Nhà báo Trần Nhật Vy: Tìm lại văn chương Sài Gòn một thời bị… thất lạc
(Thethaovanhoa.vn) - NXB Văn hóa Văn nghệ vừa ấn hành cuốn Văn chương Sài Gòn 1881 - 1924 (văn xuôi tập 1) do nhà báo Trần Nhật Vy sưu tầm. Cuốn sách này đem lại cho người đọc những tư liệu quý về thời kỳ đầu của văn chương chữ quốc ngữ.
- Nhà văn Vũ Thiên Kiều: Trong văn chương, không có dòng chảy 'soái ca'
- Đạo văn, chuyện muôn năm cũ của giới văn chương
Lâu nay, người ta vẫn cho rằng, tác phẩm văn xuôi chữ quốc ngữ đầu tiên là Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách in lần đầu 1925 tại Hà Nội. Nhưng bằng các tài liệu sưu tầm được, Trần Nhật Vy khẳng định rằng văn chương chữ quốc ngữ xuất hiện cùng thời với báo chữ quốc ngữ tại Sài Gòn.
Thể thao & Văn hóa có cuộc trò chuyện với nhà báo, nhà nghiên cứu Trần Nhật Vy:
* Tác phẩm văn xuôi chữ quốc ngữ đầu tiên theo ông là tác phẩm nào, xuất hiện lúc nào và ở đâu?
- Trong quá trình tìm hiểu về lịch sử báo chí Sài Gòn, tôi phát hiện ra một điều đáng chú ý. Đó là sự thay đổi đột ngột của mục Thứ vụ trên Gia Định báo vào ngày 1/12/1881 (Gia Định báo xuất bản tại Sài Gòn, số ra đầu tiên ngày 15/4/1865). Trước đó, mục Thứ vụ là mục viết những thông báo linh tinh của chánh quyền. Tới ngày 1/12/1881, trong mục này bỗng xuất hiện ba bài viết văn xuôi ngắn chiếm nửa trang báo khổ A3, không có tên tác giả, gồm: Cách thế cứu người chết ngột, Tên chăn bò và Thằng ăn trộm với con heo. “Cách thế cứu người chết ngột” (đúng ra là chết ngộp) là một bài khoa học thường thức. Còn hai bài kia là truyện.
Phải chăng đây là những truyện đầu tiên được đăng trên báo quốc ngữ? Nhưng tác giả là ai? Sau đó, tôi đọc cuốn Phansa diễn ra quấc ngữ của ông Trương Minh Ký in năm 1884 và tái bản năm 1886, tôi phát hiện trong đó có đăng hai truyện này.
Phansa diễn ra quấc ngữ là những truyện “chuyển thơ ngụ ngôn La Fontain thành văn xuôi” của ông Trương Minh Ký. Với tôi, dù là chuyển thể từ thơ, nhưng đây là những truyện đầu tiên, viết bằng văn xuôi, in trên báo quốc ngữ Sài Gòn. Vì vậy tôi chọn thời điểm 1881 làm cái mốc bắt đầu cho văn chương Sài Gòn.
* Và ông chọn mốc 1924 để dừng lại là vì…?
- Quyết định chọn năm 1924 làm cái mốc tạm dừng của văn chương Sài Gòn, tôi mong mọi người biết rằng, trước khi Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách - tiểu thuyết hiện đại đầu tiên ra đời năm 1925, thì trước đó 40 năm, Sài Gòn đã có rất nhiều truyện, tiểu thuyết, dài ngắn khác nhau rồi. Tôi gọi đây là thời kỳ mà “nền văn chương Sài Gòn bị thất lạc”.
* Văn chương Sài Gòn thời kỳ này có những đặc điểm gì để nhận diện, thưa ông?
- Vì viết cho mọi người nên văn chương Sài Gòn viết bằng tiếng nói thường dùng, với nguyên liệu chính là cuộc sống thường ngày. Đó là chuyện thời sự mới diễn ra tháng rồi, là chuyện tình của cô Tám, cô Chín, là chuyện của người nghèo, người giàu và cả người “chưa giàu”...
Đã là văn chương thì phải được “nâng lên”, được hư cấu, thêm mắm dặm muối như người đầu bếp lành nghề nấu ăn. Nên ai đọc đều thấy có mình trong đó, đều cảm thương cho số phận nhân vật, đều tin rằng cuộc sống khó khăn nhưng vượt qua được. Thậm chí có độc giả còn nghĩ rằng, nhân vật là có thật và đang đồng hành cùng họ.
* Như vừa nói, văn chương chữ quốc ngữ ở Sài Gòn một thời gắn với báo chí Sài Gòn, và đó cũng là một nét riêng?
- Vì gần cuộc sống, vì dành cho mọi người, vì là truyện đăng báo, nên văn chương Sài Gòn không cầu kỳ, không chải chuốt, không bóng bẩy, không làm dáng mà bình dị, nhẹ nhàng, thô ráp, văn gần với tiếng nói. Văn chương Sài Gòn là văn chương viết từng kỳ, viết để in liền nên mỗi kỳ phải hấp dẫn người đọc.
Có nhà văn, mỗi ngày tới ngồi ở tòa soạn báo viết liền một mạch rồi đưa cho ấn công đem xếp chữ. Do đó, có khi chữ nghĩa không được biên tập, sửa chữa cho gọn gàng, câu cú nhiều lúc lộn xộn. Đó cũng là phong cách của nhiều nhà văn Sài Gòn kéo dài cho tới năm 1975.
* Xin cảm ơn ông!
Các truyện sưu tập từ cuối thế kỷ 19 Văn chương Sài Gòn 1881 - 1924 dự kiến có 5 tập, trong tập 1 chuyên về văn xuôi, Trần Nhật Vy chọn đăng lại các truyện ông sưu tầm trên các báo chữ quốc ngữ thời kỳ đầu, như: Gia Định báo, |
Hoàng Nhân (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa