A+ A A- Kiểu đọc sách

Phát hiện bức thư “than nghèo” của Beethoven

13:18 13/01/2012
loading...

(TT&VH) - Nhiều người hâm mộ hẳn đã biết nhà soạn nhạc Đức Ludwig van Beethoven bị điếc nặng, song ít người biết cuộc sống của ông còn gặp rất nhiều khó khăn về tài chính. Tình cảnh này đã được Beethoven bộc bạch trong một bức thư tay hiếm hoi của ông, trong đó ông phàn nàn về bệnh tật và cảnh túng tiền. Bức thư này vừa “xuất hiện” tại Viện Brahms ở thành phố Lubeck, miền Bắc nước Đức.

Beethoven viết bức thư này hồi tháng 7/1823, lúc đó ông 53 tuổi. Thư dày 6 trang, có chữ ký và dấu triện độc đáo của Beethoven, trong đó ông đề nghị nghệ sĩ đàn hạc đồng thời là nhà soạn nhạc Franz Anton Stockhausen bán giúp nhạc phẩm Missa Solemnis nổi tiếng của mình.

Được sáng tác ở giai đoạn 1803-1805, Missa Solemnis là tác phẩm hoàn thiện cuối cùng và cũng là một trong những bản nhạc xuất sắc nhất của Beethoven. Bản nhạc là lời nguyện cầu cho con người thoát khỏi những đau thương chiến tranh.

Có giá trị lịch sử đặc biệt

Bức thư này đã được trao lại cho chắt của nhà soạn nhạc Stockhausen là giáo viên âm nhạc Renate Wirth. Bà Wirth đã qua đời năm 2011 và di sản của bà, trong đó gồm cả bức thư viết tay này, đã được trao lại cho Viện Lübeck Brahms hồi đầu tuần. Bức thư đã cũ vàng và cần phải được lưu giữ trong những điều kiện đặc biệt.

Ngoài lời đề nghị nêu trên, trong thư Beethoven còn kể những chi tiết hết sức kinh ngạc về hoàn cảnh riêng tư của mình, cũng như những lo lắng về tài chính, bệnh tật (căn bệnh điếc và rối loạn thị lực).

Bức thư Beethoven đề cập đến cảnh bệnh tật và túng tiền của mình

“Lương thấp cộng với bệnh tật nên tôi phải rất nỗ lực mới có thể khá khẩm hơn được” - Beethoven viết trong thư và còn bày tỏ rằng việc học hành của đứa cháu trai rất tốn kém và cậu bé này cần được chu cấp sau khi ông qua đời.

Thư được viết bằng mực đen, những dòng chữ trong thư nghiêng về bên phải, trông lộn xộn và có nhiều chỗ sửa và gạch xóa. “Beethoven không phải là người viết chữ đẹp. Ông viết một cách tự nhiên, rồi sau đó lại gạch xóa, những suy nghĩ của ông thay đổi trong quá trình viết” - Stefan Weymar, nhà nghiên cứu âm nhạc thuộc viện Lübeck Brahms, cho biết. Ông cho rằng “bức thư có giá trị lịch sử đặc biệt và ước tính trị giá khoảng 100.000 euro.

Sinh năm 1770 tại thành phố Bonn (Đức), Beethoven chuyển tới thành phố Vienna (Áo) khi còn trẻ và trở thành nhà soạn nhạc nổi tiếng bậc nhất mọi thời đại. Ông là một hình tượng âm nhạc điển hình trong giai đoạn giao thời từ thời kỳ âm nhạc cổ điển sang thời kỳ âm nhạc lãng mạn.

Beethoven qua đời năm 1827, 4 năm sau khi ông viết bức thư nêu trên. Thi hài ông được chôn cất ở Vienna. Bản sonata Ánh trăng (Moonlight) soạn cho piano và khúc mở đầu đầy ấn tượng của bản Giao hưởng số 5 của ông là những nhạc phẩm nổi tiếng nhất của dòng nhạc cổ điển.

Bệnh điếc ảnh hưởng tới sáng tác

Hồi tháng 12/2011, trên tạp chí Y học Anh, các nhà khoa học đưa ra nhận định rằng, bệnh điếc vào những năm tháng sau này đã khiến các sáng tác của ông thực sự bị ảnh hưởng.

Các nhà nghiên cứu cho biết, Beethoven lần đầu tiên đề cập đến bệnh điếc của mình trong một bức thư ông viết năm 1801: “Trong nhà hát, tôi phải ngồi rất gần dàn nhạc để hiểu được các nghệ sĩ trình diễn chứ không thể nghe được bất cứ âm thanh nào từ các nhạc cụ và giọng hát của ca sĩ”.

Beethoven có dấu hiệu bị điếc vào đầu năm 1796. Ông cảm thấy ngày càng cô đơn và bắt đầu tránh xa mọi người. Năm 1818, Beethoven bắt đầu giao tiếp với mọi người thông qua việc ghi chép. Theo các nhà nghiên cứu, Beethoven bị điếc hẳn vào năm 1825.

Nhà nghiên cứu Edoardo Saccenti viết: “Khi bệnh điếc ngày càng nặng, các sáng tác của ông sử dụng nhiều nốt trầm để ông có thể nghe được tốt hơn khi trình diễn chúng. Khi phải dựa hoàn toàn vào tai trong, ông dần trở về với thế giới âm nhạc bên trong mình và những trải nghiệm sáng tác trước đó”.

Việt Lâm (tổng hợp)

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...