A+ A A- Kiểu đọc sách

Bản giao hưởng bất hủ mọi thời đại: 'Beethoven thì chỉ có một'

19:30 15/09/2016
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Theo kết quả cuộc thăm dò mới đây nhằm tìm ra 20 bản nhạc giao hưởng bất hủ mọi thời đại do tạp chí BBC Music tiến hành với sự tham gia của 151 nhạc trưởng khắp thế giới, Eroica, bản giao hưởng thứ 3 của nhà soạn nhạc thiên tài Đức Ludwig van Beethoven đã chiếm vị trí đầu.

Hậu thế vẫn "sùng bái" âm nhạc của Beethoven, một thiên tài nhạc cổ điển, nhưng cũng là người nổi tiếng cố gắng sống thật với cá tính của mình trước giới quý tộc.

Lý tưởng và thực tại

"Hoàng tử, những gì ngài đang có đó là nhờ dòng dõi và cơ hội. Những gì tôi có là nhờ sức lao động của chính mình. Hiện có rất nhiều hoàng tử và sẽ tiếp tục có thêm hàng ngàn nữa, nhưng Beethoven thì chỉ có một" - Beethoven từng tuyên bố.

Chính bởi cá tính ấy mà trong suốt thời gian sống ở Vienna (Áo) từ năm 1792 cho đến khi qua đời vào năm 1827, Beethoven vẫn là một nhạc sĩ tự do. Không giống như hầu hết các bậc tiền bối, Beethoven chưa bao giờ có được một vị trí chính thức trong triều đình hoặc trong ban phục vụ của nhà thờ.


Nhà soạn nhạc thiên tài Đức Beethoven

Beethoven phải sống dựa vào nguồn tài trợ và sự quen biết của các nhà hảo tâm là những nhân vật có ảnh hưởng trong xã hội.

Có thời điểm, để kiếm sống các nhà soạn nhạc sáng tác nhạc theo đơn đặt hàng của khách hàng thuộc tầng lớp trung lưu và Beethoven là một trong những người đi đầu trong trào lưu này. Hầu hết sáng tác của ông đều ra đời theo sự ủy quyền của các nhà quý tộc, nhân vật giàu có. Những hợp đồng ấy đem lại khoản tiền cần thiết để ông duy trì cuộc sống.

Giống như nhiều người trong thế hệ của ông, Beethoven đã bị tác động mạnh bởi những lý tưởng của cuộc Cách mạng Pháp.

Thế nhưng, sự tự do, bình đẳng và tình anh em thời kỳ ấy không giúp được ông nhiều và ông phải giả vờ ghép chữ "van" trong cái tên Ludwig van Beethoven để nó mang dòng dõi quý tộc. Thực tế tổ tiên ông là những người thuộc vùng biên giới giữa Bỉ, Hà Lan và Pháp.

Trong cuốn tiểu sử The Lonely Revolutionary (2012), tác giả Jan Caeyers đã nêu rõ Beethoven đã buộc phải cúi đầu với thực tế, bởi tự tin và thậm chí kiêu ngạo là thế nhưng đôi khi Beethoven vẫn phải đưa ra những lời "ca tụng khúm núm" để nhận được sự ân sủng của giới quý tộc quyền thế.

Cơm áo không đùa...

Nhà văn Đức Johann Wolfgang von Goethe từng viết: "Tài năng của Beethoven đã khiến tôi kinh ngạc, cá tính của ông hết sức tự do".

Beethoven thường xuyên thể hiện cá tính tự do ấy và trong một bức thư gửi cho thầy giáo cũ Christian Gottlob Neefe, nhà soạn nhạc viết: "Nếu một ngày nào đó em trở thành một người vĩ đại thì thầy cũng có đóng góp vào đó".

Beethoven đã vượt Mozart để trở thành nhà soạn nhạc nổi tiếng nhất

Beethoven đã vượt Mozart để trở thành nhà soạn nhạc nổi tiếng nhất

Theo kết quả cuộc thăm dò, do Classic FM Hall (Anh) tổ chức với sự tham gia của 170.000 người, Beethoven đã nổi tiếng hơn cả bậc tiền bối Mozart để trở thành nhà soạn nhạc nổi tiếng nhất.


Trong những năm đầu tiên ở Vienna, nhiều nhà quý tộc trẻ đã đóng góp cho thành công của Beethoven.

Một số nhà tài trợ trung thành với Beetheven trong nhiều thập kỷ, trong đó có Hoàng tử Franz Joseph Maximilian von Lobkowitz (1772-1816), đại sứ Nga, bá tước Andre Razumovsky (1752-1836) và bá tước Moritz Fries (1777-1826).

Tuy nhiên, nhà bảo trợ quan trọng nhất của Beethoven trong thời kỳ đầu là Hoàng tử Karl Lichnowsky (1761-1814), người đã cấp nguồn thu nhập ổn định cho Beethoven trong hơn 1 thập kỷ. Dinh thự của Lichnowsky là nơi tụ hội của các nhạc sĩ và nhà soạn nhạc đồng thời cũng là nơi ra mắt một số nhạc phẩm đầu tiên của Beethoven.

Thậm chí, Beethoven còn được mời tới sống cùng gia đình Lichnowsky như một thành viên trong gia đình. Nhờ có sự hậu thuẫn của Lichnowsky, nhiều nhà quý tộc khác đã ủy quyền cho Beetheoven sáng tác hoặc hỗ trợ tài chính cho ông bằng nhiều cách khác nhau.

Để tỏ lòng biết ơn, Beethoven đã dành tặng nhiều sáng tác của mình cho Lichnowsky, trong đó có Bản giao hưởng số 2 và bản sonata Pathetique. Thế nhưng, sự biết ơn đó không kéo dài. Vào khoảng năm 1806, Beethoven được yêu cầu trình diễn trước nhiều sĩ quan Pháp khi họ là khách của Hoàng tử.

Beethoven đã không nhận lời và sự từ chối của ông đã khiến Hoàng tử cắt tiền trợ cấp hàng tháng cho ông. Trở lại Vienna, nhà soạn nhạc đã tức giận đập vỡ một bức tượng bán thân mang chân dung Hoàng tử.

Có thời điểm Beethoven cho in hầu hết các sáng tác của mình và lập tức thương thảo với các nhà xuất bản để qua đó có thể kiếm được tiền và không còn phải dựa dẫm tài chính vào ai.

Thời gian sau này Beethoven đã tìm được một nhà bảo trợ trung thành khác: Thái tử Áo-Hungary Rudolph (1788-1831), con trai út của Hoàng đế Franz. Bản thân Rudolph cũng là một nhà soạn nhạc, nghệ sĩ dương cầm tài năng.

Beethoven đã dành tặng những sáng tác hay nhất cho Rudolph, trong đó có các bản concerto thứ 4 và thứ 5 soạn cho piano và bản hợp xướng Missa solemnis, là lời cầu nguyện để giải thoát khỏi đau thương chiến tranh, được ông sáng tác vào năm 1819 - 1823.

Khúc Missa solemnis được trình diễn vào năm 1820 nhân dịp Rudolph đăng quang Tổng giám mục Olmutz. Beethoven từng đánh giá đây là sáng tác tuyệt vời nhất của ông nhưng phải 3 năm sau đó ông mới hoàn thiện tác phẩm này.

Có điều, Beethoven luôn cằn nhằn về những nghĩa vụ giảng dạy của mình, thường hủy các buổi dạy trong tuần với lý do bị ốm. Khi nhà bảo trợ của ông phản đối, Beethoven thẳng thừng tuyên bố ông không phải là "nô lệ" của Thái tử.

Việt Lâm (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Từ khóa: Beethoven âm nhạc
loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...