Câu chuyện nhân sinh trong gia đình những người nổi tiếng
(Thethaovanhoa.vn) - Chuyện về doanh nhân Phạm Nhật Vượng - một trong những người giàu nhất Việt Nam; diva Thanh Lam và những ngã rẽ; hay GS Đặng Hùng Võ và người vợ trẻ... được nhà thơ Dương Kỳ Anh kể đầy lôi cuốn. Nhưng đằng sau đó là câu chuyện nhân sinh ý nghĩa về con người, cuộc sống...
- Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Không thể mưu cầu cái gì khác trên cái đẹp
- Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Hoa hậu nói dối có gì lạ...
- Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Chọn thơ hay khó hơn chọn người đẹp
Không thể bỏ thói quen viết
Trong ngôi nhà ba tầng nằm trên sườn đồi, mà chủ nhân - nhà thơ Dương Kỳ Anh - vẫn quen gọi là “nhà vườn Sóc Sơn”, một căn phòng rộng được dùng làm “thư phòng”. Gọi thế cho... văn vẻ, thực ra, căn phòng giản dị đúng như tác phong của nhà thơ.
Góc quan trọng nhất trong căn phòng được ông giới thiệu: bàn làm việc với máy tính còn đang mở. Mỗi ngày, sau giờ tập thể dục buổi sáng là ông ngồi vào bàn, và đọc, và viết lách. Thói quen đó có lẽ khó bỏ với một nhà báo.
Từ ngày nghỉ hưu, nhà thơ Dương Kỳ Anh dường như muốn rời xa cuộc sống đô thị, dù ngôi nhà ở nội thành của ông nằm trong khu Tập thể báo Tiền Phong cũng khá yên tĩnh. Nhà thơ về “ở ẩn” tận Sóc Sơn - ngoại ô Hà Nội, nhưng cũng mất tới 40-50 phút chạy xe ô tô. Sống giữa khu đồi rộng hàng héc ta, ông vẫn tìm được niềm vui cho mình, khi thì trồng mấy luống rau, khi thì câu cá...
Trở lại với cái gọi là “thư phòng”, sở dĩ bảo nó giản dị là bởi lâu lắm rồi người viết mới thấy một chiếc chõng tre thực thụ. Nó không phải vật trang trí, cũng không phải để bày cho đẹp. Mà nó là nơi chủ nhân ngả lưng sau những giờ miệt mài đọc, viết.
Và kết quả, từ “thư phòng” này, hàng loạt bài viết của Dương Kỳ Anh đã đăng báo. Hình như, đến giờ ông vẫn giữ mục cho một tờ báo. Cuốn Chuyện gia đình những người nổi tiếng có những bài viết đề năm 2015, hay cuối 2014. Chứng tỏ, nhà báo U70 (ông sinh năm 1946) không chỉ giữ một thói quen, mà bút lực còn dồi dào lắm.
Từ chuyện nhà, triết lý về cách dạy con
Dương Kỳ Anh vẫn được báo chí gọi là “ông trùm hoa hậu”. Nhưng trong cuốn sách mới nhất của mình, ông chỉ kể câu chuyện liên quan hai người đẹp, đó là “Đại sứ Ngô Quang Xuân: Không ai dạy con để thành hoa hậu” và “Từ câu chuyện tình của Hoa hậu Nguyễn Diệu Hoa”. Trong “thư phòng” rộng rãi, “ông trùm” từng chọn ra hàng chục hoa hậu và vô số á hậu cùng các người đẹp cả ở trong và ngoài nước chỉ đặt trên bàn duy nhất bức ảnh chân dung Ngô Phương Lan.
Là Trưởng ban tổ chức nhiều cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, nhà thơ Dương Kỳ Anh cũng từng bị “đồn thổi” không ít chuyện liên quan tới các Hoa hậu. Nào là chuyện ông “say đắm” Hoa hậu H. hay chuyện ông có cảm tình đặc biệt với người đẹp T...
Ngô Phương Lan là Hoa hậu vẹn cả tài lẫn đức theo nhận xét của nhà thơ Dương Kỳ Anh
Trả lời câu hỏi vui, vì sao lại là Ngô Phương Lan, nhà thơ nói đại ý rằng, Ngô Phương Lan là Hoa hậu hiếm hoi vẹn cả tài lẫn đức. Cô cũng là một trong số ít người “biến mất” khỏi showbiz. Cô hiện giờ là Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển kinh doanh, dù cô đàn hay, hát giỏi và là một MC gây ấn tượng trên truyền hình.
Phương thức dạy con của bố mẹ Ngô Phương Lan là: Không bao giờ dùng chữ “phải” mà chỉ dùng chữ “nên” bởi “áp đặt, nhồi nhét là hình thức giáo dục lỗi thời, kém hiệu quả nhất mà chúng ta cần tránh” – ông Ngô Quang Xuân chia sẻ.
Với Diệu Hoa, cô luôn dạy ba con của mình (hai gái, một trai) biết sống tự lập, tự mình trải nghiệm cuộc sống chứ không phải suốt ngày được chăm bẵm trong nhung lụa. Được biết, ngoài việc dạy các con học chữ, học cách sống hòa đồng, vợ chồng cô còn dạy các con học vẽ, học đàn, học bơi...; dạy các con phát triển nhân cách nhiều mặt, phát triển toàn diện nhưng cũng rất chú trọng đến năng khiếu, tính cách của các con để các con đi đúng hướng...
Trong khi đó, câu chuyện của GS Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường – lại là một câu chuyện thú vị. Vợ ông sinh con đầu lòng xong thì bị viêm màng não, ông luôn trực tiếp pha sữa cho con, bế ẵm con... Sau này, ông lấy người vợ trẻ hơn: nghệ sĩ đàn dân tộc Hồng Ánh và sinh hai con, một trai, một gái, thì ông vẫn luôn bế con hát ru.
Còn câu chuyện gia đình của chính tác giả thì sao? Ông đã kể rất thật chuyện con trai suýt bị chết đuối; chuyện con gái bị còi xương phải ăn thịt cóc; đến cả chuyện hồi ông mới nhận chức Tổng biên tập thì bị côn đồ đến tận nhà dọa giẫm chỉ vì một bài báo chống tiêu cực...
Nhưng giờ, khi đã có con dâu, con rể, hai cháu nội và một cháu ngoại, nhà thơ rút ra rằng: “Trong cuộc đời vô thường này, mọi điều có thể sẽ đến. Chẳng ai nói chắc được điều gì. Được đi liền với mất, Phúc đi liền với họa. Cái dở cái hay đều ở trong mỗi con người... Nhìn lại những điều đã dạy dỗ con, tôi biết các con tôi có thể còn nhiều thiếu sót, nhược điểm... nhưng có một điều tôi biết chắc rằng, chúng sẽ không làm điều ác... Đó là điều mà tôi cho là quan trọng nhất”.
Ông cũng luôn tâm niệm lời cha dạy: “Hãy lấy ân mà trả oán vì ân đức sinh ra ân đức, oán thù sinh ra oán thù”. Đứa trẻ nào trên thế giới này cũng nhớ và sống như thế, thì hẳn nhiên sẽ không có thương vong, không có chiến tranh...
Hà Chi
Thể thao & Văn hóa