Phim “kể xấu” về Bob Marley
(TT&VH) - Kevin Macdonald từng gây tiếng vang với bộ phim The Last King of Scotland và 3 dự án điện ảnh mới của ông đều là phim gay cấn. Nhưng tác phẩm mới của ông lại thuộc một dòng phim khác hẳn - phim tiểu sử về huyền thoại dòng reggae Bob Marley, mang tựa đề Marley.
Tối 19/4, hàng ngàn người hâm mộ reggae đã tới một công viên ở Kingston, Jamaica để xem bộ phim tài liệu này. Phim kể về Marley - người đàn ông có cuộc đời kỳ lạ đã qua đời cách đây hơn 30 năm, vào tháng 5/1981 vì bệnh ung thư, khi vừa mừng sinh nhật lần thứ 36 và đang ở đỉnh cao sự nghiệp.
Bob Marley ở Kingston, Jamaica, năm 1980.
Từ đứa trẻ thất học trở thành siêu sao toàn cầu
Marley sinh năm 1945 trong ngôi làng hẻo lánh Nine Mile ở Jamaica. Mẹ Marley, bà Cedella, là một người da màu và khi sinh con trai, bà mới 18 tuổi. Cha Marley, Norval Marley, một người da trắng 65 tuổi, làm bảo vệ rừng. Với công việc đó, ông thường cưỡi ngựa đi khắp vùng. Song gia đình ông Norval từ chối nhận Marley mặc dù ông đã có lần nhờ đến sự giúp đỡ của họ.
Macdonald bắt đầu xúc tiến dự án điện ảnh này từ năm 2005. Trong phim, Macdonald coi Marley là một người bị cả cộng đồng da trắng và da màu chối bỏ. Marley lớn lên trong sự nghèo khổ cùng cực, ban đầu ở miền quê, sau đó là khu ổ chuột Trenchtown ở Kingston. Đây chính là nơi ông được chụp bức ảnh đầu tiên vào năm 12 tuổi.
Tư liệu về những năm đầu đời của Marley rất ít, song đạo diễn đã dành nhiều năm để tìm kiếm những người chưa hề nói chuyện về Marley, từ mẹ ông tới bạn bè, nhạc sĩ đồng nghiệp, những người tình của ông (Marley có 11 người con từ 7 người phụ nữ khác nhau) cùng các doanh nhân, chính trị gia và cả gangster. Trong quá trình thu thập tư liệu, Macdonald còn tìm được người thầy đầu tiên của Marley, chuyện trò với người vợ góa và các con ông.
“Tôi không muốn mọi người chỉ được nghe những người nổi tiếng như Bono, Eric Clapton, Mick Jagger ca ngợi về Marley” - Macdonald cho biết - bởi thế phim còn “phơi bày” nhiều thói xấu của Marley và những cuộc chuyện trò khó chịu với một nhà điều hành công ty thu âm, người đã ký hợp đồng với Marley với giá “bèo”.
Qua các cuộc chuyện trò đó, nhà làm phim biết được nhiều giai thoại về Marley và ban nhạc của ông - The Wailers. Họ đã phát triển dòng nhạc reggae đặc trưng bằng việc hòa trộn nhạc bản địa với nhạc quốc tế. Dòng nhạc này đã tạo dựng sự nghiệp cho Marley và đưa ông tới Mỹ, châu Âu và khắp châu Phi.
Marley đã trở thành một siêu sao toàn cầu trong những năm 1970 với những ca khúc ăn khách như No Woman, No Cry, Get Up, Stand Up và I Shot the Sheriff. Ca từ của ông thúc đẩy sự công bằng xã hội.
Cho đến nay, Marley vẫn là “phái viên xuất chúng nhất của dòng nhạc reggae”. Hơn 30 năm sau khi Marley qua đời, di sản âm nhạc của ông vẫn kiếm được nhiều triệu USD từ lượng đĩa bán ra. Bộ đĩa tuyển hợp các ca khúc ăn khách nhất của ông - Legend - đã tiêu thụ được hơn 20 triệu bản, trong khi ở Jamaica, học sinh thuộc lòng ca khúc ăn khách One Love của ông.
Muốn thay đổi cách nghe nhạc của Marley
Nhưng nhà làm phim Macdonald nhận thấy: “Ở nhiều nơi, mọi người thích nghe nhạc của Marley như trên bãi biển, trong cầu thang máy và siêu thị. Nhạc của Marley đã trở thành nhạc nền”.
Và đó là điều mà Macdonald muốn thay đổi. “Tôi muốn cứu Marley ra khỏi số phận đó. Nếu cứ xuất hiện tràn lan như vậy thì bạn sẽ trở nên vô hình, giống như thời điểm mới bắt đầu sự nghiệp. Tôi muốn mọi người hiểu Marley, hiểu âm nhạc của ông” - Macdonald bày tỏ.
Macdonald yêu thích âm nhạc của Marley từ khi còn ở tuổi vị thành niên. “Marley là siêu sao duy nhất của Thế giới thứ 3. Vua rock Elvis Presley cũng trưởng thành trong nghèo khó, nhưng ông lớn lên ở một đất nước giàu nhất thế giới. Các thành viên của ban nhạc huyền thoại The Beatles cũng xuất thân từ tầng lớp lao động nghèo ở Anh, song trong nhà họ vẫn có tivi để xem. Còn Marley từng phải ngủ trên sàn nhà bẩn thỉu, phải bỏ học vào năm 12 tuổi và sống trong đói nghèo thực sự ở vùng nông thôn Jamaica. Nhưng Marley đã đổ nhiều tiền và hy sinh mọi thứ để đưa dòng nhạc reggae ra thế giới. Ông là người chèo lái và thực hiện kỷ luật chặt chẽ với ban nhạc The Wailers của mình, cùng họ luyện tập tới 18 tiếng/ngày.
Marley có thể chọn cho mình công việc của một người lao động, tham gia xây dựng những con đường ở Jamaica. Nhưng tài năng và nghị lực của Marley không để ông làm công việc đơn thuần đó. Có thể ở Mỹ và Anh, giờ người ta không còn nghe nhiều nhạc của Marley, nhưng ở châu Phi, âm nhạc và hình ảnh của ông hiện diện ở khắp mọi nơi. Ông là một thần tượng và vẫn là nguồn cảm hứng ở thế giới đang phát triển. Ở Congo, người ta không biết đến Elvis Presley, nhưng họ biết Bob Marley. Vì vậy, chúng ta nên có cách nhìn khác về Marley”.
Việt Lâm (lược dịch)