A+ A A- Kiểu đọc sách

Nhà văn Việt nghĩ gì về Harry Potter?

06:40 28/08/2016
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Trước hiện tượng Harry Potter hơn 15 năm thu hút lượng lớn độc giả Việt Nam, Thể thao & Văn hóa Cuối tuần đặt ra các câu hỏi với các nhà văn Việt Nam xung quanh hiện tượng này:

"Anh/chị có quan tâm đến tác phẩm Harry Potter đến với văn hoá đọc của người Việt nói chung và giới trẻ nói riêng? Anh có đọc tác phẩm này và có mua cho con cháu mình đọc? Là người hoạt động văn chương, anh nghĩ sao khi tác giả Rowling xứ người kiếm hơn 19 ngàn tỷ tác quyền từ Harry Pottet, trong khi nhà văn xứ ta khó sống bằng tác quyền sách? Nhà văn Việt có nên học tiếng Anh để tác phẩm được phổ biến rộng hơn trong thời toàn cầu hoá?".

Thể thao & Văn hóa Cuối tuần đã "chọn ngẫu nhiên" nhà thơ - nhà báo Phan Hoàng (Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM), nhà văn Trần Nhã Thụy và Tiến Đạt để giải đáp các câu hỏi nêu trên.

Nhà thơ, nhà báo Phan Hoàng: Tôi đọc ké Harry Potter của con mình!

Một tác phẩm hấp dẫn như Harry Potter chẳng những quyến rũ bạn đọc nhỏ tuổi mà tôi nghĩ người lớn cũng phải đọc. Thế giới kỳ ảo đầy thú vị trong Harry Potter từ sự liên tưởng tài hoa của nhà văn Rowling đã mang lại vẻ đẹp trí tuệ và nhân văn, khơi mở cho tâm hồn người đọc cùng đồng hành và thả sức tưởng tượng của mình vào thế giới diệu kỳ vừa xa lạ vừa gần gũi ấy.


Nhà thơ, nhà báo Phan Hoàng

Không phải tôi mua mà tôi lại đọc “ké” của con mình về Harry Potter. Vì hai đứa con tôi cực kỳ mê đọc sách, luôn dành dụm tiền để mua sách. Nghe tác phẩm nào hay, phù hợp lứa tuổi mình là chúng đòi đi mua ngay, hoặc đặt mua sách qua mạng.

Mọi so sánh đều khập khiễng, nhưng rõ ràng những hiện tượng văn chương như Harry Potter đáng để các nhà văn Việt Nam suy ngẫm, nhất là những cây bút nhiệt huyết viết cho thiếu nhi.

Bạn đọc ở lứa tuổi nào bây giờ cũng đều rất thông minh, và họ luôn chờ đợi những sản phẩm có giá trị thực sự từ nhà văn. Việc nhà văn ở ta có sống được bằng tác quyền hay không thì phụ thuộc vào nhiều yếu tố và bằng những con đường khác nhau. Như tôi, biết mình không đủ tài sống bằng nhuận bút sách thì sống bằng nhuận bút báo để nuôi dưỡng con đường sáng tạo văn học theo kiểu riêng mình.

Đây là điều cần thiết. Biết được càng nhiều ngoại ngữ càng tốt, chứ không riêng tiếng Anh. Tuy nhiên, do điều kiện địa lý và hoàn cảnh lịch sử, tôi nghĩ các nhà văn thế hệ tôi trở về trước khó mà tự chuyển thể tác phẩm của mình sang tiếng Anh, mà cần đến sự hỗ trợ của những dịch giả tài năng. Tôi nghĩ đây cũng là điều mà các bạn văn trẻ đi sau cần suy nghĩ để tự mình tìm con đường tốt nhất phổ biến tác phẩm ra bạn đọc thế giới.

Nhà văn Trần Nhã Thụy: Chúng ta cũng khao khát phép màu

Là một người viết, tôi đương nhiên là rất quan tâm đến hiện tượng Harry Potter. Những tập đầu tiên của Harry Potter khi được ấn hành ở Việt Nam, tôi cũng mua về đọc. Nhưng là đọc vì tò mò hơn là thích thú. Đơn giản vì gu văn chương của mình không phải là Harry Potter. Sau thấy sách bán chạy ầm ầm, được dựng thành phim sốt xình xịch thì rất kính nể bà J. K. Rowling. Kính nể và thèm muốn. Nhưng cũng biết đó không phải là vấn đề của mình, câu chuyện mà mình thực sự quan tâm.

Theo quan sát của tôi thì độc giả trẻ Việt Nam rất thích Harry Potter và đây từng được xem là hiện tượng đọc. Có lẽ, từ lâu rồi, chúng ta thiếu những tác phẩm hư cấu chuyên chở giấc mơ và trí tưởng tượng như không có điểm dừng. Chúng ta cũng khao khát phép màu, như bao đứa trẻ thích mê mệt cái túi thần kỳ của chú mèo máy Doraemon.


Nhà văn Trần Nhã Thụy

Nếu như có sự tự vấn thì những người viết cũng nên nghĩ về điều đó. Bởi lâu nay chúng ta vẫn quan niệm văn chương là phản ánh hiện thực, phản biện những vấn đề nóng bỏng của xã hội. Nhà văn nào không "hiện thực hết mình" thì bị chê bai, thậm chí là bị lên án. Và, chúng ta dường như cũng quên mất một điều: văn chương cũng có chức năng giải trí.

Có lẽ Harry Potter đáp ứng nhu cầu giải trí đó một cách cực tốt, nên nó gây sốt. Nhưng, nghĩ về Harry Potter tôi vẫn luôn ngạc nhiên và khâm phục.

Tôi có mua Harry Potter cho con mình đọc. Nhưng không hiểu sao cậu bé con tôi lại không thích đọc. Ngay cả phim Harry Potter, thỉnh thoảng tôi cũng ngồi xem say sưa thì cậu bé cũng không thích xem. Tôi hỏi vì sao con không thích thì cậu bé chỉ trả lời ngắn gọn là: "Vì nó dở lắm".

Nhưng cậu con trai của tôi lại thích đọc truyện của Nguyễn Nhật Ánh. Những cuốn truyện dài của Nguyễn Nhật Ánh là những tập sách chữ (gọi vậy để phân biệt với truyện tranh) đầu tiên của con tôi.

Về chuyện tác quyền của bà J. K. Rowling, như tôi nói chỉ là "thèm muốn", nghĩ tới nó chỉ thêm... tủi thân thôi.

Harry Potter đã thay đổi thế giới như thế nào?

Harry Potter đã thay đổi thế giới như thế nào?

Đêm Chủ nhật vừa qua, người hâm mộ trên toàn thế giới, trong trang phục của giới phù thủy, đã đổ ra đường ăn mừng Harry Potter and the Cursed Child (tạm dịch Harry Potter và Đứa trẻ bị nguyền rủa), được coi là phần 8 của bộ truyện này.

Nhiều bạn bè của tôi, khi nghe tôi giải thích về chuyện tác quyền đều trố mắt: "Vậy nhà văn sống bằng gì?". Tôi cũng không biết trả lời thế nào ngoài nụ cười... méo xệch. Chẳng hạn bỏ ra vài năm để viết một cuốn tiểu thuyết, thì tiền tác quyền cũng chỉ đủ để nhà văn mua sách tặng và đãi bạn bè một vài cuộc nhậu nho nhỏ. Nói ra thì nghe ngậm ngùi. Nhưng mà, đây là cuộc chơi tự nguyện. Nói cho cùng có ai ép mình viết đâu, cho nên than thở để làm gì. Và, nói cho cùng thì cũng do mình bất tài.

Theo tôi, không phải cứ nhà văn Việt Nam giỏi tiếng Anh viết bằng tiếng Anh là xuất khẩu văn chương được. Văn chương là sản phẩm đặc thù, tác phẩm phải xuất sắc, đụng chạm và giải quyết những vấn đề mang tính thời đại, toàn cầu hoặc đi sâu vào bản sắc độc đáo của một miền đất, một dân tộc, thì mới có thể phổ biến rộng khắp được. Nói nôm na thì tác phẩm phải đặc sắc.

Nhà văn không cần giỏi tiếng Anh, miễn là có những bản dịch sang tiếng Anh hay.

Nhà văn Tiến Đạt: Cần công nghệ bán hàng hỗ trợ nhà văn

Tôi chỉ quan tâm Harry Potter vì hai lý do: Thứ nhất, đây là một trong những sản phẩm văn hóa đọc gây đình đám nhất thế giới trong thời gian qua. Thứ hai, liên quan công nghệ kinh doanh sách quốc tế cực kỳ chuyên nghiệp.

Độc giả Việt quan tâm, tiếp nhận Harry Potter, trước hết thông qua công tác PR chuyên nghiệp từ các nhà kinh doanh sách quốc tế, và đối tác mua bản quyền của Việt Nam. Tất nhiên, sức hút từ nội dung tác phẩm, phù hợp số đông độc giả trẻ Việt Nam, là điều không cần phải bàn cãi.

Ở đây, xét tác phẩm là một hàng hóa thuần túy. Trong kinh doanh hàng hóa, sự thành công phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trước hết, cần thấu hiểu thị trường, xu hướng tiêu dùng của khách hàng, vòng đời sản phẩm, công nghệ quản trị, quản lý, nghệ thuật bán hàng, quảng bá tiếp thị, chăm sóc khách hàng, chất lượng sản phẩm, dịch vụ... Tóm lại, phải là công nghệ. Tất nhiên, kinh doanh hàng hóa cũng có yếu tố may mắn.


Nhà văn Tiến Đạt

Harry Potter là sản phẩm xếp vào hạng mục mang lại hàng tỉ USD, thuộc hàng hiếm, trừ những loại sách mang tính tôn giáo đại chúng. Nó là sản phẩm có sự cộng gộp của công nghệ kinh doanh sách (đến sau) và tài năng nhà văn (tạo ra sản phẩm trước đó).

Hỏi có bao nhiêu nhà văn Việt sống bằng tác quyền? Số này đếm đầu ngón tay. Tôi cũng chưa thấy thống kê có bao nhiêu tỉ lệ nhà văn các nước chỉ thuần túy thu nhập bằng tác quyền, dù chỉ bằng phần nhỏ như nhà văn J. K. Rowling. Chắc chắn, cũng không nhiều.

Cũng thực sự không công bằng cho nhà văn Việt Nam nếu so sánh với nhà văn các nước tiên tiến. Ở đây, tôi không đề cập tài năng, mà chỉ nhìn ở khía cạnh không gian đọc, tỉ lệ người dân thường đọc sách, công nghệ kinh doanh sách, sự tôn trọng tác quyền, vai trò của nhà văn trong xã hội...

Khi Rowling 'thôn tính' cả bản dịch Việt 'Harry Potter'

Khi Rowling 'thôn tính' cả bản dịch Việt 'Harry Potter'

Ít người biết, tất cả các bản dịch 'Harry Potter', kể cả bản tiếng Việt, đều được nhà văn J. K. Rowling mua lại.

Tôi chỉ nêu một ví dụ rất nhỏ khi có dịp đi qua nhiều nước, mà ở đó phương tiện công cộng là chủ yếu, và ta nhìn thấy cảnh nhiều người cầm theo sách đọc. Hoặc tại các tuyến điểm du lịch, như bãi biển, hồ bơi khách sạn…chúng ta sẽ nhìn thấy cảnh người ta thảnh thơi nằm đọc sách trong kỳ nghỉ.

Tôi chỉ nghĩ tiếng Anh chỉ là phương tiện để giao tiếp, trao đổi, làm việc trong thời kỳ toàn cầu hóa, chứ nhà văn Việt không cần phải viết bằng tiếng Anh. Thế mạnh của nhà văn là ngôn ngữ của mẹ đẻ, và sức hút của tác phẩm nằm ở nội dung, thông điệp chuyển tải. Khi tác phẩm tiếng Việt thành công, phù hợp gu độc giả thế giới thì sẽ có hàng chục, hàng trăm nhà xuất bản thế giới tìm đến để chuyển ngữ sang hàng chục, hàng trăm ngôn ngữ khác. Cũng như Harry Potter đã được chuyển ngữ sang hàng chục ngôn ngữ, trong đó có tiếng Việt của chúng ta.

Thanh Kiều (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...