Có tiền cũng không xây được tòa nhà trăm năm như Thương xá Tax
(Thethaovanhoa.vn) - Xuất phát từ tình yêu dành cho thương xá Tax, ông Phùng Anh Tuấn - Tổng lãnh sự danh dự Phần Lan tại TP.HCM đã viết thư gửi lên UBND TP.HCM và Bộ VH,TT&DL kiến nghị các phương án bảo tồn công trình kiến trúc này, thay vì đập bỏ hoàn toàn.
Thư kiến nghị của ông Phùng Anh Tuấn còn nhận được chữ ký của các đồng nghiệp khác là Tổng lãnh sự danh dự Bỉ và Chile. Trên các diễn đàn mạng thời gian qua, cũng đã có rất nhiều ý kiến về việc bảo tồn Thương xá Tax.
* Thưa ông, là nhà ngoại giao nhưng lý do gì ông khiến quan tâm đến thương xá Tax?
- Thương xá Tax có lịch sử gần 100 năm với kiến trúc rất đẹp, không chỉ tôi mà còn rất nhiều người yêu mến công trình kiến trúc này. Có thể nói, Thương xá Tax không phải “của riêng” của người Sài Gòn, mà là của chung của người Việt và có thể là của nhân loại. Mặc dù người Pháp xây tòa nhà này, song kiến trúc không phải của Pháp hoàn toàn, mà đã được “bản địa hóa” kiến trúc của người Việt.
Sau gần 100 năm tồn tại, Thương xá Tax được sửa nhiều lần nhưng những gì đẹp nhất vẫn còn được giữ lại như khi vừa xây xong. Chẳng hạn như phần sảnh chính, sàn lót gạch mosaic, hai cầu thang được chạm trổ hoa văn… Riêng phần gạch mosaic không phải do người Pháp sản xuất dù đây là công trình kiến trúc của họ, mà được làm thủ công từ Bắc Phi. Trải qua gần 100 năm với nhiều lần sửa chữa, nhưng phần gạch lót sàn mosaic vẫn còn nguyên vẹn. Tôi nghĩ, những người sửa chữa Thương xá Tax họ không thể “xuống tay” đập bỏ cái đẹp đã khẳng định giá trị qua thời gian. Vậy nên nếu xây tòa nhà mới tại vị trí Thương xá Tax, thì phải có giải pháp bảo tồn cho thích hợp.
* Vậy là ông ủng hộ việc xây tòa nhà mới tại Thương xá Tax?
- Xây tòa nhà 40 tầng hay cao hơn nữa là việc của chủ bất động sản này thông qua quyết định của chính quyền TP.HCM. Tôi không phải nhà chuyên môn trong quy hoạch đô thị, tôi chỉ kiến nghị những gì mình quan sát thấy được. Bảo tồn Thương xá Tax sẽ rất có lợi cho chủ bất động sản này nói riêng và với những người yêu quý công trình này nói chung. Nhiều nhà đầu tư bất động sản lớn trên thế giới, khi đầu tư vào vị trí những tòa nhà cổ có lịch sử lâu đời, gần như họ giữ nguyên trạng ban đầu. Lý do giữ nguyên trạng, vì theo họ, tiền có thể xây được tòa nhà 100 tầng hay cao hơn nữa nhưng tiền không thể xây được tòa nhà 100 năm tuổi. Tất nhiên, để dung hòa giữa thương mại và các giá trị lịch sử, văn hóa, họ vẫn có cách bảo tồn các giá trị cũ khi xây dựng cái mới.
* Với Thương xá Tax thì bảo tồn cách nào để dung hòa các yếu tố như ông vừa nói?
- Trong thư kiến nghị, tôi có đưa ra hai giải pháp là giữ nguyên trạng sảnh chính gồm cầu thang, sàn lót gạch mosaic tại vị trí cũ hoặc di dời các phần này đi nơi khác phục dựng lại. Nhưng khi họp bàn với các đồng nghiệp yêu quý Thương xá Tax, chúng tôi thấy hai giải pháp này khó khả thi. Chúng tôi đưa ra giải pháp thứ ba là phục dựng lại nguyên bản mặt tiền Thương xá Tax như ngày mới khánh thành vào năm 1924. Việc này nhiều nước đã thực hiện khi xây tòa nhà mới trên nền công trình cũ. Mặc dù Thương xá Tax được sửa chữa nhiều lần, nhưng hình ảnh, bản vẽ mặt tiền công trình này chắc chắn còn lưu lại trong thư viện hay các bộ sưu tập cá nhân. Thậm chí, trong công ty của Pháp khi xây Thương xá Tax vẫn còn lưu.
Giữ lại mặt tiền của Thương xá Tax cho công trình mới sẽ tạo được cảnh quan, không gian của Sài Gòn cổ. Bên ngoài là như thế, còn bên trong vẫn xây cao ốc 40 tầng đáp ứng nhu cầu kinh doanh thương mại của chủ bất động sản này. Công trình Siam Center của Thái Lan chỉ khoảng 50 năm vẫn được chính quyền Bangkok nâng niu giữ gìn thì tại sao ta lại “xóa hết dấu vết” của Thương xá Tax?! Giữ lại mặt tiền của Thương xá Tax rất có lợi cho chủ bất động sản này, vì người ta có thể sở hữu tòa nhà 100 tầng nhưng rất khó để có tòa nhà 100 năm. Chưa tính đến các giá trị văn hóa, lịch sử, du lịch… gắn với tòa nhà được nhiều người trong và ngoài nước yêu mến như Thương xá Tax.
* Trong quá trình phát triển, nhiều công trình lâu đời bị phá bỏ. Thưa ông, làm sao để vẫn giữ nét đẹp cũ khi xây dựng cái mới?
- Như dự án Thương xá Tax, chúng ta không thể bắt dừng lại khi nhu cầu thực tế nằm trong tính toán phát triển của chủ bất động sản này. Thương xá Tax là tòa nhà thương mại chứ không phải là bảo tàng nên nó phải thích hợp với công năng thương mại của mình. Nhưng như tôi nói ở trên, giữ lại mặt tiền Thương xá Tax cho tòa nhà mới cũng là một cách dung hòa giữa mới và cũ. Gần đây, khi TP.HCM xây metro chặt bỏ một số cây cổ thụ ở khu trung tâm khiến nhiều người thương tiếc. Tôi cũng thương tiếc những cây cổ thụ này. Nếu như, thay vì chặt cây, người ta có thể di dời chúng đến chỗ khác. Để rồi bằng kỹ thuật trả những cây này về chỗ cũ, mà kỹ thuật hiện nay làm được điều đó dù có tốn kém hơn đôi chút. Thử hình dung, một thành phố hiện đại với hệ thống giao thông công cộng như metro chạy bên dưới, bên trên có những hàng cây cổ thụ hàng trăm năm sẽ đẹp biết bao nhiêu.
* Xin cảm ơn ông!
Thương xá Tax về Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM? Bà Mã Thanh Cao, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM xác nhận với Thể thao & Văn hóa về việc đã gửi công văn lên Sở VH,TT&DL TP.HCM nhằm “đưa” Thương xá Tax về bảo tàng trưng bày. Theo đó, một phần cầu thang ở sảnh chính và con gà gỗ của Thương xá Tax được bảo tàng “xin” được sở hữu, trưng bày. Cầu thang và con gà của Thương xá Tax được giới chuyên môn đánh giá như là tác phẩm mỹ thuật. Tuy nhiên, bà Mã Thanh Cao cho biết, vẫn đang chờ ý kiến của cấp trên về việc này. |
Thương xá Tax mới 40 tầng: ngại chiều cao! Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Khiêm nói với Thể thao & Văn hóa: “Về hình dạng Thương xá Tax nếu xây mới sẽ như thế nào tôi chưa bàn đến, nhưng nếu xây 40 tầng thì thật đáng ngại. Vì diện tích đất Thương xá Tax không lớn đủ để xây các tầng hầm để xe. Hiện nay, ở khu trung tâm TP.HCM, tìm nơi gửi xe là vấn đề nan giải. Như vậy, tòa nhà Thương xá Tax 40 tầng thì số lượng xe của chừng ấy con người giải quyết thế nào? Hay lại góp phần thêm vào vấn nạn kẹt xe, không có chỗ giữ ngay khu trung tâm này!”. |
Hoàng Nhân - Lưu Đạt (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần