Nhạc sĩ Phó Đức Phương trở lại: Hơn cả "Trên đỉnh phù vân!"
(TT&VH) - Dừng sáng tác trong vòng 5 năm khiến cho kế hoạch tái xuất của nhạc sĩ Phó Đức Phương không kém phần áp lực. Nao nao Thác Bà là sản phẩm đầu tiên ông tung ra để đo lại thị hiếu của khán giả. Thật bất ngờ khi lần này ông không nhờ các “diva” mà nhờ một “boyband” thể hiện bài hát và thú vị ở chỗ giới trẻ bắt đầu chú ý đến bài hát này.
* Tại sao phải đến 10 năm ông mới quyết định công bố Nao nao Thác Bà?
- Đây là tác phẩm tôi viết cho một chuyến đi ở Yên Bái trên dưới 10 năm trước. Cũng đã trình diễn báo cáo trong phạm vi nhỏ của chuyến đi đó, rồi “đóng gói” để đấy. Nhưng rồi vẫn thấy vương vấn, đến thời điểm cần thiết, tôi quyết định phải đưa bài hát này trở lại. Tôi đã bố cục lại toàn bộ bài, cắt đi một đoạn. Khi ngắm nghía trìu mến nó một lần nữa tôi thấy cần phải tìm một phương tiện thể hiện mới. Tôi đã chủ động mời nhạc sĩ Đỗ Bảo làm hòa âm phối khí và mời nhóm nam M4U thể hiện.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương
* Các tác phẩm của ông xưa nay thường được giao cho các ca sĩ đơn ca, tại sao lần này ông lại mời ban nhạc nam và lại là một nhóm mới toanh?
- Công chúng trực tiếp gắn bó nhất với âm nhạc hiện nay vẫn là lớp trẻ, họ chính là những đối tượng nhiệt thành nhất với âm nhạc. Khi chỉnh trang lại bài, trong lòng tôi chỉ nghĩ đến các bạn trẻ sẽ tiếp nhận nó thế nào.
Nhóm M4U là chỗ quen biết, tôi rất vui vì họ đã đón nhận bài hát với tinh thần đầy hào hứng, nhiệt thành và trân trọng. Còn nhạc sĩ Đỗ Bảo thì cảm thấy đây là một tác phẩm xứng đáng để dồn hết tâm huyết.
Sau khi hoàn chỉnh bài hát tôi thấy rất vui. Trong vòng 5 năm nay do quá bận rộn với vấn đề quyền tác giả, nên tôi không có thời gian viết ca khúc. Nao nao Thác Bà là dịp tôi được trở về với chính mình. Bài hát vừa là một món quà nhỏ tôi dành tặng công chúng, vừa là cơ hội để tôi “đo” lại năng lực bản thân.
* Sự trở lại của ông lần này nhẹ nhàng hay ít nhiều có áp lực?
- Trở lại không bao giờ là nhẹ nhàng. Không phải chỉ giai đoạn này mà lúc nào tôi cũng tự đặt áp lực với mình hết. Đó là cá tính, là cung cách trời đã định. Huống hồ tôi là một người cả nghĩ, lúc nào cũng băn khoăn, lo lắng và luôn nghĩ đến trách nhiệm. Mỗi lần ra một tác phẩm mới tự tôi đều cảm thấy có sức ép phải làm tốt hơn.
Giờ tôi không thể viết tùy tiện được. Khi công việc quyền tác giả tạm thời ổn định, tôi có thể trở lại sáng tác như mong muốn của nhiều người. “Tái xuất giang hồ” khiến tôi rất hồi hộp. Nhưng tái xuất thế nào? Nếu mình không còn đồng hành với công chúng, với ngày hôm nay thì không được. Đã đành rằng Phó Đức Phương vô cùng gắn bó với truyền thống nhưng ngày hôm nay sáng tác của tôi không được quyền giống 5-10 năm trước. Trên đỉnh phù vân, Chảy đi sông ơi dù có hay đến mấy, tôi cũng không có quyền viết giống như thế nữa. Nhưng cũng không có nghĩa tôi có quyền đoạn tuyệt với quá khứ, không thể tự dưng có ông Phó Đức Phương lạ hoắc xuất hiện. Tôi muốn sáng tác mới của mình vẫn là của tác giả mà công chúng đã từng quen biết, nhưng phải trẻ trung, cập nhật với ngày hôm nay.
* Nao nao Thác Bà vẫn tràn đầy mây trời, sông nước như phong cách vốn có của mình. Ông có thấy hài lòng?
- Điều tôi cảm thấy yên tâm nhất là các bạn trẻ thấy yêu thích bài hát này. Tina Tình chẳng hạn. Cô ấy được coi là trẻ rồi phải không? Cô ấy thú nhận đã nghe bài này cả ngày và “còn thích hơn cả Trên đỉnh phù vân”. Chính M4U cũng rất thích và các bạn ấy đã quyết tâm đi đến tận cùng bài hát.
* Các bài hát của nhạc sĩ đều gắn bó với một địa danh nào đó. Phải chăng nhiều bài trong đó là tác phẩm đặt hàng?
- Tất cả các bài hát, từ Trên quê hương quan họ, Chảy đi sông ơi, Trên đỉnh Phù Vân đến Hồ trên núi... đều phục vụ cho một chương trình nào đó, hoặc là có đặt hàng, hoặc là có dụng tâm chứ không có bài tự ngẫu hứng. Tóm lại là làm theo kế hoạch. Kể cả Về quê, trong quá trình viết bài này chính tôi đã từng khóc nức nở. Trong đời sáng tác, tự mình bức xúc mà viết chỉ có bài Phúc hát phiêu ly, nói về thân phận của Trương Chi. Bài hát này nằm trong bức “tứ bình” về chàng Trương Chi mà tôi đang ấp ủ.
* Xin cảm ơn ông!
Hải Diệp (thực hiện)