Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Chọn thơ hay khó hơn chọn người đẹp
Một cuộc hẹn với nhà thơ Dương Kỳ Anh, nguyên TBT báo Tiền Phong, không dễ. Ông đã nghỉ hưu, có thể cũng được gọi là “tỉ phú thời gian” nhưng lại dành phần nhiều thời gian sở hữu “ở ẩn” trong ngôi nhà vườn tận ngoại thành để viết, và viết.
Nhà thơ Dương Kỳ Anh |
- Tôi đã làm một việc mạo hiểm. Thơ hay không có tiêu chí xác định, mà do cảm nhận. 1.000 người đọc có 1.000 cảm nhận khác nhau. Tuy nhiên cũng có một điểm chung nào đó như thơ hay là thơ nói lên được tâm trạng điển hình của những giai đoạn điển hình.
Ở phương Đông có triết lý về thơ hay: ý tại ngôn ngoại. Vì thế, có những câu thơ ít chữ mà ý tứ sâu xa. Tổng đốc Hoàng Diệu từng viết: Núi sợ Trời nghiêng, đỡ lấy mây. Không ai nghĩ là vị tổng đốc lại có câu thơ hay, vang vọng như thế. Nó nói lên nhân cách của một vị anh hùng bi phẫn.
* Ông nghĩ sao khi thơ đang là “món xa lạ” với đông đảo bạn đọc trẻ?
- Vì thế tôi mới cố gắng chọn thơ hay. Thơ nước mình nhiều lắm, hàng ngày mọc lên như nấm. Trong biển thơ mênh mông đó, để tìm câu hay rất khó. Làm việc này là làm dâu trăm họ, mất gần 40 năm đấy. Năm 1976, khi vào Sài Gòn làm việc, tôi được gặp thi sĩ Bùi Giáng trong một buổi sinh hoạt thơ. Thi sĩ nói thơ hay không ai bình nổi. Từ đó, tôi bắt đầu đi tìm kiếm những vần thơ hay theo chủ quan của mình.
* 40 năm ư? Rõ là nghiệp chữ nghĩa thật nặng nhọc?
- Cành hoa sắc một lưỡi dao, vì yêu tôi cứ cầm vào như chơi (Đồng Đức Bốn) là thế. Yêu thơ nên tôi mới làm cuốn này chứ không phải vì để nổi danh hay vì tiền, nếu không khéo còn bị chê trách.
* Giữa hai danh xưng nhà thơ và cha đẻ cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, ông muốn được gọi theo cách nào?
- Thực ra mỗi cái đều có thú vị riêng. Vì tôi yêu thơ, yêu cái đẹp nên mới tổ chức thi hoa hậu. Thời điểm năm 1988, việc làm ấy bị cho là tuyên truyền lối sống Mỹ. Nếu tôi không phải là nhà thơ, không yêu cái đẹp thì không nghĩ đến thi hoa hậu. Việc đó lúc đó mạo hiểm lắm, có thể mất chức, thậm chí có khi còn hơn thế…
* Chọn thơ hay so với chọn người đẹp cái nào khó hơn, thưa ông?
- Cả hai đều khó (cười). Nhưng chọn thơ hay khó hơn.
* Khó có phải vì ông cũng nhiều bạn hữu làm thơ?
- Tôi chọn trên tiêu chí là hay chứ không phải vì thân sơ. Nếu là những người tôi chơi, tôi biết thì sẽ có thêm vài dòng về họ. Chẳng hạn Huy Cận là nhà thơ tôi biết nên tôi sẽ viết mấy dòng về tác giả. Hay như Bạch Cư Dị, có lần sang Trung Quốc, tôi từng đứng bên tượng của ông, nên khi chọn thơ ông, tôi thêm vài dòng suy nghĩ về ông.
* Sau Xuyên Cẩm, Thổ địa , Cõi Ta Bà hình như ông đã từ bỏ ý định viết tiểu thuyết?
- Không. Tôi vừa hoàn thành cuốn Miền trần gian – tiểu thuyết lấy cảm hứng từ chính câu chuyện về gia đình tôi trong thời kỳ cải cách ruộng đất. Một miền trần gian khổ cực, nhưng trên hết là chủ nghĩa nhân văn. Con người ta dù đói tới mức phải ăn cướp cũng phải nhân văn, có xuống tận đáy cùng cũng phải nhân văn.
Ông nội tôi từng là quan thời nhà Nguyễn, sau đi theo cách mạng, vào Đảng, có nói với tôi rằng: Sống ở đời cần lấy ân mà trả oán, vì ân đức sinh ra ân đức, oán thù sinh ra oán thù. Tôi không chỉ thấm thía điều đó trong cuộc sống, mà trong cả tác phẩm từ trước tới nay.
* Từ lúc nghỉ hưu, bút lực của ông vẫn khá dồi dào?
- Ngày trước, đảm nhận cương vị tổng biên tập của một tờ báo, tôi có quá nhiều việc phải làm. Họp hành suốt ngày, mệt kinh khủng. Giờ tôi có thời gian, nhẩn nha, ngẫm ngợi. Trước kia viết Xuyên Cẩm khá vội, cuốn tiểu thuyết Miền trần gian thực chất là phần hai của Xuyên Cẩm, tôi đi sâu hơn đề tài này.
Pascal nói rất thú vị về hai cái vô cùng: vũ trụ là một cái vô cùng không ai biết cả, ngoài trái đất có trái đất không ta không biết hết? Cái vô cùng thứ hai chính là cơ thể con người. Vì thế, sáng tạo là không giới hạn. Tuổi này nếu Trời còn cho sức khỏe thì tôi còn viết.
* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Những câu thơ hay Đông Tây Kim Cổ trích hàng ngàn câu thơ từ trong Kinh Phật, Kinh Thánh tới các tác giả Việt Nam, nước ngoài: Lão Tử, Lý Thường Kiệt, Mãn Giác Thiền sư... Sách 252 trang, NXB Giáo dục ấn hành. |