Lê Cát Trọng Lý: Tầm cao mới trong world music
Lý cởi bỏ chiếc áo dân gian đương đại, bỏ luôn vai trò là linh hồn của một đêm nhạc để góp mình vào một tổng thể lớn hơn. Ở đó, giọng hát của Lý trở thành một nhạc cụ, hòa mình vào chất world music biến ảo và Lý đã cho thấy khả năng âm nhạc của mình đã lên một tầm cao mới.
Thăng hoa trong không gian âm nhạc mới
Stanpoint Theories - Câu Chuyện Vietnam là một dự án kết hợp nhiều nhà sáng tạo trẻ, tập trung xây dựng một cuốn tiểu thuyết bằng điện tử kể về 6 câu chuyện huyền thoại Việt Nam và được truyền tải đến khán giả qua hình ảnh đồ họa, phụ đề tiếng Việt, múa tương tác (interactive dance), nghệ thuật thị giác (live visual art)/3D mapping và âm nhạc điện tử sống (live electronic music) hòa quyện cùng âm nhạc Việt Nam.
Nhà sản xuất dự án này suốt 1 năm qua đã dành thời gian tìm hiểu để có thể xây nên một câu chuyện mang tính hoàn toàn Việt Nam, được kể lại qua những truyền thuyết. Cách đây 3 tháng, khi sườn nội dung đã hình thành, nhà sản xuất đã mời Lê Cát Trọng Lý tham gia với vai trò là người soạn giai điệu, lời ca và hát chính.
Khi Lý đồng ý tham gia dự án này, cô chỉ mất khoảng 1 tháng để viết ra 6 tác phẩm: Con rồng cháu tiên, Sơn Tinh, Phù Đổng Thiên Vương, Chữ Đồng Tử, Bà Chúa Liễu và Câu chuyện về Bà Chúa Xứ. Những tác phẩm này có thể xem là một hướng đi rất khác với “khuôn” dân gian đương đại của Lý bấy lâu, bởi nó được “gò” trong không gian của world music.
Với những ai là fan ruột của Lý bấy lâu sẽ thật sự shock khi Lý hoàn toàn biến đổi phong cách. Ở đó, cô không cần ôm guitar như đã từng, không cần những lời dẫn chuyện nhỏ nhẹ, không cần những triết lý thường phải nín thở để lắng nghe… Lý trở thành một vệt màu trong tổng thể. Những đoạn giả thanh cao vời vợi biến cô thành một Lý rất “electro”. Ở đó, những câu chuyện không quan trọng ở phần lời nữa, nghe Lý hát mà như thể chẳng thấy cô hát gì, lời bị nuốt đi, những tiếng à ơi lên cao vút. Cô “bắt” người nghe phải căng tai, mở to mắt để cảm những câu chuyện truyền thuyết xuyên qua màn hình, xuyên qua vũ đạo, xuyên qua chất âm nhạc điện tử đầy hứng khởi của David Moses Haimovich và Bryon Ramsey.
Khi những âm thanh chấm dứt, ánh sáng cũng “nguôi” đi thì ở trong bóng tối, văng vẳng những giai điệu cao trào của Lê Cát Trọng Lý - một Lê Cát Trọng Lý rất khác.
Đúng ra, thể dạng âm nhạc này đã từng được Lý trình diễn tại Đại nhạc hội Pháp Việt diễn ra tại Dinh Thống Nhất năm 2013. Thời điểm đó, trong lễ hội ánh sáng ấy, Lý là một phần của cuộc trình diễn với âm nhạc điện tử. Nhưng đó chỉ là một lát cắt nhỏ chưa tạo nên một cái nhìn đầy đủ hơn ở một góc cạnh khác trong thế giới âm nhạc của Lê Cát Trọng Lý. Chỉ ở đây, trong dự án này Lý mới phô này hết những “giác quan” âm nhạc của cô, những góc cạnh khác thường.
Chỉ là một cuộc chơi?
Tuy vậy, với Lê Cát Trọng Lý, đây chỉ là cuộc chơi “bất thường” bởi cô vẫn e ngại rằng kiểu dạng âm nhạc này chưa quen tai với nhiều người mến mộ cô bấy lâu. Lý nói vậy vì có thể cô nghĩ rằng đây là một dự án của người khác và cô chỉ tham gia với tư cách khách mời?
Điều này cũng chưa hẳn bởi trong 4 suất diễn nói trên, có thể thấy Lý hòa nhập rất nhanh và cô hoàn toàn làm chủ được sân khấu, dù chỉ đứng vai trò cá thể nhỏ nhoi. Và vì thế nếu Lý tự do sáng tạo theo cách của mình, với một dự án âm nhạc điện tử của riêng cô thì cô cũng hoàn toàn có thể “nhập vai” như thế.
“Sự thật là tôi đang có dự án khác” - Lý chia sẻ. Suốt 2 năm qua, Lý lui về phía sau để chuẩn bị cho một dự án có thể sẽ trình làng vào tháng 10/2015, dự án này mang màu sắc dân gian thính phòng. “Tôi sẽ khoác chiếc áo mới cho những tác phẩm cũ và một vài bài hát mới tinh” - Lý nói.
Nhưng dù Lý có trình làng thêm những dự án mới thế nào nhưng cách đi của Lê Cát Trọng Lý vẫn nhận được sự nể trọng. Cô cẩn thận với âm nhạc của mình, nuôi dưỡng và hình thành nó một cách chuyên nghiệp. Và khi được trình làng, nó luôn đem đến những cảm giác rất mới.
Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa