Nghe lại 10 bài ca bất tử của thời khắc chiến thắng 30/4
Tiến về Sài Gòn
Sáng tác: Lưu Hữu Phước
Trình bày: Quang Hưng
Tiến về Sài Gòn được nhạc sĩ Lưu Hữu Phước sáng tác vào năm 1966 trong một nhiệm vụ sáng tác để cổ vũ cho cuộc tiến công và nổi dậy năm 1968. Đúng 9 năm sau, ngày 30/4/1975, ca khúc này đã được mở trên đài phát thanh chỉ vài phút sau lời đầu hàng của tổng thống Việt Nam Cộng Hòa, Dương Văn Minh.
Ca sĩ Quang Hưng là người đầu tiên thể hiện ca khúc này.
Giải phóng miền Nam
Nhạc: Lưu Hữu Phước
Thơ/lời: Lưu Hữu Phước, Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ
Trình bày: Hợp xướng Đoàn ca múa Tổng cục Chính trị
Ca khúc này cũng được xem là bài hát mang tính tiên đoán chính xác của nhạc sỹ Lưu Hữu Phước. Ông sáng tác bài này vào năm 1961 nhân dịp thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Ngày 20/7/1961 Hội Văn nghệ giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập và đã giao cho ba nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ, Huỳnh Văn Tiểng sáng tác tập thể một bài hát làm bài ca chính thức của Mặt trận. Các ông Mai Văn Bộ và Huỳnh Văn Tiểng đã phác thảo xong ca từ của bài hát, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước được phân công viết phần nhạc. Một tuần sau, ca khúc Giải phóng miền Nam ra đời.
Khi nghe ba nhạc sĩ hát bài Giải phóng miền Nam lần đầu để duyệt, ông Phạm Hùng, khi đó là cán bộ cấp cao của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam đã đứng lên nói to: "Được rồi, hay lắm! Vùng lên nhân dân miền Nam anh hùng! Vùng lên! Xông pha vượt qua bão bùng! Vận nước đã đến rồi... Hay hết sức! Hoan nghênh và cảm ơn các đồng chí".
Từ đây, bài hát nhanh chóng được phổ biến rộng rãi qua sóng phát thanh của Đài Phát thanh Giải phóng miền Nam và các đoàn văn công quân Giải phóng.
Hát cho dân tôi nghe
Sáng tác: Tôn Thất Lập
Trình bày: Bích Liên – Kiều Hưng
Ca khúc Hát cho dân tôi nghe đã ra đời trong những ngày nhạc sĩ Tôn Thất Lập tham gia tranh đấu trong phong trào sinh viên, học sinh tại Huế. Ông nhớ lại rằng “bài hát này tôi viết ở cố đô cuối năm 1966, trong những ngày hừng hực khí thế đấu tranh. Tổng đội sinh viên Huế phổ biến bài hát trong phong trào. Ðêm nhạc đầu tiên mang tên Tôn Thất Lập - Hát cho dân tôi nghe tổ chức tại giảng đường C, Ðại học Văn khoa Huế. Mới mở đầu đêm nhạc, cảnh sát Sài Gòn đã bao vây tất cả các con đường, cấm mọi người vào dự”.
Đây là một trong những bài hát nằm trong phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe mà nhà văn Trần Bạch Đằng từng nhận xét rằng “làm run rẩy cả một chế độ. Nó đưa cả một khí thế quần chúng dữ dội, thực sự dấn thân, cả trong tù".
Tiếng hát thành phố mang tên Người
Nhạc: Cao Việt Bách
Lời: Đăng Trung
Thể hiện: Hữu Nội - Hợp xướng Đài Tiếng nói Việt Nam
Tiếng hát thành phố mang tên Người có phần lời là của nhà báo Đăng Trung, lúc ấy đang là phóng viên của báo Tiền Phong. Tháng 3/1975 ông nhận nhiệm vụ viết một bài báo đặc biệt về Sài Gòn đón chào ngày chiến thắng. Ông thức trắng đêm viết bài báo "Từ thành phố này, Người đã ra đi". Bài báo được in sau đó nhưng cái tít được sửa là "Cách đây 64 năm, từ Sài Gòn, Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước". Dù tít có vẻ báo chí hơn nhưng ông cứ tiếc mãi cho cái tứ "Từ thành phố này, Người đã ra đi...". Và ngay đêm đó, một đêm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông hì hục làm một bài thơ với cái tứ ấy.
May mắn đến không ngờ, run rủi đến ngạc nhiên là cũng chính vào lúc bài thơ được hoàn thành thì nhạc sĩ Cao Việt Bách đến chơi. Hai người thù tạc với nhau đến gần nửa đêm trong căn gác hẹp tại khu tập thể Trương Định. Họ bàn với nhau về thơ, về nhạc, về "sự kiện 30-4" mới xảy ra… Lúc chia tay bạn, Đăng Trung đưa Cao Việt Bách bản thảo bài thơ mới viết và dặn: "Phải có một cái gì về ngày trọng đại này ông ạ"…
Và thật bất ngờ, ngay hôm sau, không phụ lòng của bạn, Cao Việt Bách đem đến bản nhạc bài hát Tiếng hát từ thành phố mang tên Người hoàn chỉnh. Hai người bạn ôm chầm nhau hát vang: "Thành phố Hồ Chí Minh ngời ngời rực sáng tương lai, trong mỗi trái tim, trong mỗi ước mơ, trong mỗi cuộc đời ta luôn nhớ Bác".
Mấy hôm sau, khi bài thơ của Đăng Trung còn chưa kịp in báo thì bài hát đã được vang lên trên làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam.
Bài thơ, bài hát được nhiều người biết đến phải kể đến qua giọng hát của ca sĩ Kiều Hưng, người đầu tiên hát bài hát này, sau đó là ca sĩ Hữu Nội "lĩnh xướng" trong dàn hợp xướng của Đài Tiếng nói Việt Nam, tiếp đó là Dương Minh Đức, Doãn Tần- những ca sĩ quân đội…
Bài ca người nữ tự vệ Sài Gòn
Nhạc: Phạm Minh Tuấn
Thơ: Lê Anh Xuân
Trình bày: Tốp nữ Đài Tiếng nói Việt Nam
Tận mắt chứng kiến hình ảnh hồn nhiên và dũng cảm của những thiếu nữ Sài Gòn tải đạn, cứu thương, dẫn đường cho quân giải phóng trong cuộc Tổng tiến công mùa xuân Mậu Thân, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn đã thực sự thăng hoa trong giai điệu Bài ca người nữ tự vệ Sài Gòn.
Lời bài hát được giao cho nhà thơ Lê Anh Xuân, song chưa kịp hoàn thành thì nhà thơ đã hy sinh. Phần lời còn lại được nhạc sĩ viết tiếp và ngay sau khi phát trên làn sóng Đài Phát thanh Giải phóng năm 1968, bài hát đã phổ biến trên khắp hai miền Nam Bắc.
Như có Bác trong ngày đại thắng
Sáng tác: Phạm Tuyên
Thể hiện: Tuyết Thanh - Đặng Hùng - Hợp xướng Đài TNVN
Đầu tháng 4/1975, nhạc sĩ Phạm Tuyên được Trần Lâm, Tổng giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam, giao nhiệm vụ sáng tác một tác phẩm lớn để mừng ngày chiến thắng sắp đến. Đêm 28/4/1975, sau khi nghe bản tin cuối cùng của đài có tin phi công Nguyễn Thành Trung ném bom sân bay Tân Sân Nhất, chỉ trong vòng chưa đầy 2 tiếng đồng hồ từ 9 giờ 30 phút tối đến 11 giờ ông đã viết xong bài Như có Bác trong ngày đại thắng.
Sáng 30/4, nhạc sĩ được ban biên tập đài triệu tập và bài hát Như có Bác trong ngày đại thắng đã được chọn để phát vào chương trình thời sự đặc biệt lúc 17h chiều khi Việt Nam chính thức công bố tin giải phóng Miền Nam trước toàn thế giới. Nhạc sĩ Phạm Tuyên cho biết "Lời bài hát như là tiếng lòng, là ước vọng bao nhiêu lâu mình mong ước, có không biết bao nhiêu người cảm động và khóc khi hát vang khúc ca này. Và cảm giác bài hát như có sẵn rồi, không phải là tôi thì sẽ là một nhạc sĩ khác của dân tộc viết ra nó".
Trong một lần, khi được một người đồng nghiệp hỏi: "Ông sáng tác ca khúc trong thời gian bao lâu?", nhạc sĩ Phạm Tuyên trả lời: "Chỉ có 2 giờ. Nói đúng hơn là chỉ có 2 giờ cho cả cuộc đời".
Tuổi trẻ thế hệ Bác Hồ
Sáng tác: Triều Dâng
Trình bày: Phan Muôn - Hợp ca nam nữ Đài Tiếng nói Việt Nam
Nhạc sĩ Triều Dâng mất 8 năm để hoàn thành ca khúc này. Ông sáng tác lần đầu vào năm 1969 khi những người bạn của ông lên đường vào chiến trường, “Gương mặt họ ai cũng náo nức, tươi cười rạng rỡ như đi dự một ngày hội lớn chứ không phải đang dấn thân vào một cuộc chiến tranh một mất một còn. Những gương mặt ấy, nụ cười ấy, ánh mắt ấy và không khí náo nức ấy đã tạo nên nguồn cảm xúc dào dạt, rất mạnh ập vào tôi, bật thành những nốt nhạc”.
Bài hát khi mới ra đời có tới ba lời nhưng ông cứ lấn cấn mãi nên cuối cùng ông quyết định chời thờ điểm thích hợp để làm hoàn chỉnh. Năm 1977, khi đang là biên tập viên của Đài truyền hình TP.HCM, một buổi sáng nhạc sĩ Triều Dâng chạy ngang qua dinh Thống Nhất, hình ảnh các má chạy theo vẫy tay tiễn đưa những đứa con trên chuyến xe đi xây dựng kinh tế đã để lại những phút giây chín muồi cho cảm xúc của nhạc sĩ. “Tôi chú ý đến một bà má, miệng nửa khóc nửa cười rất đặc biệt. Nhờ bà má đó tôi mới dứt khỏi được chỗ lấn cấn theo tôi dai dẳng suốt tám năm”, nhạc sĩ Triều Dâng kể.
Và lời ca bắt đầu tuôn trào “Từ biển khơi đến miền rừng núi cao/Cờ Đoàn ta mang ảnh Bác với tên Người vĩ đại/Hồ Chí Minh! Công ơn của Bác như biển trời/Tình Người ấm trong tim ta trên đường tranh đấu”, rồi “Là công sức ta xây nên đất trời Tổ quốc thêm xanh tươi/ thỏa lòng mong ước của Bác Hồ đêm ngày hằng mong”. Một tuần sau, nhạc sĩ Triều Dâng phối khí và mời hai ca sĩ đến tập ca khúc. Và Tuổi trẻ thế hệ Bác Hồ khi được Việt Thắng và Nguyên Hồ - hai người đầu tiên hát trên sóng truyền hình trong chương trình giới thiệu ca khúc mới hằng tháng (tháng 3/1977), đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của khán giả.
Sáng tác: Hoàng Hà
Trình bày: Trung Kiên
Ca khúc Đất nước trọn niềm vui được nhạc sĩ Hoàng Hà viết trong đúng một đêm 26/4/1975 tại căn nhà ở Yên Phụ, gần Hồ Tây, Hà Nội. “Khi ấy, cảm xúc cao trào, bỗng bật ra giọng hò Đồng Tháp của chị văn công giải phóng năm nào cứ vút cao đưa tâm hồn tôi bay lên, say trong không gian của non sông anh hùng ngày hoàn toàn giải phóng!"
Viết xong bài hát, ngay sáng hôm sau, nhạc sĩ mang đến Đài Tiếng nói Việt Nam. Khi đó, nhạc sĩ Nguyễn An là tổ trưởng tổ biên tập đọc và duyệt, rồi ca khúc được giao ngay cho Nhà hát Giao hưởng Việt Nam.
Nhạc sĩ trầm ngâm đánh giá: "Thật là một thời điểm kỳ lạ, mà suốt cuộc đời sáng tác của tôi chưa bao giờ làm được. Chính là các chiến công thần kỳ của quân và dân ta năm ấy đã làm cho mỗi người đều cảm thấy mình như lớn lên, tìm được những cảm xúc mạnh mẽ chưa từng thấy."
Nhớ lại buổi thu âm đầu tiên ấy, nhạc sĩ Hoàng Hà kể rằng ông đã rất xúc động khi nghe giọng hát của nghệ sĩ Trung Kiên. "Anh ấy hát có sự đồng cảm, hoàn toàn như tưởng tượng của tôi về ngày toàn thắng vậy," ông nói.
Hoàng Hà viết ca khúc lịch sử này khi ông chưa đặt chân vào Sài Gòn. Nhiều người vẫn nghĩ rằng nhạc sĩ đã có mặt tại Sài Gòn trong những ngày đầu sôi động ấy. Nhưng nhạc sĩ Hoàng Hà chia sẻ, như lời bài ca "Ta muốn bay lên say ngắm sông núi bao la," khi ấy tôi ở Hà Nội và muốn được bay lên thực để vào ngay với miền Nam, để nhìn khắp núi sông trong niềm tự hào khôn tả.
Đến nay, ca khúc Đất nước trọn niềm vui vẫn luôn vang lên rất đỗi tự hào. Nhạc sĩ-nghệ sĩ ưu tú Hoàng Lương, con trai nhạc sĩ Hoàng Hà, nói: "Chỉ một chữ 'trọn' trong nhan đề bài hát mà tôi thấy kính phục cha mình quá. Phải sống dưới bom Mỹ, bị mảnh bom găm cả vào gối ngủ như gia đình tôi trong đêm Hà Nội năm ấy thì mới càng hiểu ý nghĩa của chữ 'trọn' trong trọn vẹn niềm vui ấy! Vì trước đó, miền Bắc được sống trong hòa bình, ai cũng thấy vui và tin tưởng nhưng 'trọn' niềm vui lớn lao đúng nghĩa thì phải đến 30/4/1975, khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước”.