Tọa đàm về nhà văn Trang Thế Hy: Người không chỉ của một vùng đất
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 12/11, Hội Nhà văn TP.HCM, Hội Văn học nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu (Bến Tre) và NXB Trẻ đã tổ chức buổi tọa đàm Trang Thế Hy - Người hiền của văn học Nam bộ nhân dịp sinh nhật 90 tuổi và tái bản bốn tác phẩm của ông.
Tọa đàm nhận được nhiều ý kiến từ giới chuyên môn về con người và tác phẩm nhà văn Trang Thế Hy. Khi nhà văn quyết định rời chốn phồn hoa “đi chỗ khác chơi”, ông đã kiên định không xuất hiện nữa.
Đạo diễn Lê Văn Duy, cho biết: “Khi tôi làm giám đốc hãng phim Nguyễn Đình Chiểu có kêu đồng nghiệp làm phim tài liệu chân dung Trang Thế Hy nhưng ông từ chối vì không muốn xuất hiện. Tôi đành dùng kế, là rủ anh trai tôi - nhà văn Lê Văn Thảo và NSND Phạm Khắc đến Bến Tre thăm ông. Có anh Lê Văn Thảo và Phạm Khắc đi cùng nên ông không thể từ chối việc tôi ghi hình. Sau này, Trang Thế Hy có xin tôi cuốn phim về mình. Lý do ông xin cuốn phim là vì trong phim có hình người vợ của ông đã qua đời”.
Sự nghiệp văn chương của Trang Thế Hy không dày về số trang viết. Nhiều người cho rằng nhà văn thì phải viết và viết, viết như Trang Thế Hy thì quá ít. Lý giải điều này, nhà phê bình văn học - GS Huỳnh Như Phương, cho rằng: Trang Thế Hy cẩn trọng trong cách hành văn, ông rất kỹ để làm nên chất văn trong tác phẩm. Có thể vì quá kỹ nên tác phẩm của Trang Thế Hy không nhiều như các nhà văn khác.
Nhà văn Nguyên Ngọc từng nhận định: “Trang Thế Hy là người hiền của văn học Nam bộ”. Tuy nhiên, nhà văn Ngô Thị Kim Cúc thì cho rằng: “Văn chương của Trang Thế Hy gần như không dùng phương nữ Nam bộ để chứng tỏ ông là nhà văn vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ngược lại, chữ nghĩa Trang Thế Hy dùng có tính phổ quát cho mọi người đọc. Thêm nữa, các tác phẩm ông viết phần nhiều đều về thành thị, rất ít truyện về nông thôn Nam bộ. Do vậy, nên gọi Trang Thế Hy là nhà văn của Việt Nam chứ không chỉ của một vùng đất”.
Hoàng Nhân
Thể thao & Văn hóa