Kathy Uyên: Cần thêm hộ chiếu cho điện ảnh
(Thethaovanhoa.vn) - “Một lần đang ngồi trong lớp học, nhận được tin báo 16h cùng ngày sẽ có casting quảng cáo, tôi phóng xe từ quận Cam về Los Angles. Casting một quảng cáo như vậy có đến mấy chục người, tôi cứ đến và chờ. Thử vai xong lại chạy về, kẹt xe phải mất gần 1 tiếng rưỡi mới về đến nhà. Tới nơi là lao vào làm bài cho ngày mai lên lớp. Tôi phải đấu tranh cho từng cơ hội nhỏ nhất như vậy, bây giờ nghĩ lại thấy mình thật điên rồ”, Kathy Uyên từng tâm sự như vậy về quyết tâm vào nghề của mình.
Sự “điên rồ” ngày ấy đã biến một cái tên lạ, nói tiếng Viêt chưa sõi, chỉ sau không đầy 4 năm thành “đắt giá” trong làng showbiz Việt Nam hiện nay, dù là đóng phim, làm MC hay đơn giản là đi dự event. Và bây giờ người đẹp lại đang gây chú ý với dự án phim Âm mưu giày gót nhọn bởi cô không chỉ đóng vai chính mà còn là nhà sản xuất và đồng viết kịch bản.
Diễn viên Kathy Uyên. Nhiếp ảnh: Thái Phạm. Stylist: Trà My
Ở Mỹ cơ hội nghề nghiệp quá hẹp
* Chị học song hành về kinh tế và điện ảnh, nghĩa là cơ hội nghề nghiệp ngang nhau, vì sao chị lại chọn phim, mà không phải là kinh tế?- Cái này là một thỏa thiệp, khi sắp thi đại học, ba má muốn tôi theo kinh tế cho ổn định về sau, nên đăng ký học cho ba má vui. Thế nhưng bản thân lại thích điện ảnh từ nhỏ, nên phải học song song để mình được hài lòng. Bây giờ nhìn vào hai tấm bằng mà phải cố gắng rất nhiều mới có được, dù có thích cái này hơn cái kia, nhưng tôi biết sau này nó đều giúp mình lập nghiệp.
Người Việt và người châu Á ở Mỹ ít ai muốn cho con gái mình theo nghiệp điện ảnh, đặc biệt nghề diễn viên, vì nhìn vào ti vi và màn ảnh là đủ thấy cơ hội nghề nghiệp quá hẹp. 5-7 năm trở lại đây còn có nhiều hi vọng, chứ 5-7 năm trở về trước thì càng khó. Không có nhiều cơ hội cho người Á châu. Hơn nữa, những con cái trong gia đình Việt Nam thì càng khó theo nghề này, vì thế hệ cha mẹ vừa trải qua quãng thời gian khó khăn, ai cũng muốn con cái thành kỹ sư, luật sư, bác sĩ… để ổn định về sau.
* Bước vào trường điện ảnh, chị không học ngay về diễn xuất, tại sao vậy?
- Đúng vậy, lúc đó tôi còn e dè và muốn thăm dò mình bằng các bộ môn lân cận như lịch sử điện ảnh, viết kịch bản, nghiên cứu truyền hình, tổ chức sản xuất, tuyển chọn diễn viên… Quyết tâm đi theo đam mê của mình, nhưng chưa đủ mạnh mẽ để dứt bỏ tất cả, có lẽ do tôi vẫn là phụ nữ Việt, muốn mọi việc diễn ra nhẹ nhàng, tình cảm. Không hiểu sao tôi vẫn nghĩ diễn xuất là công việc của cảm tính, kinh nghiệm, chứ không phải là khoa học lý tính. Trong thời gian học ở trường University of California, Irvine (UCI, quận Cam), vào dịp nghỉ Hè tôi thường lái xe đến Los Angles để học những lớp diễn xuất chuyên nghiệp.
Khi biết đoàn phim nào cần người tình nguyện hay phụ việc không công, tôi đều vui vẻ tham gia. Trong 4 mùa Hè thời sinh viên, tôi đã có các công việc bán thời gian, thường là không công, với các hãng phim lớn như Warner Bros., DreamWorks, Sony Pictures…; có lúc tôi đã làm đến chức trợ lý sản xuất, tên được xuất hiện trong danh sách cuối phim. Tôi cũng có nhiều tháng ròng làm nghiên cứu viên cho các chương trình ti vi, từng phụ việc trong ngành sản xuất chương trình truyền hình….
* Chị nói cơ hội cho người châu Á ở kinh đô điện ảnh rất ít, vậy chị đã tìm cơ hội cho công việc mình yêu thích như thế nào?
- Như đã nói, diễn xuất là ước mơ từ nhỏ. Học xong, từ quận Cam, tôi đã quay trở lại Los Angeles để tìm kiếm cơ hội diễn xuất, nghe ở đâu có tuyển diễn viên là chạy đến nộp hồ sơ và chờ. Cuối tuần làm thêm việc để sinh sống và học các lớp diễn xuất chuyên nghiệp, trong tuần thì nghiên cứu các vai diễn mới và chờ đoàn phim gọi. Cơ hội cho các diễn viên trẻ quả là rất hiếm hoi, tôi lại chẳng giàu hoặc có nhiều quan hệ trong giới, nên càng khó khăn hơn.
* Chị đối mặt với cánh cửa hẹp đó như thế nào?
- Khó khăn là thế, nhưng khi nhìn quanh, tôi thấy nhiều người cũng giống như mình, vậy mà họ đã cố gắng để vươn lên, nên tôi quyết không bỏ cuộc. Với lại, đời sống ở Los Angeles rất văn nghệ. Ở đó có nhiều người ôm mộng thành nghệ sĩ, chỉ muốn phát triển con đường nghệ thuật thực thụ, họ có nhiều xuất thân và hoàn cảnh sống khác nhau. Tôi đã thấy nhiều người chỉ muốn sống đời nghệ sĩ mà chẳng bận tâm việc mình có nổi tiếng hay thành ngôi sao. Chính quãng thời gian sống đời diễn viên ở Los Angeles đã giúp tôi bình tĩnh với ước mơ và chọn lựa của mình. Cũng chính lúc ấy tôi thấy thích đời nghệ sĩ, thích sống với đam mê của mình, quyết làm hết sức, chẳng còn bận tâm đến chuyện mình có thành ngôi sao hay không.
Cảnh Kathy Uyên trong phim Âm mưu giày gót nhọn. Ảnh do đoàn phim cung cấp
Tại Việt Nam, lần đầu sản xuất phim
* Trong khoảng 10 phim mà chị đã tham gia với vai trò diễn viên, phần thành công nghiêng nhiều về phim làm tại Việt Nam. Nhưng thẳng thắn mà nói, tên tuổi của chị chưa đủ bảo đảm doanh thu để các nhà đầu tư tin tưởng bỏ tiền ra cho chị sản xuất. Chị cũng nói mình không giàu có, chỉ đủ tiền thuê nhà và đi taxi, vậy chị đã trở thành nhà xuất Âm mưu giày gót nhọn như thế nào?
- Thật sự tôi đã đầu tư hết công sức, đam mê để có ý tưởng cho một cốt truyện hay. Và sau đó đã thuyết phục được anh Timothy Linh Bùi (còn gọi là Tim Bùi – PV) và chị Irene Trịnh để cùng tham gia sản xuất phim, sau đó chúng tôi cùng phát triển kịch bản chi tiết trong hai năm. Và chúng tôi đã chia sẽ kịch bản với anh Hàm Trần và Galaxy Studio để cùng tham gia hợp tác và phát triển kịch bản tiếng Việt. Và cứ như thế Âm mưu giày gót nhọn ra đời nhờ sự góp sức của tất cả mọi người. Nếu không có họ một mình tôi không thể nào hoàn tất được bộ phim này.
Cũng xin nói thêm, trong mấy năm làm nghề tại Việt Nam, tôi may mắn có nhiều bạn bè và các mối quan hệ rất tốt với nhiều người trong giới, nên khi sản xuất phim này, tôi đã nhận được nhiều sự giúp đỡ của nhiều nhà đầu tư, nhiều nhãn hàng tài trợ, các nhà thiết kế và nhãn hàng thời trang, nếu họ không thương, chẳng biết bao nhiêu tiền cho đủ.
Athy Uyên tên đầy đủ Nguyễn Uyên Kathy, sinh ngày 28/4/1981 tại San Jose (Mỹ), từng đóng các phim như Supercapitalist (2012), Dead Trees (2012), Rice On White (2012), Để Mai tính (2010), Chuyện tình xa xứ (2009), Crossing Over (2009), Initation (2009), The Bracket (2008), How I Met Your Mother (2008), Finishing The Game (2007), Everything Must Go (2007), Maria Skid Marks (2007), On The Rocks (2006), Kiều (2006), Oan hồn (2004)… Trong bộ phim Supercapitalist thuộc thể loại tài chính hình sự, tâm lý tội phạm do Simon Yin đạo diễn, đang chiếu rạp tại Mỹ và vài nước khác, Kathy Uyên vào vai nữ chính.
* 5 năm ở Việt Nam chị mới có một vai chính. Có phải vì không có những lời mời vào vai chính mà chị ước muốn trở thành nhà sản xuất?
- Khoảng 3 năm trước, khi quay xong Để Mai tính, tôi đã có ước muốn này. Tôi từng chia sẻ với anh Timothy Linh Bùi, lúc ấy chắc anh Tim nghĩ tôi nói chơi thôi. Thế nhưng ý nghĩ đó cứ ám ảnh tôi mãi, đến một hôm, tôi đã thức suốt đêm để viết cái sườn câu chuyện, được mười mấy trang A4, theo cấu trúc mà tôi đã học ở trường. Đem cốt truyện này khoe với Tim, anh ấy rất vui và thích thú, hứa sẽ tham gia sản xuất khi có kịch bản hoàn chỉnh.
* Chị đánh giá thế nào về khả năng biên kịch của mình?
- Tôi cứ nghĩ việc hoàn thiện kịch bản sẽ mất chừng 6 tháng, lúc đầu nhờ sự giúp đỡ của nhà biên kịch trong nghề chúng tôi đã phát triển được 2 bản thảo, nhưng khi đọc lại, vẫn thấy còn chưa đủ. Sau đó Anh Tim đã giới thiệu một chuyên gia kịch bản ở Los Angeless, khi có bản tiếng Anh, chuyển ngữ và “chuyển cảnh” cho hợp hoàn cảnh Việt mất thêm 9 tháng nữa. Thật lòng tôi muốn một người Việt cùng viết kịch bản nhưng chưa có đủ duyên để gặp.
* Tại sao chị chọn Hàm Trần mà không phải là một đạo diễn nào khác?
- Tôi biết anh Hàm Trần từ những phim mà anh đã đạo diễn và thắng nhiều giải thưởng lớn, nhưng cũng ít tai biết là anh Hàm Trần từng tham gia vào các vở hài kịch sân khấu từ 10 năm trước, cùng với tay nghề làm và dựng phim rất chuyên nghiệp của anh ấy. Ngoài đời anh rất thông minh, dí dỏm và tài năng…, chính vì vậy mà chúng tôi muốn mời anh cho dự án của mình. Được Tim Bùi giới thiệu, chúng tôi đã vui vẻ làm việc với nhau, anh Hàm Trần đã góp ý và bổ sung nhiều tình tiết thú vị cho kịch bản. Nay phim đã đóng máy, dù con đường còn khá dài phía trước, nhưng tôi đã có cảm nhận rõ ràng rằng: được làm việc với Hàm Trần là một may mắn của tôi và đoàn phim.
Nhiếp ảnh: Fred Wissink
* Chị đặt cược gì vào Âm mưu giày gót nhọn?
- Trước khi tốt nghiệp đại học, chúng ta thường cần những luận văn, luận án để trình nhà trường, bộ phim này giống như tấm hộ chiếu để tôi đi sâu hơn vào lãnh thổ điện ảnh. Khoảng 10 năm trước, tôi nói với ba má rằng nghề khó khăn nào (ví dụ bác sĩ, luật sư, kỹ sư, nhà kinh tế…) cũng cần cả chục năm để nhập cuộc, vậy hãy cho con 10 năm để tìm kiếm cơ hội với điện ảnh. Quá trình chuẩn bị cho Âm mưu giày gót nhọn rất chông gai, có lúc khó khăn tưởng chừng như không làm nổi, tôi đã rất lo lắng, nay làm được, tôi quá hạnh phúc và xem đây là cơ hội quyết định tương lai của mình.
* Nói vậy, chị có nghĩ mình quá may mắn với cơ hội này không, khi mà cùng trang lứa, nhiều người còn chưa thể tìm được hướng đi trong điện ảnh?
Như Hà (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần