'Con tôi đâu rồi' - Bản cáo trạng chiến tranh của Joan Baez
Baez đã có 13 ngày “thực địa” tại Hà Nội đúng vào thời điểm mở màn của chiến dịch ném bom Linebacker II của Mỹ, rải thảm hủy diệt Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên…
Tờ Billboard trong bài nhận định của mình trước khi album xuất bản một tuần, đã nói rằng “đây là một tác phẩm nhạc - thơ gây nên một cảm giác rất không thoải mái khi nghe”. Bởi đây là một bản cáo trạng chiến tranh đầy ám ảnh mà Joan Baez muốn chuyển đến người nghe một cách rõ ràng và mạnh mẽ.
Chuyến đi nửa vòng trái đất
Joan Baez đang lưu diễn ở phía Đông nước Mỹ vào đầu tháng 12/1972 thì nhận được cuộc gọi của Cora Weiss, người đứng đầu Ủy ban Liên lạc Quốc tế các tổ chức hòa bình (ILCOP). Weiss muốn mời Joan Baez tham gia một phái đoàn đến thăm Hà Nội. Đây là lời mời xuất phát từ nhóm Ủy ban Đoàn kết với nhân dân Mỹ. Lúc ấy Joan Baez đang được xem là thủ lĩnh của phong trào phản chiến, bà và những ca khúc của mình lúc nào cũng phản đối cuộc chiến vô nghĩa tại Việt Nam.
Chuyến đi chỉ có 4 người: Joan Baez; tướng thời Thế chiến II, Telford Taylor; nhà hoạt động nhân quyền, Michael Allen; cựu binh từng tham chiến tại Việt Nam, Barry Romo.
Việc Joan Baez đến Hà Nội vào thời điểm ấy được xem là sự kiện đặc biệt. Trong cuộc báo vào ngày 13/12 tại Sân bay J.F.K, Joan Baez nói rằng bà muốn gặp gỡ những người dân ở bên kia chiến tuyến và muốn tận mắt chứng kiến sự tàn khốc của chiến tranh. Tất cả những hãng thông tấn lớn đều đưa tin này một cách đầy đủ và họ chờ đợi Joan Baez trở về.
Sau khi bay nhiều chặng và được nhận giấy thông hành ở Lào, ngày 15/12/1972 Joan Baez cùng những người bạn của mình đã đến Sân bay Gia Lâm, Hà Nội. Và bà cũng không thể tin được rằng, chỉ vài ngày sau, sân bay này đã bị B-52 đánh bom tàn phá tan tành.
Giáng sinh đáng nhớ
“13 ngày ở Hà Nội thì có đến 11 ngày hứng bom. Đây là kết quả của những “quyết định khó khăn nhất” mà Tổng thống Nixon đã phải thực hiện trong nhiệm kỳ của mình. Đánh bom mùa Giáng sinh năm ấy là vụ đánh bom nặng nề nhất trong lịch sử thế giới”, Joan Baez nhớ lại trong hồi ký của mình.
Nhưng Joan Baez thì lại nhận được những nụ cười không khách sáo, không sắp đặt. “Ai cũng hiểu một người Mỹ ở Hà Nội vào thời điểm đó chắc chắn phải là một người hòa bình”, Joan Baez nói và bà đi đâu cũng được đón tiếp. “Chúng tôi đã nhìn thấy tất cả mọi người, ai cũng nhìn chằm chằm vào máy ảnh. Chúng tôi đã thấy Việt Nam qua hàng ngàn bài báo mỗi ngày, thấy những người đàn ông nằm xuống với lỗ đạn bên mình, nằm chết giữa ruộng đồng”. Nhưng vẫn có những hình ảnh khác mà Joan Baez chưa bao giờ thấy được. Những người dân Hà Nội đón tiếp họ như những người bạn và bảo vệ họ khi B-52 bắt đầu rải thảm Hà Nội từ 18/12/1972, chẳng cách xa lắm nơi họ đang ở, khách sạn Hòa Bình (Metropole hiện nay).
Hà Nội ngày đầu tiên đón Joan Baez trong cơn mưa với “những hố bom ngập nước mưa” và những chiếc xe đạp oằn mình trên những con phố lổn nhổn hố bom, “họ dường như chẳng biết đi đâu”, Joan Baez viết. Và những ngày tiếp theo là những trận mưa bom dội như trút nước.
Họ đã đi, đã nhìn, đã sống như một người Hà Nội thời chiến tranh. Họ đã thấy cả một ngôi làng không còn bóng người. Họ đã tới Khâm Thiên, đã chứng kiến sự đau khổ của những người mẹ mất con, cảnh tượng đổ nát, đã tận mắt nhìn thấy nhìn những vành hoa trắng tại Bệnh viện Bạch Mai… Họ đã liên tục phải xuống hầm trú ẩn của khách sạn Hòa Bình. Ở đó, họ đã từng sợ hãi khi nghe còi báo động máy bay (nhịp tim tôi như đập nhanh gấp đôi bình thường - Joan Baez) và rồi từ sợ hãi, họ tức giận. Ở đó, ngay trên ban -công khách sạn Hòa Bình, Joan Baez đã hát những bài phản chiến, ngay khi tiếng bom đang rơi. Cô và những người bạn đã từ chối xuống hầm. Joan hát từ khi còi báo động kéo lên, điện cúp, cho đến khi những “đàn diều hâu” lùi xa, điện sáng trở lại, cô vẫn hát. Hát những bài của Pete Seeger “không gì lay chuyển được chúng ta”, hát về những người lính nát rượu khi trở về từ chiến trường Việt Nam (Sam Stone, sáng tác của John Prine)…
Và đã có người bật khóc. Joan Baez kể lại rằng khi cô hát Sam Stone thì dường như người bạn đồng hành với cô, cựu binh Barry Romo đã căng thẳng cực độ, như thể những tội lỗi bị chôn vùi trong quá khứ đã bị khai quật trở lại.
Con tôi đâu rồi?
Where Are You Now, My Son? (Con tôi đâu rồi) không phải là cái tựa mà Joan Baez tự nghĩ ra. Đó là câu than khóc của một người mẹ mất đứa con trai duy nhất trong đêm rải thảm ở Khâm Thiên. Câu hỏi ấy đã ám ảnh Joan Baez.
Trở về Mỹ, ngoài những hình ảnh ghi nhận được, Joan Baez còn mang về thêm được 15 tiếng ghi âm ghi lại những âm thanh Hà Nội trong những ngày khốc liệt ấy. Và một phần trong số ấy được Joan Baez đưa vào một cách rất khéo léo trong album cùng tên phát hành vào tháng 5/1973.
Where Are You Now, My Son? chiếm trọn mặt hai của album, dài gần 22 phút, được mở đầu với kèn báo động máy bay và tiếng chân người chạy vào hầm trú ẩn. Bài hát gồm 12 đoạn với câu điệp khúc được lặp đi lặp lại “Con tôi đâu rồi?”. Xen giữa những đoạn hát là những tư liệu âm thanh thu thực địa tại Việt Nam. Có những câu nói được đưa vào gây choáng váng, kiểu như “Ngay cái chỗ này là chết 2 người mất xác, hiện vẫn đang đi tìm” hay những câu tường thuật tại chỗ của Barry Romo nói rằng ông đang nghe tiếng bom ở rất gần… Tiếng bom rơi cũng được thu, dù chất lượng thu không tốt, cũng gây cảm giác như thể đang ngồi ngay trong hầm trú ẩn. Tiếng người mẹ mất con, tiếng than khóc, tiếng cười hy vọng sau mỗi trận ném bom, tiếng hát của dàn đồng ca Sài Gòn quật khởi, được đưa vào gây cảm ứng thính giác rất mạnh.
Bìa album cũng là một câu chuyện rất ý nghĩa khi Joan Baez quyết định dùng bức ảnh mình đang đứng trước nhà tù Hỏa Lò, nơi giam giữ những tù binh Mỹ. Bức ảnh chụp ngày 19/12, chỉ một ngày sau chiến dịch Linebacker II được mở màn. Ở mặt sau, là hình ảnh của một em bé đang đứng chơi trong vườn hoa.
Where Are You Now, My Son? gây được tiếng vang vào năm 1973 và có mặt tại bảng xếp hạng Billboard. Nhưng với Joan Baez lúc ấy, việc thành công của album chỉ có ý nghĩa khi nó được lan rộng và để nhiều người hiểu hết sự đáng sợ của chiến tranh.
Và với tất cả tình cảm của mình, bà dành tặng abum này cho người dân Việt Nam.
Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần