A+ A A- Kiểu đọc sách

Triển lãm tranh không dành cho người... yếu tim

07:27 10/08/2016
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Tranh để cúng lễ, để giải hạn, để thờ, để phúng đám ma và thậm chí, để đốt cho người bệnh. Những dòng tranh dân gian đặc biệt ấy được một nhà sưu tập bỏ công góp nhặt trong nhiều năm qua và sẽ trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội từ ngày 18/8.

Triển lãm 12 dòng tranh dân gian tiêu biểu này không thể thiếu tranh Hàng Trống hoặc Đông Hồ. Nhưng, chính những dòng tranh đặc biệt như Thập Vật, làng Sình, Đồ Thế Nam Bộ, kính Nam Bộ, kính Huế, thờ miền núi, thờ đồng bằng, tranh vải... mới giúp người xem hiểu thêm về bề sâu văn hóa mà những tác phẩm hội họa dân gian này mang theo.

Tranh của... tâm linh

Nét độc đáo của dòng tranh làng Sình (Huế) không quá phụ thuộc vào nét vẽ, mà lại nằm ở sự sáng tạo, thả mình theo trí tưởng tượng của các nghệ nhân khi... tô màu. Và dù mang đề tài tín ngưỡng lẫn sinh hoạt xã hội, dòng tranh làng Sình vẫn chỉ có một chức năng duy nhất: để đốt sau khi thờ cúng.

Ngược lại, cũng để...đốt, dòng tranh Đồ Thế Nam Bộ lại thường được sử dụng vào mục đích cầu an cho người bị bệnh. Và "nhân vật" chính trong tranh lại là các vị thần linh, cùng các đồ vật và thú nuôi đặc trưng, theo tín ngưỡng mang màu sắc Đạo Giáo của người Minh Hương Nam bộ.


Một bức tranh làng Sình được rập lại từ bản khắc cổ và tô màu trước triển lãm. Ảnh: Lê Bích

Còn với mục đích thờ cúng, 2 dòng tranh thờ miền núi và tranh thờ đồng bằng tại triển lãm lại có những nét hấp dẫn khác nhau.Nếu dòng tranh thờ đồng bằng mang đậm phong cách dân gian với những tranh bùa, tranh vật linh... thì những bức tranh thờ miền núi lại được các nghệ nhân Tày, Nùng, Dao, Cao Lan...vẽ với phong cách ước lệ, sử dụng bột màu và thếp cả vàng lá, bạc lá để tạo sự linh thiêng tươi tắn.

Hoặc cùng là tranh kính vẽ trên gương, dòng tranh kính Huế mang đậm phong cách cung đình, được đóng trong khung thếp vàng cầu kỳ, có nội dung ca ngợi các cảnh đẹp của Huế và vịnh bốn mùa trong năm đi kèm với thơ ngự chế của vương triều Nguyễn. Ngược lại, dòng tranh kính phía Nam lại thường cẩn ốc xà cừ, có đề tài mở rộng từ màu sắc văn hóa Trung Hoa của người Minh Hương cho tới màu sắc Phật giáo tiểu thừa của người Khmer Nam Bộ.

Độc đáo nhất tại triển lãm có lẽ là nguồn gốc của 2 dòng tranh gói vải và Thập vật. Tạo hình nổi trên lụa, vải, gấm... dòng tranh gói vải của Nam Bộ xuất phát từ sáng kiến dùng hình vải (thay cho hình dán giấy) trên những tấm trướng phúng viếng đám ma. Sau đó, tranh được nâng cấp để phục vụ nhiều nhu cầu, trong đó có tranh chân dung để thờ cúng. Còn dòng tranh Thập vật từng rất phổ biến vài trăm năm trước ở các ngôi chùa Bắc Bộ thì chỉ dùng vào mục đích tâm linh, gắn với tục "đưa cụ lên chùa" của những gia đình có đám hiếu.


Một bức tranh kính Nam Bộ dùng để thờ. Ảnh: Lê Bích

Tìm lại dòng tranh đã thất truyền

Hơn 200 bức tranh và hiện vật tại triển lãm chỉ là một phần trong số 800 bức tranh dân gian mà nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa góp nhặt từ nhiều năm nay. Một phần trong số đó là những bức tranh cũ được chị mua lại. Một phần khác được phục chế theo tư liệu đầu thế kỷ XX mà người Pháp còn lưu giữ hoặc rập lại trên những bản khắc cổ được mua về.

Nguyễn Thị Thu Hòa kể: "Cũng khó đếm được tôi đã đi bao nhiêu chuyến để có số tranh này. Tìm về địa phương chưa đủ, có những bức tranh lại đến một cách rất bất ngờ. Chẳng hạn, có lần, tôi mua lại được một bộ 10 bức tranh thờ Đạo giáo thế kỷ XVII từ... một vị cha xứ ở Đồng Nai".

Khá nhiều trong số những dòng tranh được trưng bày tại triển lãm là "của hiếm", bởi sự mai một theo thời gian. Điển hình, trong quá khứ, có thời gian hầu hết bản khắc gỗ của tranh làng Sình bị tiêu hủy. Gần 20 bản khắc cổ còn giữ được ở đây chỉ nhờ chuyện "đánh liều", bọc ni lông chôn giấu dưới đất của lớp nghệ nhân già. Hoặc, dòng tranh Kim Hoàng (Hoài Đức, Hà Nội) cũng bị coi là đã thất truyền hoàn toàn, sau khi một trận lụt lớn năm 1915 cuốn trôi hầu hết ván khắc ở đây.

"Cả vùng ấy bây giờ chỉ còn một cụ bà biết tới tranh Kim Hoàng, vì hồi nhỏ có đi bán tranh. Vậy là phải đọc, dịch tư liệu, rồi nhờ các nghệ nhân mày mò khắc lại bản in dựa trên những nét vẽ mà người Pháp còn lưu giữ" – bà Hòa kể. Những bức tranh Kim Hoàng tại triển lãm xuất hiện theo cách... công phu như vậy.

Ngược lại, những bức tranh kính ở miền Nam không quá hiếm nhưng thường có tuổi đời chỉ trên dưới 100 năm. Để bảo quản và vận chuyển được những bức tranh này ra Hà Nội là cả một câu chuyện dài.

"Nhà sưu tập nào cũng muốn chia sẻ bộ sưu tập của mình. Nhưng xa hơn, tôi muốn cộng đồng cùng có thêm kiến thức, cũng như sự nhiệt tình để cùng tham gia bảo tồn một kho di sản dân gian đang mất dần như vậy". Triển lãm dự kiến sẽ kéo dài đến đầu năm 2017.

Hoàng Nguyên
Thể thao & Văn hóa

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...