đi trước và hàng hóa theo sau, giờ đây những giải thưởng âm nhạc của K-Pop cũng bắt đầu mở cửa để đón chào những nghệ sĩ châu Á khác, nhằm tìm đường len thêm để mở rộng thị phần yêu thích của công chúng.
Điều này đã làm rõ hơn cho câu hỏi những giải thưởng quốc tế có tác dụng gì ở V-Pop.
Đừng lầm tưởng rằng chúng ta đang ra biển lớn, mà chính là ngược lại, biển đang ngày càng đến gần chúng ta hơn. MTV đến gần hơn bao giờ hết, những ngôi sao quốc tế trên kênh YAN đang rất được yêu thích, K-Pop đến gần hơn và cái họ cần chính là thị trường đầy tiềm năng tại Việt Nam.
Giải MAMA của kênh Mnet (Hàn Quốc) vẫn tự nhận là “Grammy của châu Á” khi mở rộng ra quy mô châu lục trong những năm qua. Năm nay, lễ trao giải sẽ diễn ra tại Hong Kong, vào ngày 2/12.
Năm 2016 được hứa hẹn tiếp tục là cơn bùng nổ của EDM với một loạt những DJ thượng thặng quốc tế, chưa kể nhiều bầu show tiếp tục mời những ngôi sao K-Pop đến đây… Và một khi họ nhắm đến thị trường ấy, thì việc “tôn vinh” một vài cá nhân được xem là xuất chúng không hẳn là sẽ mang những nghệ sĩ ấy đi xa mà là mang chính cơn sóng bên ngoài vào Việt Nam gần hơn bao giờ hết.
Tờ The Guardian của Anh trong bài viết lí giải vì sao nghệ sĩ châu Á, nhất là những nghệ sỹ Pop, đều không xâm nhập được vào những thị trường lớn ở Tây Âu hay Bắc Mỹ, đã đúc kết lại một câu đơn giản thế này “Chúng tôi chẳng nghe bạn cho đến khi bạn phải hát bằng tiếng Anh”.
Đó là một nhận xét có phần khó nghe. Nhưng không phải là vô lý.
Mà cái thiếu của V-Pop, không hẳn là ngôn ngữ mà là thiếu hẳn cả một guồng máy lo cho việc cất cánh ra khơi. 20 năm nay, guồng máy ấy chưa bao giờ hoạt động thật sự.
Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa Xuân Bính Thân 2016