Kịch 'Vòng phấn Kavkaz': Thách thức thói quen xem kịch
Các nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ đã rất phấn khích khi được diễn một vở kịch Đức nguyên bản, do chính đạo diễn người Đức hướng dẫn. Họ đang chuẩn bị cho đêm công diễn sắp tới 17/9.
Kịch từ thế kỷ 19 trên nền nhạc pop
Bertolt Brecht (1898-1956) là nhà thơ, nhà soạn kịch, đạo diễn sân khấu nổi tiếng người Đức. Tác phẩm Vòng phấn Kavkaz của ông là một vở kịch nổi tiếng được diễn ở nhiều nước trên thế giới.
Vở kịch lấy bối cảnh ở vùng Kavkaz, nơi xảy ra chiến tranh. Tại một dinh Tổng trấn tình cảnh hết sức hỗn loạn. Bà vợ của Tổng trấn chỉ lo cho đống của cải và thoát thân đã để đứa con cho cô hầu Grusche. Cô hầu buộc phải đem đứa trẻ đó chạy trốn, bảo vệ nó bằng tình yêu của một người mẹ, sẵn sàng hy sinh cả hạnh phúc riêng để nuôi nấng đứa bé.
Nhưng khi chiến tranh kết thúc, bà vợ Tổng trấn đến đòi lại con. Một phiên tòa đã được mở ra, quan tòa đã cho vẽ một vòng phấn từ đó minh định ai sẽ là người được quyền nuôi đứa bé. Dù câu chuyện xảy ra vào cái thời vẫn còn phân biệt giai cấp, có quan quân, có người hầu kẻ hạ, nhưng thông điệp cho đến giờ thì vẫn còn mới nguyên.
Vở kịch này đã được đạo diễn Dominik Guenther thêm nhiều yếu tố hiện đại từ quần áo đến súng ống, có nhắc đến truyền hình thực tế, có nhạc pop, có những pha đánh chậm giống phim hài... Một sự pha trộn kỳ lạ nhưng vẫn đảm bảo sự hợp lý. Vở kịch này sẽ không chiều theo lối thức thông thường của khán giả và buộc họ phải hoạt động trí não nhiều hơn.
Không thể xem theo lối thông thường
Xem diễn tập Vòng phấn Kavkaz thấy vở kịch này rất khác lạ. Người dẫn chuyện không đơn thuần là người dẫn chuyện, trong một số tình huống anh ta còn như "Chúa" sắp đặt diễn viên vào từng cảnh diễn, và anh ta được phép nói cho khán giả biết điều đó. Mỗi diễn viên sẽ đảm nhận 2 - 3 vai, chỉ khác nhau ở trang phục, chứ không hóa trang, nên có thể khiến khán giả thắc mắc. Đạo cụ trên sân khấu tối giản, được sử dụng cực kỳ linh hoạt. Một tấm gỗ lúc này là giường, lúc sau đã được diễn viên tự mang ra kê để làm chiếc cầu ở bờ sông. Một khung cửa gỗ do diễn viên tự cầm và thò đầu ra ngoài, có thể coi là một ngôi nhà. Những ước lệ như vậy có chút gì đó giống với Chèo của Việt Nam với những động tác mang tính ước lệ.
Sân khấu vở Vòng phấn Kavkaz không "đóng hộp", không còn có những màn tắt đèn, chuyển cảnh. Diễn viên sẽ tự ứng biến, không bị chi phối bởi bối cảnh cụ thể.
Về cơ bản Vòng phấn Kavkaz là một câu chuyện đầy đủ, có mở đầu, cao trào, kết thúc. Nhưng cách thức người ta sử dụng diễn viên để kể câu chuyện ấy cực kỳ linh hoạt, khó lường, khiến khán giả lúc mới xem sẽ rất bất ngờ và khó có thể đoán được nội dung như các vở kịch thông thường. Khán giả buộc phải tự kích hoạt trí tưởng tượng của mình.
"Phong cách này nhìn có vẻ phức tạp nhưng thực ra rất thông minh, khoa học, và cực kỳ logic. Người Việt Nam vẫn bị thói quen là một vở kịch phải đặt ra một vấn đề nào đó, luôn tự đặt câu hỏi vấn đề đó có logic hay không. Kịch theo phong cách Bertolt Brecht thì bất chấp nguyên tắc ấy" - nghệ sĩ Nguyễn Sĩ Tiến, Trưởng đoàn Kịch 2 cho biết.
Nhà hát Tuổi trẻ sẽ thực hiện 3 đêm diễn 17, 18, 19/9 vào lúc 20h tại rạp của nhà hát tại số 11 Ngô Thì Nhậm. Vé phát miễn phí tại Viện Goethe Hà Nội (56-58 Nguyễn Thái Học, Hà Nội) và Nhà hát Tuổi trẻ.
Ngọc Diệp
Thể thao & Văn hóa