(Thethaovanhoa.vn) - Nhiều nhà hoạt động vì quyền phụ nữ đã phản đối đạo diễn Pháp gốc Ba Lan Roman Polanski (83 tuổi) sau khi ông đồng ý làm chủ tọa lễ trao giải Cesar 2017, được xem là giải Oscar của điện ảnh Pháp.
Với vai trò này, Polanski sẽ khai mạc lễ trao giải với một bài phát biểu, trước khi nhường phần tiếp theo cho MC của lễ trao giải.
Polanski được Viện Hàn lâm Khoa học & Nghệ thuật Điện ảnh Pháp vô cùng ngưỡng mộ. Hồi năm 1980, ông đã đoạt giải Cesar Đạo diễn xuất sắc nhất với phim Tess, năm 2002 với phim The Pianist, năm 2011 với phim The Ghost Writer và năm 2014 với phim Venus in Fur. Bên cạnh đó, ông còn đoạt nhiều giải thưởng khác về biên kịch và nhiều đề cử giải khác.
Logo lễ trao giải Cezar của điện ảnh Pháp
Nhưng trong suốt 4 thập kỷ qua, Chính phủ Mỹ đã yêu cầu dẫn độ Polanski về nước này sau khi ông cưỡng dâm một bé gái 13 tuổi ở Los Angeles hồi năm 1977.
Polanski đã bị cáo buộc ép một bé gái dùng ma túy trước khi quan hệ tình dục với cô. Năm đó, Polanski 43 tuổi. Sau đó, Polanski đã nhận tội quan hệ tình dục bất hợp pháp với trẻ vị thành niên và đã bị giam giữ 42 ngày trong quá trình đánh giá tâm thần.
Nhưng năm 1978, trước nguy cơ chịu mức phạt tối đa 50 năm tù, nghĩ rằng vị thẩm phán sẽ tuyên phạt ông ở tù thêm, Polanski trốn đến Pháp, vì nước này không ký hiệp ước dẫn độ tội phạm với Mỹ.
Hồi năm 2009, Polanski từng bị giữ ở Thụy Sĩ theo yêu cầu dẫn độ của Mỹ khi đang trên đường nhận giải Thành tựu trọn đời tại Liên hoan phim Zurich. Ông đã bị quản thúc 10 tháng trước khi Thụy Sĩ từ chối yêu cầu của Mỹ.
Tháng 1/2015, Mỹ lại yêu cầu Ba Lan dẫn độ nhà làm phim này, tuy nhiên hồi tháng 10/2016 một tòa án ở Krakow đã từ chối yêu cầu đó và tháng 12/2016, tòa án tối cao Ba Lan ủng hộ quyết định này.
Nhà làm phim Pháp gốc Ba Lan Roman Polanski
Sau phán quyết này, Polanski đã nói với các nhà báo: "Cuối cùng tôi đã có cảm giác được an toàn ở đất nước quê hương mình".
Tuy nhiên, quyết định tôn vinh ông tại lễ trao giải Cesar thường niên đã "chọc giận" các nhóm hoạt động vì phụ nữ và nhiều người đã sử dụng trang mạng xã hội để kêu gọi tẩy chay lễ trao giải được truyền hình trực tiếp.
Cụ thể, nhóm "Osez le feminisme" cho rằng quyết định của Viện Hàn lâm Khoa học & Nghệ thuật Điện ảnh Pháp là đáng "hổ thẹn" và thúc giục mọi người phản đối ở bên ngoài.
"Chúng tôi vô cùng tức giận. Chúng tôi không thể bỏ qua chuyện này. Mời Polanski làm chủ tọa lễ trao giải là một sự sỉ nhục cho những nạn nhân bị cưỡng hiếp và tấn công tình dục.
Nhiều người nói rằng Polanski là một nhà làm phim lớn. Tuy nhiên, chất lượng các bộ phim của ông chẳng nói lên điều gì khi nghĩ đến tội ác mà ông đã gây ra, sự trốn tránh công lý và không đối diện với trách nhiệm" – Claire Serre-Combe, người phát ngôn của nhóm "Osez le feminisme", nói.
Cảnh trong "Elle", phim nhiều khả năng sẽ chiến thắng tại lễ trao giải Cezar năm nay
Trước khi mời Polanski làm chủ tọa, Viện Hàn lâm Khoa học & Nghệ thuật Điện ảnh Pháp đã ca ngợi Polanski là nhà làm phim có "thẩm mỹ cao", trong khi cựu Bộ trưởng Pháp Aurelie Filippetti đánh giá ông là "nhà làm phim lớn, người nên được cho phép làm chủ tọa lễ trao giải".
"Đây là chuyện đã xảy ra cách nay đã 40 năm. Không ai có thể lần nào cũng đưa chuyện này ra để nói về Polanski vì đây là chuyện của quá khứ. Đây chỉ là một lễ trao giải. Chúng ta không nên đưa ra bất cứ điều gì quan trọng hơn lễ trao giải này" – bà Aurelie Filippetti nói trên đài truyền thanh Pháp.
Trớ trêu thay, nhiều khả năng chiến thắng tại lễ trao giải Cezar năm nay là Elle, bộ phim kể về một nạn nhân bị cưỡng hiếp báo thù kẻ tấn công mình bằng việc chơi trò "mè vờn chuột" với chính kẻ tấn công mình.
Bộ phim này đã đoạt giải Quả cầu Vàng Phim tiếng nước ngoài hay nhất 2017 và Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất (Isabelle Huppert).
Lễ trao giải Cezar năm nay sẽ diễn ra vào ngày 24/2.
Polanski hiện đang làm phim Based on a True Story và ông là đồng tác giả kịch bản với Olivier Assayas. Phim có sự thủ diễn chính của Eva Green, Emmanuelle Seigner và Vincent Perez.
Tuấn Vĩ
Tổng hợp